Tin tức
Kế sách cho đề án nước mạnh về CNTT
15/11/2010
Sau một thời gian mở chuyên mục: “Hiến kế đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT”, Báo Bưu điện Việt Nam nhận được nhiều góp ý tâm huyết của các chuyên gia, các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT.

itGatevn_2010111217.jpg 

“Hiến kế đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT” là chuyên mục được Báo Bưu điện Việt Nam thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT trong giai đoạn 2011-2020. Sau một thời gian mở chuyên mục, Báo đã đăng loạt bài gồm 11 bài viết quy tụ nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành về các trọng tâm chính của Đề án từ lĩnh vực viễn thông, Internet đến phát triển công nghiệp CNTT, nguồn nhân lực và Chính phủ điện tử.

Là tờ báo của ngành CNTT-TT, chúng tôi hy vọng các ý kiến đóng góp trong loạt bài này sẽ góp phần nhỏ bé vào việc hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT-TT trong 5 đến 10 năm tới.

1. Kích cầu tiêu dùng


Ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) cho rằng, muốn đưa đất nước mạnh về CNTT-TT phải mạnh cả về tiêu dùng và sản xuất. Bởi mạnh về tiêu dùng sẽ tác động đến sản xuất và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước có hậu phương vững chắc để vươn ra thị trường quốc tế.

Để thúc đẩy tiêu dùng, Chính phủ cần có biện pháp 
kích cầu tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ CNTT-TT, chứ kìm hãm hay tiết kiệm sẽ không tốt cho thị trường này. Bên cạnh đó, Chính phủ với tư cách là “hộ tiêu dùng” lớn nhất phải đi tiên phong trong việc sử dụng sản phẩm và dịch vụ CNTT-TT, đặc biệt là trong hoạt động phát triển Chính phủ điện tử.

2. Hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho người dân


Ở mục tiêu phổ cập dịch vụ viễn thông và Internet tới hầu hết người dân cả nước, các nhà mạng như VNPT và Viettel khẳng định với tốc độ đầu tư hiện tại, các doanh nghiệp này hoàn toàn có thể phủ sóng di động và băng rộng tới 85% dân cư vào năm 2015 và 95% vào năm 2020. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho người dân để họ có khả năng sử dụng các dịch vụ viễn thông, đặc biệt là Internet băng rộng.


3. Ưu đãi cho sản phẩm thay thế nhập khẩu


Sau thời gian dài chỉ gia công và lắp ráp, gần đây một số doanh nghiệp trong nước như Viettel, FPT, Hanel hay CMC bắt đầu chuyển hướng sang công đoạn có giá trị cao hơn là nghiên cứu thiết kế điện thoại di động, máy tính và các thiết bị cầm tay sau đó đặt hàng sản xuất ở các nước khác, chủ yếu là ở Trung Quốc. Ở một số lĩnh vực khác, các công ty cũng tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) như TMA bỏ ra 5 triệu USD mở trung tâm nghiên cứu công nghệ mạng dữ liệu và hệ thống nhúng hay Bkav sắp ra lò hệ thống toà nhà thông minh.


Để hoạt động 
R&D trong lĩnh vực CNTT-TT trở thành trào lưu, các doanh nghiệp cho rằng các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu nên có những hỗ trợ về thuế, hạ tầng và được ưu tiên sử dụng trong các dự án dùng vốn ngân sách. Bên cạnh đó, Chính phủ nên đưa ra yêu cầu tăng tỷ lệ R&D với các hãng nước ngoài sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam.

4. Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu đàn


Đặc thù của lĩnh vực gia công phần mềm cần có quy mô lớn. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp của Việt Nam trong vực này lại có quy mô nhỏ trên dưới 100-200 người, chỉ có vài công ty trên dưới 1.000 người. Thiếu các doanh nghiệp đầu đàn có quy mô lớn, gia công phần mềm của Việt Nam không có thương hiệu tốt trên thị trường quốc tế.


Vì vậy để thúc đẩy ngành gia công phần mềm phát triển, ông Hoàng Ngọc Hùng, Giám đốc công ty giải pháp phần mềm CMC cho rằng Chính phủ nên đầu tư có trọng điểm, tập trung gây dựng một nhóm
doanh nghiệp đầu đàn. Chính phủ có thể đưa ra các tiêu chí ví dụ doanh nghiệp có 100, 500 hay 1.000 nhân lực trở lên sẽ được nhận những hỗ trợ khác nhau.

5. “PR” ngành CNTT-TT ra toàn cầu

Theo ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty phần mềm TMA, tốc độ và giá cước Internet hiện nay đã tốt hơn Ấn Độ và nhiều quốc gia trong khu vực nhưng trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài thì Việt Nam vẫn bị yếu về điểm này bởi họ thiếu thông tin. Vì vậy, theo ông Lệ, muốn đưa Việt Nam phát triển mạnh về công nghiệp CNTT nói chung trước tiên cần phải quan tâm đến 
vấn đề “PR” để thế giới biết đến chúng ta. Cần có 1 người hoặc 1 tổ chức thực hiện việc này. Và người thực hiện việc “PR” đó phải là người am hiểu văn hoá, biết cả văn hoá Việt Nam và nước ngoài để thu hút đối tác nước ngoài vào đầu tư. Trách nhiệm thực hiện việc PR cho ngành hiện nay thuộc về Bộ TT&TT.
 

6. Gói giải pháp cho mục tiêu 1 triệu nhân lực CNTT


Mặc dù vẫn có lo ngại từ việc đào tạo CNTT đang mất dần sự hấp dẫn nhưng đa phần vẫn tin rằng mục tiêu đào tạo 
1 triệu nhân lực có thể khả thi nếu có những thay đổi. Cụ thể, những thay đổi đó đó là gỡ bỏ rào cản phi thị trường vào riêng đào tạo nhân lực CNTT (các trường đào tạo NTT tự quyết định chỉ tiêu, giáo trình đào tạo, học phí..); có chính sách ưu đãi mở trường đào tạo CNTT trong doanh nghiệp; hỗ trợ đầu tư để hình thành một số khu đào tạo CNTT-TT tập trung tại một số địa phương; lập quỹ cho vay ưu đãi với dự án đào tạo nhân lực CNTT; hỗ trợ tín dụng cho sinh viên CNTT và hỗ trợ một phần (30%-50%) học phí cho sinh viên CNTT; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm đầu tiên cho giảng viên và người làm trong ngành CNTT; lập Vụ/Cục Phát triển Nhân lực CNTT-TT (thuộc Bộ TT&TT).


7. Tránh “thoáng” ngoại, “xiết” nội


Trong lĩnh vực nội dung số, các doanh nghiệp cho rằng chính sách quản lý hiện tại vẫn nặng về các thủ tục hành chính, chưa có chính sách khuyến khích rõ ràng với doanh nghiệp nội dung số nội địa. Trong khi đó, các chính sách quản lý nội dung trên Internet vẫn tỏ ra rất “thoáng” với các công ty quốc tế và ngặt nghèo với các công ty trong nước. Chính vì vậy, nhiều lĩnh vực nội dung số ở Việt Nam, đặc biệt là những lĩnh vực đòi hỏi sự cởi mở nhất định như tìm kiếm hay mạng xã hội, các công ty nội địa đang ở trong một vị thế cạnh tranh kém toàn diện (về nguồn lực, vốn, kinh nghiệm, và ưu đãi chính sách) so với các công ty quốc tế ngay trên sân nhà.


Để tăng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nội dung số trong nước và được bình đẳng hơn trong chính sách, ông Lê Hồng Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) cho rằng nhà nước cần phải có một chính sách đổi mới toàn diện về Internet và di động ở Việt Nam. Các chính sách quản lý cần phải có cái nhìn rất sáng suốt, có sự học hỏi kinh nghiệm của những nước thành công và có sự điều chỉnh, cải tiến liên tục đưa ra một cơ chế chính sách tốt.


8. Sự vào cuộc của cấp lãnh đạo cao nhất


Trong Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT, Chính phủ đặt ra mục tiêu rất cao với việc xây dựng chính phủ điện tử. Đây là lĩnh vực ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các cơ quan công quyền, vì vậy các ý kiến góp ý cho rằng yếu tố quan trọng nhất là sự ủng hộ và vào cuộc của các lãnh đạo cao nhất. Khi có được sự tham gia của các lãnh đạo cao nhất thì những khó khăn liên quan đến triển khai ứng dụng CNTT từ tài chính đến rào cản quy trình tin học hoá sẽ được tháo gỡ dễ dàng hơn.

9. Trung lập công nghệ


Trong thị trường Internet băng rộng, Viettel và VNPT – 2 công ty lớn nhất thị trường viễn thông – đang đi theo hướng khác nhau: Viettel tập trung đầu tư cho băng rộng di động, còn VNPT đẩy mạnh phát triển Internet băng rộng cố định. Tuy nhiên ở khía cạnh chính sách vĩ mô, ông Trần Bá Thái, Phó chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng nhà nước nên có chính sách
trung lập về công nghệ. Theo ông, công nghệ thay đổi từng năm và thay đổi ở tốc độ rất nhanh. Không ai lường trước thị trường băng rộng tới đây sẽ là công nghệ gì: cáp quang, vệ tinh, 3G hay 4G.


10. Không nhất thiết phải có phụ trợ


Theo ông Phạm Thiện Nghệ, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, sản phẩm phần cứng không có nghĩa chỉ có giá trị vật lý thôi, mà nó còn mang các giá trị thương hiệu, giá trị thị trường, hàm lượng chất xám về kiểu dáng và trí tuệ “nhúng” vào nó. Vì vậy, việc xây dựng nền công nghiệp sản xuất phần cứng tại Việt Nam hiện nay không nhất thiết phải kèm theo ý tưởng phải có nền công nghiệp phụ trợ theo kiểu sản xuất toàn bộ từ con ốc, khung nhựa đến những chip xử lý chuyên dùng.


Xu hướng hiện nay tập trung cho R&D, đó là hướng đi chủ yếu của nền công nghiệp. R&D ở đây được hiểu theo nghĩa rộng kể cả nghiên cứu phát triển kiểu dáng công nghiệp, các giải pháp ứng dụng,... tới nghiên cứu phát triển chip điện tử chuyên dụng, thiết kế vi mạch và sản phẩm nhúng. Tại Việt Nam, các công ty lớn như TMA, Global Cybersoft cũng đã bắt đầu xây dựng đường lối kinh doanh theo hướng này.

Theo ICTnews)
Ý kiến bạn đọc