Tin tức
Vi phạm bản quyền làm khó nhà cung cấp nội dung Internet
18/08/2012

Ở Việt Nam, tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan trên Internet đã khiến các dịch vụ trên Internet rất khó thu tiền người dùng và hiện đa số đều miễn phí. Cũng vì thế, các doanh nghiệp chỉ có thể thu phí ở những thị trường ngách, ít thuê bao và khó làm bùng nổ ứng dụng băng rộng.

Dịch vụ gia tăng trên nền băng rộng còn "nghèo"

Ngày 26/9, tại Hội thảo "Thách thức và triển vọng phát triển băng rộng ở Việt Nam", đại diện Viettel Telecom cho biết, trung bình mỗi tháng người dùng mạng 3G của Viettel qua điện thoại di động sử dụng khoảng 200Mb và qua máy tính ở mức 2Gb. Trong đó, hoạt động phổ biến nhất của người dùng mới chỉ dừng lại ở việc đọc tin tức, nghe nhạc, chat. Ngoài ra, các dịch vụ phổ biến tại Việt Nam trên nền băng rộng di động do nhà mạng cung cấp bao gồm MobiTV, nghe nhạc online, mail, game.., trong khi dịch vụ đặc thù của mạng 3G là Video Call lại không thành công do tỷ lệ người dùng ít và bản thân các nhà mạng không chú trọng kinh doanh dịch vụ này. "Do các dịch vụ trên nền băng rộng còn nghèo nàn nên dung lượng mạng 3G của mỗi thuê bao chưa thực sự cao", đại diện Viettel cho biết thêm.

Dự kiến, Viettel sẽ tiến hành phân lớp khách hàng thành những nhóm riêng biệt theo hành vi sử dụng, vị trí người dùng… để từ đó xây dựng những dịch vụ, sản phẩm riêng cho mỗi nhóm khách hàng.

Kết quả Báo cáo tốc độ mạng Internet toàn cầu của Akamai, một mạng lưới chuyên cung cấp nội dung Internet ở Mỹ, vào quý 2/2010 và quý 4/2011 cho thấy, sau hơn 1 năm, tốc độ Internet Việt Nam vẫn "dậm chân tại chỗ" ở mức bằng hoặc xấp xỉ 1,7 Mbps mặc dù các nhà mạng đã liên tục tăng băng thông, giảm giá cước hoặc đưa ra các gói cước mới tốc độ cao hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Các chuyên gia trong lĩnh vực Internet đều cho rằng, việc tốc độ Internet Việt Nam “dậm chân tại chỗ” cho thấy, tốc độ Internet hiện nay đã đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản mà đa số người dùng đang sử dụng như đọc báo, thư điện tử... Đó là chưa kể đến các nội dung cơ bản mà người sử dụng truy cập nhiều như đọc tin tức, tìm kiếm thông tin, nghe nhạc… đều có máy chủ đặt tại Việt Nam nên ít có nhu cầu truy cập đi quốc tế.

Chính vì thế, sau khi phát triển hạ tầng, các nhà mạng cần phải quan tâm đến việc phát triển nội dung để làm tăng nhu cầu sử dụng băng thông tốc độ cao của người dùng vì “đã xây đường xá (băng rộng) thì phải có phương tiện (dịch vụ) chạy trên đó”.

Cần thời gian để phổ cập IPTV, hội thảo trực tuyến...

Đại diện FPT Telecom cũng cho biết, nếu như năm 2008, tỷ lệ dịch vụ cơ bản được xếp theo hình kim tự tháp, trong đó dịch vụ web được nhiều người sử dụng nhất, tiếp đến là các dịch vụ khác (theo thứ tự) như thư điện tử, nghe nhạc, video, game... thì đến năm 2012, do tốc độ Internet Việt Nam tăng lên nên lượng người dùng các dịch vụ cần băng thông lớn hơn như nghe nhạc, xem video, chơi game đã không còn chênh lệch đáng kể so với lượng truy cập web và thư điện tử. "Đó là chưa kể đến dịch vụ web vào năm 2008 cũng có sự khác biệt so với năm 2012 như năm 2008, dung lượng một trang web chỉ bao gồm các file html khoảng vài chục Kb nhưng đến năm 2012 đã bao gồm nhạc, video, flash... với dung lượng lớn hơn rất nhiều", vị đại diện này cho biết thêm.

Tuy nhiên, hiện tại mức độ phổ cập các dịch vụ cần băng thông lớn như Internet TV, hội thảo truyền hình trực tuyến... chưa thực sự cao và sẽ phải cần một thời gian nữa để có sự dịch chuyển. Ngoài ra, tỷ lệ ăn chia không hợp lý giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung (CP) và nhà mạng cũng là lý do khiến những nội dung mang tính đột phá, sáng tạo hiện còn ít.

Cùng quan điểm, ông Lê Văn Lợi, Giám đốc Viện Tin học Doanh nghiệp của VCCI cho biết, thời gian tới, khi các ứng dụng như đào tạo từ xa, thanh toán điện tử, chính phủ điện tử (hải quan điện tử, thuế điện tử...) phát triển thì chúng ta sẽ khai thác băng thông rộng hiệu quả hơn, bởi những ứng dụng này liên quan đến tiền, quyền lợi nhiều người nên cần tốc độ Internet nhanh, ổn định so với những ứng dụng cơ bản như đọc báo, email... "Ngoài ra, bản thân các ứng dụng này cũng phải cần sự phản hồi, đáp ứng nhanh từ phía cơ quan nhà nước, ngân hàng để đáp ứng tức thời nhu cầu của người dân thay vì bắt họ phải ấn 2-3 lần mới được thực hiện", ông Lợi cho biết thêm.

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng, tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan ở Việt Nam là nguyên nhân khác làm "cản trở" phát triển ứng dụng trên Internet băng rộng. Lý giải cho điều này, một chuyên gia trong lĩnh vực Internet cho biết, một số ứng dụng có thể "hốt bạc" ở nước ngoài như dịch vụ Internet TV (Hulu, Netflix, Amazon Prime...) nhưng tại Việt Nam do vấn đề bản quyền bị "bỏ ngỏ" nên người dùng có thể dễ dàng xem miễn phí tại bất kì website nào. Lãnh đạo một doanh nghiệp cũng đã thẳng thắn chia sẻ, vào thời điểm hiện nay, nếu mua 100% bản quyền các nội dung như phim để kinh doanh thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ "thua" vì giá phim bản quyền rất cao, do đó, số lãi nhờ kinh doanh phim chủ yếu đến từ những bộ phim lậu.

Khi đó, các doanh nghiệp chỉ có thể thu phí nhờ xây dựng các dịch vụ khó bị "ăn cắp bản quyền" như Internet TV chất lượng cao HD dành cho lớp đối tượng dùng smart tivi hay tivi màn hình lớn nhưng dịch vụ này lại đòi hỏi băng thông rất lớn và khó có thể phát triển được nhiều thuê bao; hay phát triển các thị trường ngách như video chương trình đào tạo, giáo dục qua Internet. Tuy nhiên, cũng có một hướng phát triển mới là doanh nghiệp có thể đưa ra các dịch vụ xem tivi trên Internet kết hợp tương tác, đồng bộ trên cả 3 màn hình (tivi, smartphone, máy tính bảng), trong đó, smartphone hoặc máy tính bảng sẽ đóng vai trò màn hình thứ 2 (second screen) để tương tác ngay lập tức như bình chọn, chat, tìm kiếm, chia sẻ trên mạng xã hội…

Theo kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng Việt Nam từ 2012-2020, đến 2015, số thuê bao băng rộng cố định đạt từ 6-8 thuê bao/100 dân (tăng lên 15-20 thuê bao/100 dân vào năm 2020), băng rộng di động ở mức 20 – 25 thuê bao/100 dân (tăng lên thành 35-40 thuê bao/100 dân vào 2020). Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet cũng đạt khoảng 15-20% (nâng lên 35-40% vào 2020), tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 40-45% (năm 2020 tăng lên 55-60%). Yêu cầu về tốc độ tải dữ liệu chiều xuống, chiều lên với Internet cố định sẽ theo các mức bao gồm 256Kb/s – 2Mb/s; 2Mb/s – 10Mb/s; 10Mb/s – 100Mb/s; 100Mb/s - 1Gb/s hay Internet di động với các mức 144Kb/s – 384Kb/s; 384Kb/s – 3.6Mb/s; 3.6Mb/s – 14.4Mb/s; 14.4Mb/s – 21Mb/s.

Ý kiến bạn đọc