Tin tức
Vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử được tăng cường
28/12/2014
Trong năm 2013 môi trường pháp lý liên quan tới thương mại điện tử tiếp tục được hoàn thiện theo hướng quy định rõ nghĩa vụ của các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương. Liên tiếp nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới thương mại điện tử đã được ban hành. Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử quy định cụ thể các hành vi bị cấm, các hoạt động cần thông báo hay đăng ký với Bộ Công Thương. Nghị định này cùng với Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với mức phạt lên tới 100 triệu đồng đối với một số hành vi vi phạm đã xác lập cơ sở pháp lý thỏa đáng để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng góp phần tăng cường quản lý các hoạt động kinh doanh trực tuyến, bao gồm các hoạt động liên quan tới các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo có những quy định chặt chẽ liên quan tới quảng cáo trên các trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Cùng với các cơ quan Trung ương, một số địa phương đã quan tâm hơn tới việc ban hành các văn bản nhằm thúc đẩy việc thực thi pháp luật liên quan tới thương mại điện tử.Thành phố Hà Nội là một trong các địa phương điển hình trong hoạt động này.Năm 2013 là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội có Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) đứng thứ nhì trên cả nước. Đầu năm 2013 Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án “Tăng cường pháp chế trong quản lý hoạt động thương mại điện tử”, cuối năm đã dự thảo Quyết định “Quy định quản lý và phát triển hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố”. Dự kiến quyết định này sẽ được ban hành vào đầu năm 2014.
Những văn bản trên đã góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý cho sự phát triển thương mại điện tử Việt Nam trong giai đoạn tới.Tuy nhiên, do công nghệ phát triển quá nhanh, hoạt động thương mại điện tử diễn ra phức tạp và liên tục xuất hiện những hình thức kinh doanh mới nên một số quy định có thể chưa phù hợp với thực tiễn kinh doanh trực tuyến.Chẳng hạn, kinh doanh trên các mạng xã hội là một xu hướng tích cực và mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng. Tuy nhiên, để hình thức kinh doanh này phát triển lành mạnh cần rà soát hệ thống pháp luật để có những sửa đổi, bổ sung phù hợp. Sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ OTT là xu hướng tất yếu trên thế giới cũng như ở Việt Nam và mang lại lợi ích lớn cho người sử dụng.Tuy nhiên, cần có chính sách hợp lý để phát triển dịch vụ này, đảm bảo lợi ích của tất cả các bên.Quảng cáo trực tuyến, bao gồm quảng cáo trên các trang thông tin điện tử nước ngoài, vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp vừa có hiệu quả kinh doanh cao. Việc quản lý hoạt động quảng cáo trực tuyến cần phù hợp với thực tiễn là trong hầu hết các trường hợp, hiệu quả cao nhất chỉ đạt được khi doanh nghiệp, cá nhân phải trực tiếp triển khai chiến dịch quảng cáo của mình mà không có sự tham gia của bên thứ ba.
Thực hiện chức năng phản biện chính sách và pháp luật liên quan tới thương mại điện tử, năm 2014 VECOM sẽ tiếp thu ý kiến của các hội viên cũng như của mọi tổ chức, cá nhân liên quan và phản ánh tới các cơ quan quản lý nhà nước nhằm góp phần xây dựng môi trường pháp lý phù hợp hơn cho sự phát triển của thương mại điện tử.
 
Ý kiến bạn đọc