Tin tức
Nguồn nhân lực Thương mại điện tử tại Việt Nam
20/12/2013
 

Thương mại điện tử (TMĐT) là một lĩnh vực mới, dựa trên sự giao thoa và tương tác của nhiều ngành khoa học khác nhau: kinh tế, kinh doanh, quản trị, Marketing, công nghệ thông tin, hệ thống thông tin, luật .v.v.

Lãnh đạo Bộ Công Thương đã nhận định: Trong thời đại toàn cầu hóa, thông tin là huyết mạch của các doanh nghiệp và của quốc gia. Môi trường kinh doanh toàn cầu ngày càng khắc nghiệt đòi hỏi các doanh nghiệp phải có nguồn thông tin kịp thời và chính xác để triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Do đó, việc đảm bảo thông tin được trao đổi liên tục trong phạm vi quốc gia cũng như quốc tế là hết sức quan trọng để thúc đẩy thương mại phát triển. Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là Internet, số lượng các giao dịch thương mại điện tử tăng mạnh.
Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam sẽ được tiếp cận với nền công nghiệp mới, hiện đại, nền kinh tế tri thức của các nước phát triển; tuy nhiên, khoảng trống lớn về nhân lực có kiến thức thương mại điện tử sẽ là khó khăn cho các doanh nghiệp khi phải thích nghi với các phương thức giao dịch thương mại của các nước. Nếu không được đầu tư kịp thời về nhân lực, thương mại điện tử, vốn là một lợi thế để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ trở thành rào cản cho các doanh nghiệp tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Vì thế, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, có khả năng quản lý các hoạt động liên quan đến thương mại điện tử là một nhu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay.Kinh doanh trong môi trường thương mại quốc tế đòi hỏi không chỉ am hiểu về nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, nắm vững luật pháp kinh doanh quốc tế mà còn phải biết tận dụng những thành tựu của công nghệ thông tin và truyền thông để tăng hiệu quả, giảm chi phí, nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Thương mại điện tử là xu thế phát triển tất yếu trong môi trường kinh doanh toàn cầu hóa như hiện nay.
Việc ứng dụng thương mại điện tử có những yêu cầu đặc thù, nguồn nhân lực phục vụ cho thương mại điện tử cần đáp ứng yêu cầu cao về chuyên môn:
Thứ nhất, thương mại điện tử khác với thương mại truyền thống ở chỗ các hoạt động thương mại đuợc tiến hành trong môi trường điện tử và dựa trên những qui định, những nguyên tắc và yêu cầu riêng (về giao dịch, về thanh toán, về an toàn, về hệ thống luật pháp, về khiếu nại tranh chấp…). Điều này đòi hỏi những người lao động trực tiếp và những người quản lý kinh doanh phải hiểu rõ các thao tác kỹ thuật, những quy định và nguyên tắc thực hiện kinh doanh trực tuyến.
Thứ hai, nền tảng của thương mại điện tử là công nghệ thông tin. Các hoạt động thương mại điện tử được thực hiện trên cơ sở ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin như các kỹ thuật truyền dẫn thông tin, hệ thống địa chỉ và tên miền, kỹ thuật kết nối, các trang tin để tiến hành các giao dịch thương mại. Hơn nữa, các công nghệ ứng dụng trong thương mại điện tử luôn luôn thay đổi với tốc độ vô cùng nhanh chóng, các công nghệ mới thường xuyên ra đời thay thế cho công nghệ hiện tại. Do vậy, những người làm thương mại điện tử cần phải nắm vững những vấn đề liên quan đến thương mại và công nghệ thông tin để có thể vận dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin khi tiến hành các giao dịch thương mại điện tử, đồng thời phải thường xuyên cập nhật những công nghệ mới, nắm bắt những cơ hội kinh doanh mới trong thương mại điện tử. 
Thứ ba, thương mại điện tử là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế tri thức. Do đó, nhân lực thương mại điện tử, dù đó là người thực hiện hay người quản lý, đều là những đối tượng lao động có hàm lượng tri thức cao. Họ cần đuợc tiến hành đào tạo có hệ thống, trải qua các trình độ từ cơ bản đến chuyên sâu tương ứng với từng vị trí, từng nhiệm vụ và theo từng chuyên ngành cụ thể.
Để có thể ứng dụng thành công, tận dụng các cơ hội mà thương mại điện tử mang lại, yêu cầu đặt ra là cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực.Đây chính là một trong những vấn đề đặt ra và cần phải giải quyết đầu tiên đối với các nước muốn phát triển thương mại điện tử.
Thương mại điện tử (TMĐT) là công cụ, là phương tiện góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế các quốc gia nói chung trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Theo khái niệm chung nhất, TMĐTlà việc tiến hành các giao dịch thương mại thông qua mạng Internet, các mạng truyền thông và các phương tiện điện tử, trong đó giao dịch thương mại được hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa là bao gồm các giao dịch mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, thông tin và các giao dịch hỗ trợ, thuận lợi hóa mua bán, trao đổi các sản phẩm nói trên. Với cách hiểu như vậy thì phạm vi ứng dụng của TMĐT hết sức rộng lớn, nó xâm nhập vào tất cả các lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội. Khái niệm này cũng cho chúng ta thấy TMĐT là một lĩnh vực liên ngành, kết hợp chặt chẽ giữa CNTT-Truyền thông và Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Thương mại, Kinh doanh quốc tế.
Ý kiến bạn đọc