Tin tức
Đưa hàng Việt lên sàn giao dịch quốc tế
13/12/2014
Giao thương hàng hóa qua các sàn giao dịch là hướng đi cần thiết nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nhà sản xuất và thị trường.
Hoạt động thương mại qua sàn giao dịch hàng hóa đã có từ lâu trên thế giới, tuy nhiên, ở Việt Nam, kênh giao dịch này vẫn còn mới mẻ với nhiều doanh nghiệp.Thực tế, việc lựa chọn mặt hàng có lợi thế xuất khẩu để tham gia sàn giao dịch hàng hóa quốc tế là hướng đi cần thiết, vừa giải quyết bài toán đầu ra vừa giúp hàng Việt Nam cạnh tranh tốt hơn khi xuất khẩu.

Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu cà phê Robusta, tiêu đen, cao su và nhiều nông sản khác.Tuy nhiên, lâu nay, vẫn xảy ra tình trạng được mùa mất giá hoặc được giá lại mất mùa, gây thiệt hại cho người sản xuất.
Nguyên nhân là chúng ta không có cơ chế phòng vệ cho nhà sản xuất, xuất khẩu.Lấy ví dụ về việc sàn giao dịch Singapore quảng cáo xuất khẩu cà phê Việt Nam, có kho hàng đặt tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc công ty kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, nếu không sớm thực hiện qua sàn giao dịch nước ngoài, nhiều nhà sản xuất, xuất khẩu hàng phải buôn bán qua trung gian, mà lợi nhuận nhiều nhất là ở khâu này. “Nếu chúng ta không đổi mới cơ chế giao dịch, chúng ta chỉ làm lợi cho thương nhân trung gian. Nếu giao dịch qua Sở giao dịch hàng hóa nước ngoài, chúng ta có thể chủ động được giá”.

Mặc dù nhu cầu giao dịch ở các sàn nước ngoài rất cần thiết nhưng hiện nay, những quy định về hình thức thanh toán còn nhiều bất cập, cơ chế hoạt động thiếu tính pháp lý, khiến hoạt động giao dịch hàng hóa tại các sàn nước ngoài chưa đạt hiệu quả, chưa mang lại lợi ích cho nhà sản xuất, xuất khẩu nội địa.

Theo một số doanh nghiệp, việc tham gia giao dịch hàng hóa tại các sàn ở nước ngoài đòi hỏi việc nhận và chuyển tiền phải linh hoạt, theo yêu cầu thị trường. Trong khi đó, cơ chế thanh toán hiện nay lại kiểm soát chặt việc chuyển tiền ra nước ngoài, nên rất khó để thực hiện các giao dịch.

Ông Võ Thanh Châu, Giám đốc Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) cho rằng, hiện chưa có cơ sở pháp lý cụ thể về thanh toán, khiến hoạt động giao dịch của các doanh nghiệp qua kênh này bị tắc.

Đối với giao dịch ở sàn giao dịch hàng hóa nước ngoài còn liên quan đến các thanh toán quốc tế, về xuất khẩu nhập khẩu.Để hoàn thiện khung pháp lý và áp dụng được trong thực tế thì cũng còn khó.Phát triển các sở giao dịch hàng hóa là để đóng góp vào việc ổn định sản xuất, xuất khẩu.Vấn đề là các bộ ngành phải vào cuộc đối với vấn đề này mới thực sự có tính khả thi.

Từ khi chính thức giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa nước ngoài cuối năm 2004, đến hết năm 2012, tổng giá trị hợp đồng giao dịch với sản phẩm xăng máy bay đạt 136 triệu USD; các sản phẩm như cà phê, cao su, bông, đậu tương... có giá trị lên đến 23 tỷ USD, cho thấy giá trị đem lại từ sàn giao dịch nước ngoài là không hề nhỏ.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương, cho rằng, Sở giao dịch hàng hóa nước ngoài là một kênh để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu thông qua việc bảo hiểm giá cả, đặc biệt là hàng hóa có độ dao động giá lớn như nông sản, nhiên liệu, khoáng sản.

Hiện, Bộ Công thương đang xây dựng thông tư "Quy định phạm vi, điều kiện với thương nhân Việt Nam tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa nước ngoài". Theo đó, doanh nghiệp có vốn pháp định từ 50 tỷ đồng trở lên và có lĩnh vực sản xuất, kinh doanh liên quan đến mặt hàng giao dịch mua bán qua Sở Giao dịch hàng hóa sẽ được tham gia. Riêng về điều khoản thanh toán, ký quỹ qua Sàn giao dịch hàng hóa nước ngoài phải tuân thủ quy định pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước...
Hiện nay hoạt động xuất nhập khẩu rất sôi động, đã có một số doanh nghiệp tham gia Sở giao dịch hàng hóa nước ngoài nhưng chưa có cơ sở pháp lý chính thống nên các doanh nghiệp còn e ngại. Thông tư này tạo hành lang pháp lý nền tảng để doanh nghiệp tham gia và khuyến khích doanh nghiệp tham gia. Khung pháp lý sẽ phải hoàn thiện dần vì đây cũng là lĩnh vực phức tạp.

Giao thương hàng hóa qua các sàn giao dịch ở nước ngoài đang được xem là hướng đi cần thiết nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nhà sản xuất và thị trường. Qua kênh này, doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu vào thị trường thế giới trong điều kiện giá cả biến động, có thể bảo hiểm giá để tránh thua lỗ quá lớn. Điều quan trọng là cần tạo hành lang pháp lý giúp nhà đầu tư tham gia sàn giao dịch hàng hóa hoạt động tốt hơn, giảm rủi ro và phát triển bền vững các ngành hàng sản xuất mà trong nước đang có lợi thế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
 
Ý kiến bạn đọc