Chính phủ vẫn ngập ngừng, song nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nên bỏ quy định khống chế chi quảng cáo của doanh nghiệp.
Chiều 8/10, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật thuế.
Đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại hiện hành, Chính phủ đưa ra hai phương án.
Phương án 1 là bỏ quy định khống chế khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phương án 2 cũng là phương án được Chính phủ chọn là chỉ khống chế 15% đối với chi phí quảng cáo, không khống chế các khoản chi tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách và một số vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chọn phương án 1.
Không chấp nhận vốn lớn được ưu đãi thuế
Vẫn liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung quy định thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất (trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản) có quy mô vốn đầu tư tối thiểu mười hai nghìn tỷ đồng, sử dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại và thực hiện giải ngân không quá 5 năm kể từ khi được cấp phép đầu tư được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Trường hợp cần đặc biệt thu hút đầu tư thì được xem xét kéo dài thêm thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% nhưng tối đa không quá 15 năm.
Không những không đồng tình với đề nghị này mà Ủy ban Tài chính - Ngân sách còn đề nghị làm rõ các trường hợp đặc biệt được kéo dài ưu đãi và không chấp nhận đối với các dự án có quy mô lớn nhưng không phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế của đất nước.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị không ưu đãi các dự án công nghệ lạc hậu hoặc các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện (như casino).
Cùng trong lần này, Chính phủ còn trình Quốc hội bổ sung chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với công nghiệp hỗ trợ và bỏ quy định về việc thu thuế môn bài.
Với thuế thu nhập cá nhân, Chính phủ đề nghị xem xét bỏ quy định thu thuế đối với cá nhân trúng thưởng trong casino. Đồng thời miễn thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam nhận được do làm thuê cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế và thu nhập của cá nhân là chủ tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động khai thác thủy sản xa bờ.
Xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013 của doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2014 cũng nằm trong đề xuất của Chính phủ.
Không phù hợp với nghị quyết của Quốc hội
Đánh giá tác động của dự án luật, Chính phủ cho rằng việc sửa đổi như trên sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tế, giúp sản xuất trong nước chủ động được nguồn nguyên vật liệu đầu vào, giúp doanh nghiệp chủ động lựa chọn được nhà cung cấp, cắt giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh và nhất là tránh được sự lệ thuộc vào nguồn cung nước ngoài.
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng việc Chính phủ trình dự án luật là không phù hợp với nghị quyết của Quốc hội.
Bởi, khi thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 Quốc hội đã yêu cầu không ban hành, điều chỉnh chính sách làm giảm thu, tăng chi ngân sách, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước và an ninh tài chính quốc gia.
Thế nhưng, ngay trong năm 2014, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án luật này với dự kiến mỗi năm giảm 5.700 tỷ đồng, hoàn thuế giá trị gia tăng khoảng 1.300 tỷ đồng và xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế khoảng 4.800 tỷ đồng là "không phù hợp với nghị quyết của Quốc hội".
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách còn nêu rõ, trong 4 năm vừa qua Chính phủ đã nhiều lần trình Quốc hội ban hành nghị quyết điều chỉnh các chính sách về thuế dẫn đến hệ thống pháp luật thiếu ổn định, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và các nhà đầu tư.
Tin tức
Có thể bỏ quy định khống chế chi quảng cáo
06/10/2014
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nên bỏ quy định khống chế chi quảng cáo của doanh nghiệp...
Ý kiến bạn đọc
TIN TỨC MỚI
TIN TỨC CŨ