Tin tức
Thương mại điện tử và các mô hình hoạt động thực tế
06/07/2013

 1. Thương mại điện tử có các mô hình chủ yếu như sau:

a/ B2B

B2B (Business to Business): được hiểu đơn giản là Thương mại điện tử giữa các doanh nghiệp với nhau. Đây là mô hình Thương mại điện tử gắn với mối quan hệ giữa các doanh nghiệp với nhau. Mô hình này chiếm tới trên 80% doanh số Thương mại điện tử trên toàn cầu và ngày càng trở nên phổ biến. Mô hình này đã giúp hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp Việt nam trong việc kinh doanh với các doanh nghiệp nước ngoài dựa trên các lợi ích mà nó đem lại. Một trong những mô hình điển hình trên thế giới đã thành công trong hoạt động theo mô hình B2B là Alibaba.com của Trung Quốc.

b/ B2C

B2C (Business to Consumer): được hiểu là thương mại giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng liên quan đến việc khách hàng thu thập thông tin, mua các hàng hoá hữu hình (như sách, các sản phẩm tiêu dùng...) hoặc sản phẩm thông tin hoặc hàng hoá về nguyên liệu điện tử hoặc nội dung số hoá như phần mềm, sách điện tử và các thông tin, nhận sản phẩm qua mạng điện tử. Một trong những công ty kinh doanh thành công trên thế giới theo mô hình này là Amazon.com với việc kinh doanh bán lẻ qua mạng các sản phẩm như sách, đồ chơi, đĩa nhạc, sản phẩm điện tử, phần mềm và các sản phẩm gia đình.

c/ C2C

C2C (Consumer to Consumer): được hiểu là Thương mại điện tử giữa các cá nhân và người tiêu dùng với nhau. Đây cũng được coi là mô hình kinh doanh có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và ngày càng phổ biến. Hình thái dễ nhận ra nhất của mô hình này là các Website bán đấu giá trực tuyến, rao vặt trên mạng. Một trong những thành công vang dội của mô hình này là trang Web đấu giá eBay. Được thành lập tháng 9/1995, hiện nay eBay là chợ đấu giá điện tử lớn nhất thế giới dành cho việc mua bán các sản phẩm cho các khách hàng riêng lẻ và các doanh nghiệp nhỏ. Trên eBay có tới 55 triệu sản phẩm nằm trong 50.000 danh mục ngành hàng với 157 triệu thành viên trên toàn thế giới.

d/ B2G

B2G (Business to Government): Thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và chính phủ được hiểu chung là thương mại giữa các doanh nghiệp và khối hành chính công. Nó bao hàm việc sử dụng Internet cho mua bán công, thủ tục cấp phép và các hoạt động có liên quan tới chính phủ. Hình thái này của thương mại có hai đặc tính: thứ nhất, khu vực hành chính công có vai trò dẫn đầu trong việc thiết lập thương mại điện tử; thứ hai, người ta cho rằng khu vực này có nhu cầu lớn nhất trong việc biến các hệ thống mua bán trở nên hiệu quả hơn.

Các chính sách mua bán trên mạng giúp tăng cường tính minh bạch của quá trình mua hàng. Tuy nhiên, hiện nay kích cỡ của thị trường Thương mại điện tử B2G như là một thành tố của tổng thương mại điện tử thì không đáng kể, khi mà hệ thống mua bán của chính phủ còn chưa phát triển.

2. Một doanh nghiệp hoàn toàn có thể áp dụng cả hai mô hình B2B và B2C vào hoạt động kinh doanh. Xét trên góc độ thương mại truyền thống một doanh nghiệp có thể vừa tiến hành bán buôn và bán lẻ thông qua các hệ thống phân phối hoặc các công ty con của mình. Mặt khác cũng có doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh với các doanh nghiệp khác (như đặt hàng từ các đối tác để mua nguyên vật liệu...) để sản xuất hàng hoá và bán lẻ cho khách hàng. Chính vì vậy doanh nghiệp hoàn toàn có thể ứng dụng cả hai mô hình B2B và B2C vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo cách thức phù hợp nhất với họ.
Ý kiến bạn đọc