Công nghiệp chế biến
Bông nhập khẩu từ châu Phi vẫn phải qua trung gian
27/02/2014

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2013 Việt Nam đã nhập khẩu 581 nghìn tấn bông, trị giá 1,17 tỷ USD, tăng 39% về lượng và 33% về kim ngạch so với năm trước. Trong đó, bông nhập khẩu từ châu Phi chiếm 20% về số lượng, kim ngạch đạt 266,5 triệu USD nhưng phải qua các công ty trung gian.

Năm 2013, Việt Nam đã nhập khẩu bông nguyên liệu từ 19 nước châu Phi như: Tanzania với 32,2 triệu USD, Mozambique với 10,6 triệu USD, Zimbabwe với 10,1 triệu USD, Zambia với 3,9 triệu USD, Uganda với 3,1 triệu USD, Malawi với 2,3 triệu USD. Theo các doanh nghiệp Việt Nam, bông châu Phi có chất lượng khá tốt, giá hợp lý, phù hợp với yêu cầu sản xuất của Việt Nam.

Tuy nhiên, bông nhập khẩu của Việt Nam từ châu Phi được tiến hành phần lớn thông qua trung gian là các công ty thương mại của Pháp, Thụy Sỹ, Ấn Độ, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp của cả hai bên. Trước hết, doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản chi phí cho trung gian dẫn đến giá mua cao so với nhập khẩu trực tiếp. Bên cạnh đó, do nhập khẩu qua trung gian nên việc phản hồi chất lượng bông đến nhà sản xuất rất phức tạp và mất thời gian, bởi việc khiếu nại hoặc thắc mắc phải thực hiện qua bên thứ ba, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất.

Tiếp đến là do sản lượng thấp nên quá trình phân loại bông của châu Phi chưa cao như ở Mỹ hay một số thị trường khác, tỷ lệ tạp chất cao. Đặc biệt là bông ở vùng Đông Phi thường có hàm lượng đường cao hơn các nước khác, điều này tác động đến quá trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Thông thường, các doanh nghiệp của Việt Nam do hạn chế về nguồn lực, ít vốn nên chỉ nhập khẩu bông từ một nguồn và đưa vào sản xuất luôn nên lượng đường tương đối cao. Để đạt được hiệu quả và khắc phục những vấn đề trên, các doanh nghiệp cần phải đa dạng nguồn hàng và phối hợp pha trộn các nguồn nguyên liệu khác nhau theo những tỷ lệ nhất định. Do nhập khẩu qua trung gian nên việc phản hồi chất lượng bông đến nhà sản xuất rất phức tạp và mất thời gian, bởi việc khiếu nại hoặc thắc mắc phải thực hiện qua bên thứ ba. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất và giao hàng của nhà nhập khẩu.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp khó khăn như thiếu hệ thống ngân hàng hỗ trợ giao dịch, thiếu hệ thống logistic phù hợp, khoảng cách địa lý xa xôi, chi phí vận chuyển cao và vẫn xảy ra tình trạng lừa đảo thương mại, không tôn trọng hợp đồng, các rào cản về văn hóa, ngôn ngữ….

Để góp phần giải quyết những khó khăn khi nhập khẩu bông từ châu Phi, tháng 8 năm 2011, trong khuôn khổ hợp tác với Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Bộ Công Thương phối hợp với ITC, Hiệp hội dệt may, Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam đã tổ chức hai Hội thảo mang tên “Chuỗi giá trị và Minh bạch thị trường - Thúc đẩy xuất khẩu bông của các nước Đông và Nam Phi sang Việt Nam” tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tham gia Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành liên quan, ITC, 26 doanh nghiệp xuất khẩu bông đến từ 8 nước khu vực Đông, Nam Phi và đông đảo doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh bông, sợi, dệt may, phân bón, hóa chất và máy nông nghiệp… Năm 2013, Bộ Công Thương, VCCI và một số cơ quan hữu quan đã tổ chức Cuộc gặp giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam với các ngân hàng thương mại của châu Phi tại Việt Nam và Cameroon để tạo điều kiện cho hai bên thiết lập quan hệ hợp tác, giúp doanh nghiệp thuận lợi trong khâu thanh toán.

Trong thời gian tới, bên cạnh hoạt động thương mại thông thường, các doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét phương hướng liên doanh liên kết, mở văn phòng đại diện, đầu tư chế biến sang thị trường châu Phi, tạo thuận lợi cho việc giao dịch trực tiếp và tận dụng nguồn nhân công lành nghề, nguyên liệu dồi dào của địa phương, khai thác những lợi thế về thuế quan mà các nước châu Phi được hưởng để xuất khẩu hàng sang EU, Mỹ và những nước khác trong khu vực.

Ý kiến bạn đọc