Tin tức
Vấn đề chứng cứ trong thương mại điện tử
15/09/2014
 Tháng 11 năm 1997 Việt Nam hoà mạng Internet, mở cửa cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt Nam tham gia vào "nền kinh tế số" và "thị trường ảo" trên mạng. Từ đó đến nay, các giao dịch dân sự, thương mại như mua bán cổ phiếu điện tử, vận đơn điện tử, chuyển tiền điện tử, mua bán hàng hóa và dịch vụ qua phương tiện điện tử... (hay còn gọi là các giao dịch thương mại điện tử) đã và đang được sử dụng ngày càng nhiều trên hệ thống Internet.
 
Cũng như bất kỳ hình thức giao dịch thương mại truyền thống nào khác, trong giao dịch thương mại điện tử chắc chắn sẽ nảy sinh những tranh chấp, bất đồng giữa các bên. Việc giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử, trong đó quan trọng nhất là việc sử dụng các văn bản điện tử hay chữ ký điện tử với tư cách là các chứng cứ trong hoạt động tố tụng qua việc xác định giá trị pháp lý của dữ liệu điện tử - những thông tin và biểu hiện của thông tin được tạo, gửi, nhận và lưu giữ bằng phương tiện điện tử, quang học hay tương tự; hoặc giá trị chứng cứ của các hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử đang còn là một vấn đề trống vắng trong hệ thống pháp luật hiện nay. 
 
Vấn đề này không những chỉ liên quan đến những thay đổi trong các ngành luật nội dung mà còn liên quan đến việc xây dựng pháp luật tố tụng về chứng cứ và chứng minh cho phù hợp với sự xuất hiện của các công nghệ mới. Nghiên cứu việc xác định chứng cứ trong giao dịch thương mại điện tử và ghi nhận giá trị của nó trong Bộ luật tố tụng dân sự tương lai là một yêu cầu bức thiết trong điều kiện hiện nay bên cạnh rất nhiều các vấn đề pháp lý khác cần phải đặt ra và giải quyết. Điều này đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thương mại điện tử, đồng thời góp phần tạo lập một môi trường pháp lý đầy đủ, minh bạch để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử mà các Toà án Việt Nam phải thụ lý để giải quyết trong tương lai không xa.
 
Nhìn từ góc độ đối sánh với hoạt động thương mại truyền thống, thương mại điện tử - "hoạt động kinh doanh qua các phương tiện điện tử, dựa trên việc xử lý và truyền dữ liệu điện tử dưới dạng text, âm thanh và hình ảnh có những nét khác biệt đặc trưng cơ bản sau:
          * Về cách thức tiến hành giao dịch: Nếu như trong thương mại truyền thống, giao dịch được tiến hành thông qua việc các bên gặp nhau trực tiếp để thương lượng và thoả thuận xác lập hợp đồng, hoặc là giữa những chủ thể đã có những mối quan hệ quen biết nhau từ trước, nó được thực hiện với sự phân định rõ về ranh giới quốc gia; thì trong thương mại điện tử, các chủ thể không tiếp xúc trực tiếp với nhau, người tham gia là cá nhân hoặc các doanh nghiệp có thể biết hoặc hoàn toàn chưa biết nhau bao giờ; người tiêu dùng cũng không nhìn thấy hay sờ thấy được một cách trực tiếp mặt hàng mà mình mua khi giao dịch.
Về phương tiện tiến hành giao dịch: Trong giao dịch thương mại truyền thống mặc dù các phương tiện viễn thông như điện thoại, fax, telex,... được sử dụng nhưng chủ yếu để trao đổi số liệu kinh doanh hay nói cách khác mạng lưới thông tin chỉ là phương tiện để trao đổi dữ liệu thì trong giao dịch thương mại điện tử, mạng lưới thông tin chính là thị trường trên đó các giao dịch được thiết lập, các thông tin được gửi và nhận qua công nghệ số hoá thành các byte, lưu giữ trong các máy tính và truyền qua mạng với tốc độ ánh sáng. Người bán, người mua hàng có thể giao dịch với đối tác ở bất cứ đâu trên thế giới mà không cần một khâu trung gian hỗ trợ của bất cứ công ty thương mại nào.
            * Về chủ thể tham gia giao dịch: Cũng giống như thương mại truyền thống, giao dịch thương mại điện tử cũng phải tồn tại dựa trên các chủ thể, song nét đặc trưng nhất và khác biệt nhất so với thương mại truyền thống là sự xuất hiện và không thể thiếu của một chủ thể thứ 3 đó là người cung cấp dịch vụ mạng, các cơ quan chứng thực - những người tạo môi trường cho các giao dịch thương mại điện tử. Họ có nhiệm vụ chuyển đi, lưu giữ các thông tin giữa các bên tham gia giao dịch và xác nhận độ tin cậy của các thông tin trong giao dịch thương mại điện tử.
 
Xét dưới góc độ chủ thể tham gia giao kết hợp đồng, pháp luật Việt Nam hiện nay có những quy định rất chặt chẽ về chủ thể của hợp đồng, điều này còn liên quan tới việc xác định tư cách chủ thể khi tham gia giao kết cũng như Toà án giải quyết khi xảy ra tranh chấp là Toà dân sự, Toà thương mại hay Toà kinh tế.
 
Với những đòi hỏi đó, trong hợp đồng thương mại điện tử việc xác định chủ thể là rất khó khăn, trừ khi các bên giao kết nắm được những thông tin cho phép xác định được năng lực giao kết hợp đồng của các chủ thể. Chưa tính đến các yếu tố về mặt hình thức khác, từ đặc trưng chủ thể này tạo ra rất nhiều nguy cơ dẫn đến hợp đồng giao kết trên mạng trong thời điểm hiện nay sẽ bị vô hiệu.
 
Từ những đặc trưng trên của giao dịch thương mại điện tử có thể thấy, việc xác định chứng cứ trong trường hợp có xảy ra tranh chấp đối với các hợp đồng được giao kết trên mạng bộc lộ rất nhiều những bất cập khi áp dụng các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về chứng cứ.
 
Xét dưới góc độ lý luận: "Chứng cứ được hiểu là những sự thật khách quan có liên quan đến vụ việc mà Toà án đang giải quyết, mà dựa vào đó theo một trình tự do Luật định, Toà án xác định được có hay không có những tình tiết làm cơ sở cho yêu cầu của đương sự, của Viện kiểm sát, tổ chức xã hội và các tình tiết khác có ý nghĩa để giải quyết đúng đắn vụ việc". Như vậy, một tài liệu nào đó, một sự kiện thực tế nào đó để được xác định là một chứng cứ trước hết phải hội đủ được 3 thuộc tính là:
            - Tính khách quan - tức là những gì có thật tồn tại khách quan không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người, tính liên quan
             - một sự kiện thực tế phải mang một nội dung thiết thực gắn liền với việc giải quyết vụ kiện của Toà án
            - Tính hợp pháp - tức là được thu thập, bảo quản, củng cố, nghiên cứu và đánh giá theo một thủ tục do luật định.
 
Với lý luận này thì một tài liệu điện tử khi được các bên xuất trình trước Toà không thể được chấp nhận với tư cách là một chứng cứ trong tố tụng.
+ Thứ nhất:  Các quy định về chứng cứ hiện hành phần lớn đều coi các tài liệu in trên giấy là hình thức mang tin đương nhiên. Mặc dù so với các văn bản truyền thống (tài liệu in trên giấy), bản chất của thông tin trong văn bản thương mại điện tử không thay đổi, thương mại điện tử chỉ biến đổi cách thức khởi tạo, trao đổi, bảo quản và xử lý thông tin, hoàn toàn không thay đổi những chức năng cơ bản của thông tin đối với các bên tham gia truyền thống của hợp đồng.  Song, trên thực tế hiện nay nhìn về ưu thế trong vai trò là chứng cứ khi xảy ra tranh chấp thì chứng từ được thể hiện bằng giấy tờ vẫn có giá trị hơn hẳn. Sở dĩ như vậy vì Pháp luật Việt Nam đặt ra những yêu cầu cụ thể về hình thức văn bản, công chứng hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hợp đồng kinh tế, dân sự hoặc thương mại đương nhiên sẽ làm cho rất nhiều các hợp đồng được giao kết trên mạng trong thời điểm hiện nay trở thành vô hiệu. Vấn đề là ở chỗ, theo quan niệm lâu nay của các nhà lập pháp và các Thẩm phán trong một nền thương mại truyền thống thì “văn bản” được hiểu là “văn bản” trên giấy (dưới hình thức viết). Trong trường hợp pháp luật đòi hỏi phải có chứng cứ trên giấy, thông tin điện tử có được coi là có giá trị tương đương như văn bản viết không? có được coi là chứng cứ trong trường hợp có tranh chấp không? Vấn đề này vẫn chưa được chính thức ghi nhận trong các văn bản pháp luật hiện hành.
+ Thứ hai: Xuất phát từ đặc trưng của một tệp dữ liệu điện tử khi được in trên giấy đã được tạo nên trong máy tính và được truyền đi từ người gửi đến người nhận. Trong quá trình trao đổi tệp dữ liệu điện tử phải đi qua nhiều hệ thống thông tin với các phương tiện điện tử khác nhau theo sự điều khiển của con người. Người ta có khả năng sửa chữa được một cách dễ dàng khi sử dụng một số biện pháp kỹ thuật mà không để lại dấu vết gì trên đó trừ khi áp dụng một số biện pháp kỹ thuật như tem thời gian, chữ ký kỹ thuật số... tuy vậy, các giải pháp kỹ thuật lại cũng liên tục phát triển và ngày càng tiến bộ vì vậy các giải pháp bảo đảm trước rất có thể bị vô hiệu hoá bởi các giải pháp ra đời sau. Đây là một trở ngại khi sử dụng các chứng cứ dựa trên môi trường các phương tiện điện tử đồng thời cũng là một trong những lý do Toà án có khả năng sử dụng để từ chối giá trị về mặt chứng cứ của tệp dữ liệu điện tử vì nó không đảm bảo được tính chất khách quan của chứng cứ.
          * Vấn đề chữ ký điện tử: Theo quan niệm truyền thống, chữ ký theo yêu cầu của pháp luật là chữ ký tay của một cá nhân hoặc của một chủ thể có thẩm quyền khi tham gia giao kết hợp đồng trên một văn bản, nhằm xác nhận và khẳng định kết quả thoả thuận của giao dịch. Một mặt nó nhằm xác định tác giả của văn bản, mặt khác nó thể hiện hiện sự chấp thuận của chủ thể tham gia giao dịch với nội dung chứa đựng trong văn bản. Nếu đem áp dụng những yêu cầu của pháp luật hiện hành về chữ ký để điều chỉnh các hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại được thực hiện qua giao dịch thương mại điện tử sẽ làm cho các hợp đồng này bị vô hiệu. Về mặt bản chất, “chữ ký điện tử” là một thành tố quan trọng trong văn bản điện tử được thể hiện dưới hình thức một chuỗi số, đây chính là dữ liệu điện tử gắn hoặc kèm một cách logic với một dữ liệu điện tử nhằm xác lập một mối liên hệ giữa người gửi và nội dung của dữ liệu điện tử, đồng thời chỉ ra rằng người gửi đã chấp nhận nội dung thông tin chứa đựng trong dữ liệu điện tử. Nếu pháp luật thừa nhận giá trị pháp lý, giá trị chứng cứ của chữ ký điện tử thì các yêu cầu về chữ ký đối với hợp đồng truyền thống vẫn có thể được đáp ứng. Vấn đề đưa ra một thay thế cho các chữ ký bằng tay thật khó, căn bản điều cần là một hệ thống trong đó  một bên có thể gửi một thông điệp “có dấu hiệu” đã ký tên cho bên kia theo cách:
1. Máy nhận có thể xác nhận danh hiệu nhắn tới của máy gửi;
2. Máy gửi không thể sau đó phủ nhận nội dung thông điệp;
3. Máy nhận không thể tự chỉnh sửa nội dung của thông điệp được.
           Do vậy, việc sử dụng chữ ký điện tử đồng nghĩa với việc mã hoá tài liệu được ký kết, nó trở thành một hình thức quan trọng trong văn bản được ký kết. Vấn đề đặt ra là trong môi trường giao dịch qua mạng, thì vấn đề bản gốc (sự thể hiện tính toàn vẹn của thông tin chứa đựng trong văn bản) luôn đặt ra gắn liền với việc sử dụng chữ ký điện tử. Chữ ký điện tử giúp cho việc xác minh cho tính toàn vẹn của nội dung thông tin chứa trong văn bản.  Để thừa nhận giá trị chứng cứ của văn bản điện tử vấn đề xem xét và thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử cũng như vấn đề bản gốc cũng phải song song đặt ra. Về vấn đề này pháp luật của một số nước ví dụ như Pháp đã có những ghi nhận đáng kể. Cụ thể là, theo quy định tại Điều 1316 Bộ Luật Tố tụng dân sự Pháp thì chứng cứ bằng văn bản viết là một chuỗi các chữ, các số cũng như mọi dấu hiệu khác mà mọi người có thể hiểu được và có thể tra cứu vào bất cứ lúc nào. Việc một văn bản được coi là văn bản viết không phụ thuộc vào hình thức thể hiện của nó, cũng như phương thức trao đổi của văn bản đó, tại Điều 8 Luật Mẫu của Unciltral (Uỷ ban Luật thương mại quốc tế của Liên Hiệp quốc) cũng đã đưa ra một số tiêu chuẩn cần lưu ý khi đánh giá tính nguyên vẹn (bản gốc) để xác định giá trị chứng cứ của tệp dữ liệu điện tử cụ thể là: “Trong trường  hợp luật pháp yêu cầu các thông tin phải được thể hiện và lưu giữ dưới dạng gốc, thì yêu cầu này đạt được đối với một tệp dữ liệu nếu: có sự đảm bảo đáng tin cậy về tính nguyên vẹn của thông tin kể từ thời điểm thông tin đó lần đầu được tạo nên và thông tin đó có khả năng được thể hiện cho người mà nó cần phải gửi tới khi pháp luật yêu cầu”.                                                                                                                                                                                                                                                                                                          Việc cải cách pháp luật về chứng cứ để tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp khai thác được các tiềm năng của thương mại điện tử  và nâng cao hiệu quả điều chỉnh của hệ thống pháp luật nên theo hướng bổ sung thêm các quy định tại Chương V phần “Chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự” Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự Điều luật về các loại chứng cứ và giá trị làm bằng của các loại chứng cứ, đặc biệt liên quan tới loại  “chứng cứ bằng văn bản”. Cần quy định rằng: “một văn bản được coi là văn bản viết không phụ thuộc vào hình thức thể hiện của nó cũng như phương thức trao đổi văn bản đó”. Cần thiết phải thừa nhận rõ ràng giá trị pháp lý của văn bản điện tử tức là: Văn bản điện tử có giá trị làm bằng tương tự như văn bản viết trên giấy với điều kiện phải có chữ ký của người lập văn bản hoặc phải có dấu hiệu cho phép xác định người lập văn bản và văn bản viết điện tử phải được lập và bảo quản trong những điều kiện đảm bảo độ tin cậy của văn bản, mặt khác các thông tin chứa đựng trong văn bản điện tử đó phải có thể truy cập đến để sử dụng vào việc dẫn chiếu khi cần thiết. Tức là thông tin dưới dạng dữ liệu điện tử phải có khả năng đọc được và giải thích được, phần mềm cần thiết để cho thông tin này có thể đọc được phải còn tồn tại. Thông tin đó được lưu giữ cho phép nhận dạng được nơi gửi và nơi nhận của tệp dữ liệu cũng như ngày và thời gian nó được gửi và nhận.
Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử phụ thuộc vào mức độ tin cậy của cách thức mà dữ liệu điện tử đó được tạo ra, lưu trữ hay trao đổi mức độ tin cậy của cách thức đảm bảo tính nguyên bản của cách thức xác minh người khởi tạo, các yếu tố liên quan khác và dữ liệu điện tử. Một mặt phải quy định cụ thể những điều kiện để một dữ liệu điện tử được coi là nguyên bản: Có sự đảm bảo về tính toàn vẹn và không bị sửa đổi của thông tin kể từ lúc được tạo ra dưới dạng một dữ liệu điện tử hoàn chỉnh hoặc một dạng khác, trừ trường hợp được xác nhận về sự thay đổi trong quá trình giao dịch, lưu trữ hay hiển thị.
Văn bản điện tử được suy đoán là có giá trị chứng cứ cho tới khi có người đưa ra chứng cứ ngược lại, trong trường hợp văn bản đó đã được bên thứ ba xác nhận theo những thể thức do Chính Phủ quy định.
Liên quan đến việc thừa nhận giá trị chứng cứ của chữ ký điện tử, chỉ có thể thừa nhận giá trị pháp lý, giá trị chứng cứ của chữ ký điện tử khi nó phải đáp ứng được những yêu cầu đặc trưng của chữ ký theo quan điểm hiện nay, tức là phải đảm bảo được độ an toàn và tin cậy thể hiện được ý chí rõ ràng của các bên về thông tin chứa đựng trong văn bản điện tử, đồng thời phải xác định được mối liên kết giữa chữ ký điện tử với người ký tài liệu điện tử và phải thể hiện được sự thoả thuận của người này với những nghĩa vụ phát sinh đó. Muốn đảm bảo độ tin cậy của chữ ký điện tử an toàn thì cần thiết phải đảm bảo độ tin cậy của công tác chứng nhận, tức là phải có sự quản lý của nhà nước đối với công tác chứng nhận này. Ngoài ra, Toà án có thể xem xét bản kê các cuộc gọi điện thoại bên cạnh chữ ký điện tử để tham khảo xác minh thêm.                                                       
Song song với việc ghi nhận giá trị chứng cứ của văn bản điện tử, chữ ký điện tử  cần thiết phải ban hành quy chế riêng về thương mại điện tử qua đó giúp Toà án có thể đánh giá mức độ tin cậy của tài liệu điện tử sử dụng như chứng cứ, nhận biết chữ ký điện tử và cách thức sử dụng chứng trong các tài liệu điện tử. Bên cạnh đó, cần quy định trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ mạng – cơ quan chứng thực trong việc hỗ trợ các Toà án về mặt chuyên môn khi thẩm định tính khách quan, giá trị của bản gốc và chữ ký điện tử trong các hợp đồng được xác lập qua hoạt động thương mại điện tử.
Ý kiến bạn đọc