Tin tức
Trung Quốc trở thành gã khổng lồ thương mại điện tử ra sao?
10/07/2013

Nhiều kết quả thống kê cho thấy, Trung Quốc đang sẵn sàng trở thành thị trường trực tuyến lớn nhất thế giới trong vòng vài năm tới.

Khách hàng online đông nhất thế giới

Theo thống kê của hãng Barclays Capital, hoạt động bán lẻ trực tuyến đem về 121 tỷ USD doanh thu tại Trung Quốc vào năm ngoái, tăng 66% so với năm 2010. Quy mô của thị trường thương mại điện tử tại nước này được dự đoán sẽ tăng gấp 3 lần trong vòng 3 năm tới, với danh số đạt 420 tỷ USD vào năm 2015, cao hơn 20% so với doanh thu thương mại điện tử mà Mỹ dự đoán sẽ đạt được cùng thời gian đó.

Trung Quốc, theo ước tính, có 193 triệu người mua sắm trực tuyến, nhiều hơn tất cả các nước khác trên thế giới. Tính tới năm 2015, trung bình mỗi người trong số này sẽ tiêu 1.000 USD mỗi năm trên mạng – bằng với tốc độ tiêu thụ của 170 triệu người mua sắm tại Mỹ. Tới lúc đó, thương mại điện tử có thể chiếm hơn 8% tổng doanh số bán lẻ tại Trung Quốc, hãng nghiên cứu thị trường Boston Consulting Group dự đoán.

Một trong những nhân tố dẫn tới sự phát triển này là gia tăng tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc, từ 200 triệu lên 800 triệu người trong vòng 20 năm tới, theo Acquity Group.

Sự lan truyền của dịch vụ Internet tốc độ cao do nhà nước trợ cấp và điện thoại kết nối Internet đã gia tăng số lượng khách hàng tiềm năng lên 513 triệu người – khoảng 40% dân số. Chi phí truy cập Internet băng thông rộng trên đầu người tại Trung Quốc là 10 USD/tháng, so với 30 USD/tháng tại Ấn Độ và 27 USD/tháng tại Brazil.

Giá cước và độ tin cậy của các dịch vụ chuyển phát cũng được cải thiện, đặc biệt ở các thành phố đô thị ven biển: Chi phí giao hàng mà các công ty Trung Quốc phải gánh chịu chỉ bằng 1/6 so với các công ty của Mỹ, theo BCG. Ấn tượng hơn nữa, trung tâm thương mại trực tuyến lớn của Trung Quốc là Taobao của Alibaba được ước tính chiếm tới một nửa lượng bưu kiện vận chuyển tại nước này.

Theo một nghiên cứu do Acquity Group tiến hành hồi năm 2011, người Trung Quốc mua sắm trực tuyến vì ba lý do chính: Thứ nhất, là khả năng lựa chọn hàng hóa rộng hơn (một nghiên cứu của BCG cũng cho thấy 1/4 khách hàng tại đây mua hàng trên mạng vì họ không tìm thấy sản phẩm cần mua ngoài cửa hàng thực). Thứ hai, trên mạng dễ so sánh giá cả giữa các nhà cung cấp: 65% người được hỏi nói rằng họ so sánh giá cả trước khi mua. Cuối cùng, là do sự thuận tiện.

Tuy nhiên, thương mại điện tử vẫn còn là một ngành công nghiệp non trẻ tại Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc có nhiều người mua sắm trên mạng hơn Mỹ, nhưng xét theo tỷ lệ so với tổng số dân thì vẫn thấp hơn Mỹ: chỉ 14% dân số 1,3 tỷ người của Trung Quốc tìm đến cửa hàng trực tuyến, trong khi có tới 54% dân số Mỹ lên mạng Internet để “săn” hàng giá rẻ.

Nguyên nhân do đâu? Niềm tin dường như là nguyên nhân chính, đây cũng là vấn đề mà các thị trường khác, bao gồm cả Mỹ gặp phải. Những ngày đầu của mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc bị cản trở bởi nạn gian lận thẻ tín dụng và hàng giả. Hiện nay, hai vấn đề này đã được giải quyết, một phần nhờ các dịch vụ thanh toán như PayPal, bao gồm Alipay của Alibaba, cho phép người dùng mua sắm mà không cần chia sẻ thông tin thẻ tín dụng với các nhà cung cấp. Được đánh giá là biện pháp an toàn hơn, Alipay chỉ chuyển tiền tới người bán sau khi khách hàng đã nhận được hàng và bày tỏ sự hài lòng.

Những chính sách phức tạp trong việc trả lại hàng cũng là một nguyên nhân cản trở phát triển. 59% số người được hỏi trong nghiên cứu của Acquity nói rằng không dễ dàng để trả lại hàng cho các gian hàng trực tuyến.

Và mặc dù đang được cải thiện tại Trung Quốc, cơ sở hạ tầng vận chuyển vẫn cần được nâng cấp rất nhiều, đặc biệt ở bên ngoài các thành phố lớn.

Thu nhập cao hơn khiến nhu cầu mua sắm của người dân Trung Quốc ngày càng tăng, kích thích thương mại điện tử tại nước này phát triển

Những người chơi chính

Theo ước tính của hãng nghiên cứu AK Kearney, phần lớn các giao dịch trực tuyến tại Trung Quốc (85% tính tới năm 2009) là giao dịch giữa khách hàng với nhau. Xấp xỉ 90% những giao dịch này được thực hiện trên trang Taobao của Alibaba, thường xuyên được miêu tả là “eBay của Trung Quốc”.

Giống như eBay, người mua trên Taobao có thể mua và bán hàng hóa mới cũng như cũ với giá cố định hoặc có thể thương lượng, cũng như thông qua các danh sách đấu giá. Không giống như eBay, hầu hết hàng hóa đều là mới, và không có chi phí mua bán và giao dịch – phần lớn doanh thu của Taobao đến từ quảng cáo. Trong năm 2013, công ty này sẽ thu về 716 tỷ USD thu nhập trước thuế và sẽ có giá trị lên tới 14,3 tỷ USD, theo ước tính của Goldman Sachs.

Hình thức bán lẻ B2C (từ doanh nghiệp đến khách hàng) nhanh chóng trở thành chủ đạo. AK Kearney ước tính, các giao dịch B2C sẽ chiếm 40% thị trường tính tới năm 2015.

Hiện nay, khoảng một nửa các giao dịch B2C diễn ra trên Taobao hoặc Tmall, một dịch vụ khác của Alibaba. Tại đó, 50.000 thương nhân và 200.000 nhãn hiệu, bao gồm các thương hiệu lớn của phương Tây như Nike, Gap..., đã thành lập cửa hàng. Không giống như Taobao, Tmall thu phí giao dịch của các doanh nghiệp. Năm 2011, Tmall ước tính đạt doanh số 16 tỷ USD, và BCG dự đoán con số này sẽ gấp đôi trong năm 2013.

Cùng với nhau, Taobao và Tmall chịu trách nhiệm về 81% các giao dịch trực tuyến tại Trung Quốc năm 2010. Mỗi phút có 48 ngàn sản phẩm được bán trên Taobao, nhiều hơn số lượng bán ra của các cửa hàng truyền thống hàng đầu tại Trung Quốc.

Tham gia cuộc chơi còn có 360buy.com, một nhà bán lẻ đa nhãn hiệu thường được miêu tả là Best Buy của Trung Quốc, là trang giao dịch B2C lớn thứ hai tại Trung Quốc, thu được khoảng 5 tỷ USD doanh thu năm 2011. Ngoài ra, các nhãn hiệu khác cũng thành lập cửa hàng trực tuyến để bán hàng trực tiếp cho khách hàng.

Vai trò của truyền thông xã hội

Trước thực tế là các nguồn quảng cáo cũng như tin tức dễ gây bối rối, khách hàng Trung Quốc bắt đầu đánh giá cao những lời đánh giá trên mạng trực tuyến cũng như tư vấn của bạn bè trên mạng xã hội.

95% người dùng Internet sống tại các thành phố loại 1, 2 và 3 của Trung Quốc có đăng ký tài khoản trên ít nhất một trang mạng xã hội, theo một nghiên cứu của McKinsey hồi tháng 4/2012. 91% trong số 5.700 người được hỏi trong nghiên cứu này cho biết họ thường xuyên ghé thăm một trang mạng xã hội trong 6 tháng gần nhất, so với 67% tại Mỹ và 30% tại Nhật. Họ dành trung bình 46 phút mỗi ngày trên các trang mạng xã hội, so với 37 phút tại Mỹ và 7 phút tại Nhật.

Hơn 40% số người mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc có tham khảo và đăng nhận xét về sản phẩm trên mạng Internet – gấp đôi tỷ lệ tại Mỹ, theo BCG.

Về số lượng người dùng, Qzone (một mạng xã hội kiểu MySpace) có 536 triệu người dùng, theo sau là tiểu blog Tencent Weibo (310 triệu người dùng) và Sina Weibo (250 triệu người dùng), theo báo cáo hồi tháng 11/2011. Renren, dịch vụ tương tự Facebook phổ biến trong giới sinh viên, có 137 triệu người dùng. Ngoài ra còn có Kaixin, dịch vụ kiểu Facebook phổ biến với giới công chức, có 116 triệu người dùng.

Hãng nghiên cứu McKinsey tin rằng truyền thông xã hội có ảnh hưởng lớn tới quyết định mua sắm của khách hàng tại Trung Quốc hơn bất cứ nơi đâu trên thế giới. Nghiên cứu của McKinsey nhấn mạnh: “Người ta tin nhiều hơn vào lời truyền miệng từ bạn bè, người thân, trong số đó nhiều người chia sẻ thông tin qua các phương tiện truyền thông xã hội”.

Tuy nhiên, nhiều công ty tại Trung Quốc vẫn chưa thúc đẩy truyền thông xã hội đúng cách. Các ban điều hành công ty chưa đủ thành thạo các nền tảng xã hội trực tuyến. Nhiều công ty cũng chưa thể khai thác dữ liệu người dùng trên các nền tảng nói trên, và nhiều công ty lại chưa có hành động thích hợp dựa trên những thông tin họ thu thập được.
Ý kiến bạn đọc