Quá trình xây dựng hệ thống hải quan điện tử ở nước ta có hoàn cảnh và bước đi gần gũi với cách mà Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện từ năm 1992 đến năm 2009 để tạo nên một hệ thống hải quan tự động tốt nhất, và chúng ta có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ một đối tác lớn trong thương mại và đầu tư hiện nay.
Hải quan điện tử của Hàn Quốc được thiết kế dựa trên hệ thống thanh toán hải quan EDI (electronic data interchange) theo như khuyến cáo của Tổ chức Hải quan thế giới. Việc thực hiện được phân ra làm năm hạng mục theo trình tự thời gian: Xây dựng kế hoạch thông quan tự động EDI (1992-1993); Triển khai áp dụng và rút kinh nghiệm hệ thống thông quan EDI (1994-1999); Thiết lập hệ thống quản lý thông tin (2000-2003); Triển khai cơ chế dịch vụ thông quan Internet và Triển khai cơ chế một cửa quốc gia cùng một lúc, kể từ năm 2003 đến năm 2009. Như vậy, sau thời gian chuẩn bị và áp dụng thí điểm (1992-1999) như chúng ta vừa hoàn tất là thời kỳ xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và thiết lập cơ sở dữ liệu kéo dài bốn năm. Rõ ràng là Chính phủ Hàn Quốc không muốn cắt ngắn giai đoạn này vì đó là phần cốt lõi cho việc vận hành hệ thống hải quan điện tử. Nhờ đó, kể từ năm 2003 hệ thống hải quan tự động và cơ chế một cửa chính thức hoạt động và kể từ năm 2009 đã vận hành trơn tru.
Lợi ích của hải quan điện tử
Bản báo cáo thương mại điện tử năm 2009 của Bộ Công Thương và báo cáo đầu năm nay của Tổng cục Hải quan đều cho thấy thành quả tích cực của việc tự động hóa hải quan trong giai đoạn thí điểm vừa qua. Một bản báo cáo mang tính phân tích của cơ quan Hải quan Hàn Quốc (KCS) cho thấy hệ thống hải quan điện tử ở nước này đã đạt được cả năm mục tiêu chính, gồm: Tạo lập hệ thống thanh toán điện tử tầm vóc quốc tế UNI-PASS; Tạo nên cổng dịch vụ một điểm dừng (one-stop service) trong thương mại quốc tế; Tăng cường khả năng cạnh tranh cho các nhà xuất nhập khẩu; Nâng cao hiệu quả quản lý hành chính của cơ quan hải quan và Tăng cường vị thế cho ngành hải quan Hàn Quốc ở trong và ngoài nước. Việc áp dụng EDI vào việc thông quan hàng hóa và thanh toán xuất nhập khẩu trong giai đoạn 1994-1998 đã giúp hải quan Hàn Quốc qua mặt cả Mỹ và Nhật để trở thành tổ chức hải quan hoàn toàn tự động. Lúc bấy giờ mỗi năm hệ thống này tiếp nhận và xử lý tức thời trung bình 180 triệu hồ sơ khai báo.
Tăng cường khả năng cạnh tranh cho các nhà xuất nhập khẩu đồng nghĩa với việc tăng cường khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế. Hàn Quốc hiện nay được đánh giá là có tốc độ thông quan nhanh nhất trong 175 thành viên Tổ chức Hải quan thế giới: 2 phút cho một hồ sơ xuất khẩu, 2,5 giờ cho một hồ sơ nhập khẩu, 5,2 giờ cho thủ tục hoàn thuế và chỉ 10 phút cho việc đóng thuế.
Năm 2006, Cơ quan Điện toán quốc gia công bố báo cáo đánh giá hiệu quả của quy trình tin học hóa hải quan Hàn Quốc. Theo đó, hệ thống thanh toán EDI tạo nên nguồn thu 709 tỉ won cho cơ quan hải quan, 2.370 tỉ won giá trị sản xuất tăng thêm cho ngành công nghiệp trong nước và 798 tỉ won cho ngành hậu cần. Tổng cộng có đến 2.800 tỉ won mà nền kinh tế có được nhờ triển khai hệ thống hải quan điện tử, chưa kể 640 tỉ won là nguồn lợi gián tiếp từ việc sử dụng cổng thanh toán Internet và áp dụng cơ chế một cửa.