Ngày 29/10/2013, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) phối hợp với Cục Chính sách thương mại và thông tin (Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản) tổ chức hội thảo quốc tế về hợp tác thương mại điện tử Việt Nam- Nhật Bản.
Theo số liệu thống kê mới nhất, hơn 1/3 dân số Việt Nam truy cập Internet hàng ngày. Bộ Thông tin và truyền thông dự báo đến năm 2015, sẽ đạt 1/2 dân số Việt Nam truy cập Internet hàng ngày tức là gần 50 triệu người truy cập Internet hàng ngày. Điều này khiến cho giao dịch điện tử đặc biệt là thương mại điện tử sẽ sôi động.
Tuy nhiên, do đặc thù của hoạt động mua bán trên không gian ảo, người mua và người bán không gặp mặt trực tiếp, người sở hữu website thương mại điện tử là người đưa ra luật lệ cho giao dịch, đề ra các điều khoản hợp đồng và cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng. Vì vậy, người tiêu dùng vẫn còn e ngại trong việc mua bán hàng trên mạng.
Lý giải vấn đề này, ông Trần Hữu Linh- Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho biết, hơn 3/4 người mua hàng đều cho rằng sản phẩm họ nhận được chất lượng đều kém hơn so với quảng cáo trên website. Thứ 2, giá cả mua hàng online cao hơn hoặc bằng sẽ kém thu hút hơn khi mua hàng truyền thống. Thứ 3 là dịch vụ vận chuyển ở Việt Nam chưa thuận lợi, chi phí cao sẽ đội giá mua hàng trên mạng.
Những năm gần đây, hợp tác thương mại điện tử Việt Nam - Nhật Bản đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh đối thoại chính sách pháp luật thương mại điện tử thường niên giữa hai nước, cứ 2 năm 1 lần, Bộ Công Thương giao Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin chủ trì tổ chức hội thảo hợp tác thương mại điện tử Việt Nam - Nhật Bản. Đây là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản trao đổi kinh nghiệm về quản lý và ứng dụng thương mại điện tử, tìm hiểu khả năng hợp tác trong tương lai…
Với sự bùng nổ nhanh chóng về hạ tầng cũng như các dịch vụ, giá trị gia tăng mà thương mại điện tử mang lại thì “Những khuôn khổ pháp lý, công cụ và cơ chế, chính sách cụ thể của Nhật Bản sẽ là điều kiện tốt cho Việt Nam nghiên cứu ứng dụng và phục vụ cho việc phát triển toàn diện hạ tầng thương mại điện tử Việt Nam”- Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nhanh chóng có khung khổ pháp lý và những quy định, chế tài cụ thể, đủ hiệu lực để đảm bảo sự phát triển thương mại điện tử.