Thương mại điện tử có thể giúp doanh nghiệp nhỏ ngang bằng với các “đại gia” trong lĩnh vực tiếp thị và giao thương quốc tế. Vì thế, việc lựa chọn một sàn giao dịch điện tử, với những tiện ích thiết thực, là điều các doanh nghiệp nên lưu ý.
Sự nhiêu khê khi tham gia thương trường quốc tế đã khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ chùn bước. Trên thực tế, quá trình này đòi hỏi doanh nghiệp phải có một khoản ngân sách dành cho việc nghiên cứu thị trường và tìm kiếm các cơ hội giao thương, chưa kể thời gian đầu tư để sàng lọc, phát triển khách hàng. Vì thế, nhiều doanh nghiệp nhỏ ngày nay đã tìm đến thương mại điện tử để có thêm lợi thế khi bước vào cuộc cạnh tranh toàn cầu. Thông qua các chợ điện tử, doanh nghiệp có thể tiếp cận các cơ hội kinh doanh, không kể khoảng cách không gian và thời gian. Đặc biệt, nhờ công nghệ sắp xếp tổ chức dữ liệu tại các mạng này, các cơ hội được sàng lọc, chọn lựa sao cho phù hợp với nhu cầu kinh doanh của người mua và người bán.
Theo thống kê của Vụ Thương mại điện tử, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), hiện có khoảng 30 sàn giao dịch thương mại điện tử của Việt Nam hoạt động theo hình thức B2B (giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau). Tuy nhiên, ngoại trừ một số sàn giao dịch của VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), ECVN (Cổng Thương mại điện tử quốc gia), Gophatdat.com… được đánh giá hoạt động khá chuyên nghiệp, phần lớn các sàn giao dịch B2B khác mới chỉ tập trung cung cấp và chia sẻ thông tin, huấn luyện doanh nghiệp làm quen với thương mại điện tử và từng bước đẩy mạnh hoạt động giao dịch thương mại trực tuyến.
Số liệu khảo sát của Vụ Thương mại điện tử đối với gần 200 thành viên của sàn ECVN cho thấy, có 114 doanh nghiệp tìm được đối tác mới. Trong đó, số thành viên ký được hợp đồng thông qua phương thức giao dịch B2B là 16 doanh nghiệp. Đến nay, ECVN đã có hơn 6.000 cơ hội kinh doanh và có trên 1.500 thành viên tham gia. Tất cả thành viên của ECVN đều được hưởng dịch vụ hỗ trợ miễn phí.
Sàn giao dịch của VCCI đầu tư cho phát triển sàn cả về công nghệ (phần mềm, máy chủ, mạng) cũng như quảng bá, hỗ trợ thông tin, tư vấn… Bên cạnh đó, ngoài việc đăng tải cơ hội kinh doanh, mua bán hàng hóa và dịch vụ, sàn này cũng hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong các cuộc đấu thầu trực tuyến.
Ông Đinh Công Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại điện tử Tiên Phong, chủ sở hữu sàn Gophatdat.com, cho biết một sàn giao dịch B2B chỉ thiết thực đối với nhu cầu của doanh nghiệp khi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trên mạng (online) và bên ngoài (offline); đưa ra các công cụ, cơ hội và trên hết là giải pháp kinh doanh. Ở sàn Gophatdat.com, thành viên đóng phí (GoSupplier, 239 đô la Mỹ/năm), hàng tháng sẽ nhận được 100-150 cơ hội kinh doanh có độ xác thực cao (cơ hội kinh doanh có thật, đã được Gophatdat.com lọc sẵn) và được quảng cáo miễn phí trên Google. Thành viên miễn phí (GoBiz) cũng nhận được 10-20 cơ hội kinh doanh/tháng, theo đúng ngành nghề kinh doanh của mình. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp có hạn chế về nhân viên có trình độ ngoại ngữ, biết sử dụng Internet, Gophatdat.com sẽ hỗ trợ việc đào tạo để trong tương lai doanh nghiệp có thể tự tiến hành giao dịch.
Tránh rủi ro trong giao dịch điện tử
Trong giao dịch thương mại điện tử, việc bảo mật phải được coi trọng, nhằm tránh những trường hợp mạo danh hay chối cãi nguồn gốc. Để bảo mật, người ta thường dùng biện pháp mã hóa dữ liệu, chữ ký điện tử, phong bì số và cơ quan chứng thực.
Chữ ký điện tử là một công cụ bảo mật an toàn nhất hiện nay, đảm bảo tính toàn vẹn, duy nhất và không thể sửa đổi dữ liệu bởi người khác trong giao dịch. Chữ ký điện tử có thể là ký tự đánh từ bàn phím, bản scan của chữ viết tay, dấu vân tay, giọng nói... Phong bì số là quá trình mã hóa toàn bộ thông tin của người gửi, đồng thời cách giải mã được chuyển cho người nhận để giải mã thông tin. Cơ quan chứng thực là một tổ chức nhà nước hoặc tư nhân đóng vai trò là người thứ ba đáng tin cậy trong việc xác nhận chữ ký điện tử, nhân thân, thông điệp của người ký và tính toàn vẹn của thông tin trong giao dịch điện tử. Cơ quan chứng thực có vai trò quan trọng bởi trong thương mại điện tử, các bên tham gia không trực tiếp gặp mặt nhau, thậm chí không quen biết nhau nên rất cần có sự đảm bảo của người thứ ba.
Theo các chuyên gia, dù đã sử dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo mật thông tin trong giao dịch, người tham gia giao dịch vẫn phải kiểm tra tính đúng đắn, chân thật của thông tin nhận được.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã tự xây dựng trang web để quảng bá thương hiệu, đăng thông tin quảng cáo, chào hàng sản phẩm… Tuy nhiên, cách làm này sẽ khiến doanh nghiệp phải tốn một khoản không nhỏ cho việc xây dựng và bảo trì trang web, đồng thời có thể bị giảm hiệu quả tiếp thị nếu trang web không được thiết kế chuyên nghiệp. Trên thực tế, các khảo sát thị trường trên mạng, nhằm tiến tới giao dịch mua bán, thường diễn ra rất nhanh. Nếu doanh nghiệp không biết cách trưng bày sản phẩm bắt mắt (trên website), cung cấp thông tin không đầy đủ, rõ ràng về sản phẩm, công ty… sẽ dễ bị nghi ngờ về tính chân thực trong giao dịch. Đó là chưa kể việc thu hút khách hàng truy cập vào trang web của doanh nghiệp cũng đòi hỏi một sự đầu tư nghiêm túc.
Thạc sĩ Dương Kim Thạnh, trường Đại học Hoa Sen, trong một cuộc hội thảo về ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh, cho biết các khiếm khuyết trên có thể được khắc phục nếu doanh nghiệp tham gia vào một sàn giao dịch B2B. Tại đây, doanh nghiệp sẽ được tạo một phòng trưng bày sản phẩm trực tuyến, qua đó việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm sẽ được thực hiện bằng công cụ tiếp thị điện tử (e-marketing) của sàn giao dịch này. Các thông tin về hoạt động doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ, giá cả… của các khách hàng đều được kiểm soát và cung cấp đầy đủ, nên doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí trong giao dịch. Với các doanh nghiệp nhỏ, sàn giao dịch B2B càng trở nên thiết thực hơn trong giao thương toàn cầu, khi các giới hạn về thời gian, khoảng cách địa lý, quy mô doanh nghiệp… đều được xóa bỏ.
Ông Thạnh cũng lưu ý các sàn giao dịch B2B - chợ điện tử toàn cầu này là do người mua và người bán tự tìm đến với nhau. Vì vậy, các sàn sẽ không thể can thiệp trực tiếp vào các giao dịch, mà chỉ cung cấp và quản lý một hệ thống kết nối sự phù hợp giữa các nhu cầu mua và bán. Hệ thống này đảm bảo “chất lượng” của các thành viên tham gia, kiểm soát độ chính xác của thông tin nhằm đem đến cho doanh nghiệp các cơ hội kinh doanh tốt nhất. Khi doanh nghiệp công bố thông tin về mình, về sản phẩm và nhu cầu mua bán, bộ phận nội dung sẽ kiểm duyệt tính chính xác trước khi cho đăng rộng rãi, nhằm bảo đảm độ tin cậy cao nhất của thông tin. Sàn Gophatdat.com còn thực hiện dịch vụ chứng thực sự tồn tại của người mua và người bán.
Một số tiện ích của các sàn giao dịch B2B
- Doanh nghiệp được mở một văn phòng điện tử (e-office) để giới thiệu thông tin về mình, hàng hóa trưng bày, nhu cầu mua/bán với các chi tiết về sản phẩm, quy cách sản xuất, giá cả, điều kiện giao hàng… Thông tin ở đây được thiết kế ngắn gọn, súc tích nhằm tạo hiệu quả cao nhất cho việc tìm kiếm, lựa chọn và giao dịch qua mạng.
- Các sàn còn kết nối doanh nghiệp qua việc giới thiệu người mua/bán có nhu cầu đối ứng gặp nhau; tư vấn cho người mua/bán về các vấn đề trong giao thương quốc tế, thị trường, dịch thuật thương mại… nhằm hỗ trợ hai bên đạt đến thỏa thuận sau cùng. Tính kết nối này sẽ giúp hoạt động thương mại của doanh nghiệp trở nên chuyên nghiệp hơn, nhất là cải thiện vị thế của doanh nghiệp nhỏ trong nước trước các đối tác lớn nước ngoài.