Chưa có doanh nghiệp nào đạt vị trí thống lĩnh trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam nên cơ hội để các đơn vị khẳng định mình trên thị trường này vẫn còn nhiều.
Theo kết quả khảo sát của PwC, mô hình kinh doanh phổ biến nhất trong thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam là chợ trực tuyến (e-marketplaces) rồi đến các trang web bán lẻ trực tuyến (etailers). Tuy nhiên, chưa có một công ty nào có thể đạt vị trí thống lĩnh thị trường như Amazon tại Mỹ hay Taobao ở Trung Quốc. Điều này tạo cơ hội cho những doanh nghiệp "chân ướt chân ráo" có thể thiết lập vị thế trên thị trường vốn còn nhiều tiềm năng này.
PwC đưa ra con số giá trị thị trường thương mại điện tử Việt Nam theo tổng giá trị hàng hóa đạt khoảng 300 triệu USD trong năm 2011, dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình 75% một năm trong giai đoạn 2011-2015 và có thể đạt 2,8 tỷ USD vào năm 2015.
Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ với mức thu nhập ngày càng tăng (có thể lên 820 USD vào năm 2015) nên nhiều người sẵn sàng chi tiêu cho các mục đích ngoài thiết yếu. Đây là điều kiện tốt cho phát triển thương mại điện tử. Ngoài ra, số người dùng Internet sẽ tăng từ 30 triệu năm 2011 lên 37 triệu vào năm 2016 (theo BMI) cùng sự phát triển nhanh đường truyền Internet tốc độ cao giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hình thức mua sắm trực tuyến.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng đưa ra con số thống kê khá khả quan trong Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2013. Năm 2013 chứng kiến sự tiến bộ của các loại hình giao dịch trực tuyến B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) và B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng). Mức độ và hiệu quả sử dụng e-mail của các doanh nghiệp đều có bước tiến so với năm 2012 với 83% doanh nghiệp đã sử dụng e-mail để nhận đơn đặt hàng. Tỷ lệ này của năm 2012 là 70%.
43% doanh nghiệp đã có website và 35% doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng qua website, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 29% của năm 2012. Điều này cho thấy các doanh nghiệp sử dụng website một cách hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp chú ý tới hoạt động quảng bá cho website và sử dụng nhiều phương tiện khác nhau cho hoạt động này.
Công cụ tìm kiếm tiếp tục là phương tiện được nhiều doanh nghiệp sử dụng nhất (43%), báo điện tử đứng thứ hai (40%). Các mạng xã hội được sử dụng ở mức cao để quảng bá website và tỷ lệ các doanh nghiệp sử dụng phương tiện này (37%) đã tiệm cận với tỷ lệ quảng bá trên các báo điện tử. Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp chưa sử dụng bất cứ hình thức nào để quảng bá cho website của mình vẫn chiếm tới 15%, bằng với tỷ lệ của năm 2012. Có 12% doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử của năm 2013 và 33% cho rằng nó mang lại hiệu quả cao.
Theo ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Sàn TMĐT Sendo.vn, thương mại điện tử trong nước vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. "Hai tháng đầu năm nay, chúng tôi đều có mức tăng trưởng hơn 50% mỗi tháng và thời gian lưu lại trên site của người dùng hơn 9 phút, thậm chí vượt Taobao những 20%. Hiện nay chúng tôi vận chuyển hàng hóa tới khách hàng trong 63 tỉnh thành, cho thấy người tiêu dùng đã và đang dần hình thành thói quen mua sắm online, phù hợp với xu thế chung của thế giới", ông Dũng chia sẻ.