Tin tức
Thương mại điện tử và tương lai trên nền tảng di động
29/03/2014

Theo dự báo, năm 2015, ngành thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam sẽ đạt 6 tỉ USD. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang chạy đua cạnh tranh thị phần với nhiều chiến lược kinh doanh mới; trong đó, kinh doanh trên ứng dụng điện thoại thông minh được dự báo sẽ diễn ra rất sôi động.

Tiềm năng “miếng bánh” thị phần

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2014 được xem là năm bản lề đối với ngành TMĐT. Đây cũng chính là năm mà các doanh nghiệp (DN) trong nước chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các công ty nước ngoài khi họ đang tìm cách xâm nhập thị trường trong nước.

Ông Christopher Beselin, Giám đốc điều hành Lazada Việt Nam cho biết: Mặc dù kinh doanh TMĐT tại Việt Nam đã xuất hiện từ lâu, nhưng đến nay vẫn trong giai đoạn sơ khai và non trẻ. Trong khi đó, theo công bố mới nhất từ Bộ Công Thương, tỉ lệ dân số Việt Nam truy cập Internet lên đến 34 triệu người, chiếm 36%. Đặc biệt, có khoảng 57% số người truy cập Internet có tham gia mua sắm online. Điều này cho thấy, tiềm năng kinh doanh TMĐT tại Việt Nam là rất lớn. Dự báo trong 5 năm tới, thị phần này sẽ tăng gấp 10 lần so với hiện nay.

Thực tế trong 2 năm trở lại đây, kinh doanh TMĐT ở nước ta đã có sự chuyển biến rõ nét theo hướng chuyên nghiệp hơn. Nguyên nhân chính là do có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã, đang và sẽ “nhảy” vào thị trường TMĐT Việt Nam, như: Lazada, Google, eBay, Amazon, Alibaba, Rakuten, Rocket Internet… Trong đó, Alibaba của Trung Quốc là một trong những công ty hoạt động tích cực nhất. Còn Rocket Internet của Đức cũng ra mắt các website TMĐT Lazada, Zalora và FoodPanda. Amazon và Rakuten thì đang dò tìm cơ hội hợp tác hay mua lại một đối tác trong nước. Chính vì thế, các DN TMĐT trong nước buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh để cạnh tranh thị phần.

Ông Nguyễn Thế Đông, Giám đốc 123Mua.vn – Công ty CP VNG cho rằng, đây là xu hướng tích cực bởi sự xuất hiện của các DN nước ngoài trong thời gian vừa qua đã giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam đối với việc mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, DN trong nước vẫn có những thế mạnh riêng. Họ có thể xây dựng được các kênh quảng bá và thu hút người dùng khá hiệu quả với chi phí vận hành cỗ máy ở mức thấp và chiến thuật quản lý và marketing hợp lý.

Kinh doanh trên nền tảng di động

Theo ông Christopher Beselin, phần lớn các DN Việt Nam hiện mới xây dựng web của mình như một mô hình chợ online, nghĩa là cho thuê gian hàng trên trang web để người mua và người bán tự giao dịch với nhau, còn DN chỉ là một người trung gian. Chính vì thế, trách nhiệm của DN sẽ nhẹ hơn nếu người mua phản hồi hay kiện cáo người cung ứng sản phẩm không tốt. Tuy nhiên, đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho các trang web bán hàng online chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.

Để phát triển TMĐT theo hướng chuyên nghiệp, tạo niềm tin cho khách hàng, một số DN đã xây dựng cách bán hàng trực tiếp, cung cấp sản phẩm cho khách, chấp nhận đổi hoặc trả hàng trong vòng 30 ngày, chấp nhận thanh toán tiền mặt khi nhận hàng, giao hàng miễn phí… Điển hình, Lazada.vn mới đây đã mở thêm phòng trưng bày sản phẩm tại Đà Nẵng để người tiêu dùng có thể tận mắt nhìn thấy sản phẩm cũng như điểm làm việc của một trang web bán hàng. Chính vì vậy, chỉ sau 2 năm có mặt tại Việt Nam, trang web này đã có hơn 5 triệu lượt truy cập mua hàng mỗi tháng. Không những thế, Lazada.vn còn cho ra mắt ứng dụng iOS, Adroid trên điện thoại thông minh để tăng lượng người mua trên các thiết bị di động.

Một DN kinh doanh TMĐT thừa nhận, điểm yếu của DN Việt Nam chính là thiếu vốn. Để kinh doanh theo kiểu mô hình trên, DN buộc phải thuê thêm nhiều nhân công, văn phòng, kho bãi… tốn rất nhiều chi phí. Nếu không có vốn, các doanh nghiệp nhỏ sẽ không thể tồn tại lâu dài. Có thể thấy, cuối năm 2013 CungMua và NhomMua, trang web mua bán trên mạng đứng thứ ba và thứ tư của Việt Nam đã sáp nhập với nhau. Điều này tiên báo sẽ có một một số vụ sáp nhập khác trong tương lai.

Còn 123Mua.vn vẫn giữ nguyên mô hình cho thuê gian hàng, nhưng có thêm gian hàng đảm bảo như cách kinh doanh của Lazada. Theo ông Nguyễn Thế Đông, điều này sẽ giúp cho 123Mua.vn phát huy được lợi thế là có thêm nhiều nhà cung ứng sản phẩm, góp phần làm đa dạng hàng hóa, tạo thêm niềm tin cho khách hàng. Ngoài ra, với lợi thế về ứng dụng OTT miễn phí là Zalo (tháng 3/2014 đã có 10 triệu người dùng), 123Mua đã hỗ trợ shop tạo gian hàng trên ứng dụng này, đem lại một lượng khách hàng tiềm năng cực lớn. Song song đó, trang web này cũng được thiết kế cho mobile nên rất tiện dụng cho người mua lướt web trên thiết bị di động.

Trước xu thế phát triển TMĐT trên di động, Tập đoàn Rakuten, một trong những công ty TMĐT lớn nhất Nhật Bản, cho biết, họ đã chính thức mua Viber với giá 900 triệu USD. Giám đốc điều hành Rakuten, ông Hiroshi Mikitani khẳng định, việc mua lại ứng dụng này sẽ giúp họ mở rộng việc kinh doanh nội dung số tới các thị trường mới nổi.

Theo dự báo, năm 2014, Việt Nam sẽ có hơn 20 triệu người sử dụng điện thoại thông minh. Đây là mảnh đất màu mỡ cho các DN kinh doanh TMĐT trên nền tảng di động. Tuy nhiên, mặc dù thị trường còn rất lớn, nhưng sân chơi này không thực sự dành cho các DN nhỏ nếu không có hướng đi riêng.

Theo Báo tin tức

Ý kiến bạn đọc