Tin tức
Vốn FDI chảy vào thương mại điện tử
24/04/2015
Một loạt thương hiệu lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam thông qua các hoạt động như ra mắt mô hình kinh doanh mới, đầu tư quảng bá tăng cường mở rộng thị phần, cải tiến dịch vụ...
Cuối tuần qua, nhà bán lẻ thời trang trực tuyến Zalora đã chính thức kỷ niệm 3 năm hiện diện tại Việt Nam bằng việc khai trương cửa hàng trưng bày và bán hàng trực tuyến theo mô hình Flagship (thử hàng trực tiếp, kết nối trực tiếp và nhận hàng tại nhà) đầu tiên tại tầng 2, tòa tháp cao nhất TP.HCM Bitexco.
rả lời phóng viên Báo Đầu tư về dự án trên, ông Jose Finch, Tổng giám đốc Zalora Việt Nam cho biết, cửa hàng có tổng diện tích 250 m2 trưng bày như một cửa hàng bán thời trang truyền thống, nhưng chỉ có điểm khác là ngoài sản phẩm trưng bày, tại đây có 15 hệ thống máy tính cho phép khách hàng sau khi thử sản phẩm, có thể tham khảo giá và tiến hành đặt hàng, giao dịch trực tuyến và sau đó có thể ung dung về nhà để nhận hàng, mà không cần phải xách lỉnh kỉnh túi xách như tham gia mô hình mua sắm truyền thống.

Chi phí đầu tư cho mô hình không được tiết lộ, nhưng theo bà Nguyễn Phương Anh, Giám đốc Zalora Việt Nam, mô hình này được Zalora thử nghiệm thành công tại Singapore, Malaysia, giúp Zalora tăng 30% doanh số bán hàng/ngày và thu hút rất nhiều khách hàng truyền thống chuyển sang mua sắm trực tuyến.

“Tại Việt Nam, kỳ vọng của Zalora là tăng 20% lượng khách hàng/ngày qua mô hình này, trong đó chỉ cần tăng 5%/ngày chúng tôi đã hòa vốn. Sau 4 tháng, Zalora sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này sang các trung tâm thương mại khác và mở rộng ra các thị trường khác để tăng cường sự nhận diện thương hiệu và thu hút khách hàng của Zalora”, bà Phương Anh cho biết.

Ngoài đầu tư cho bán hàng offline, Zalora còn đẩy mạnh đầu tư bằng việc xây dựng các gian hàng ảo (marketplace) trên trang bán hàng trực tuyến của Zalora. Các gian hàng này chỉ dành cho các thương hiệu thời trang nhỏ và vừa, hoặc các nhà thiết kế thời trang địa phương có thêm kênh tiếp thị bán hàng trực tuyến. Chỉ riêng khoản đầu tư này, Zalora đã thu hút 300.000 lượt truy cập hàng ngày, giúp Zalora đạt 1,3 triệu khách hàng, thành viên; với 5,879 triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội Facebook; bán thành công 36.000 sản phẩm với sự tham dự của hơn 500 thương hiệu thời trang trong nước và quốc tế.

Tương tự, Lazada cũng kỷ niệm 3 năm có mặt tại Việt Nam bằng việc công bố mở rộng hợp tác với một loạt thương hiệu lớn như Sony; FPT; Lingo; Philips; Samsonite... Theo ông Alexandre Dardy, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam, Lazada đã có thêm 250 triệu USD từ các nhà đầu tư mới, trong đó có Tesco-chuỗi bán lẻ số 1 tại Anh và một số quỹ đầu tư của Thụy Điển, Hà Lan..., nâng tổng vốn đầu tư của các tổ chức vào Lazada Group lên con số 520 triệu EUR. Cụ thể về khoản đầu tư không được tiết lộ, nhưng theo ông Dardy, khoản đầu tư này sẽ được chia đều cho 6 thị trường trọng điểm, trong đó có Việt Nam.

Cũng cần nói thêm, chỉ sau 3 năm hiện diện tại Việt Nam, Lazada đang chiếm vị trí dẫn đầu thị phần thương mại điện tử tại Việt Nam với 36% và tăng 200% doanh thu trong năm 2014 (theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công thương).

Cũng đẩy mạnh đầu tư mở rộng thị phần là Công ty cổ phần Công nghệ Sen Đỏ (đứng vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng với tỷ lệ nắm giữ 14,4% tổng doanh thu năm 2014), chủ quản của Sendo.vn, cũng vừa công bố khoản đầu tư chiến lược với 3 tập đoàn Internet hàng đầu của Nhật Bản là SBI Holdings, Excontext Asia và Beenos...

Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, tổng doanh thu thương mại điện tử B2C (giữa doanh nghiệp với khách hàng) tại Việt Nam năm 2014 đạt 2,97 tỷ USD, chiếm 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước. Trong đó, doanh thu của Top 10 website dẫn đầu thị trường chiếm 75% doanh thu. Doanh nghiệp ngoại, dù chiếm lượng nhỏ về số lượng, nhưng lại đang thống lĩnh gần 60% tổng doanh thu ngành này tại Việt Nam.

Ý kiến bạn đọc