Công nghiệp chế biến
Cơ hội xuất khẩu thực phẩm và đồ uống sang Nga
19/07/2013

Với số dân khoảng 145 triệu người, văn hóa tiêu dùng của người dân ngày càng được nâng cao, LB Nga được xem là thị trường tiềm năng, hấp dẫn và đa dạng về hàng thực phẩm và đồ uống cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Thị trường đầy tiềm năng

Liên bang Nga là một nước thuộc khu vực khí hậu ôn đới và hàn đới không có khả năng phát triển rau quả nhiệt đới. Cũng có một vài nơi khí hậu mang tính nhiệt đới như khu vực phía Nam nhưng khả năng phát triển canh tác rau quả nhiệt đới cũng hạn chế. Quy mô nuôi trồng trong nhà kính vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng thực tế.

Với những đặc điểm này, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, mỗi năm, LB Nga vẫn phải nhập khẩu rau quả tươi và chế biến và đồ uống với khối lượng đáng kể.

Thực phẩm và đồ uống tại Nga chủ yếu được nhập khẩu từ các nước trong Liên minh Châu Âu, Trung Đông, Nam Mỹ và Châu Á.

Với số dân khoảng 145 triệu người, văn hóa tiêu dùng của người dân ngày càng được nâng cao, LB Nga được xem là thị trường tiềm năng, hấp dẫn và đa dạng về hàng thực phẩm và đồ uống cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Trước những năm 2009, trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga thì nhóm hàng nông, lâm sản, thủy hải sản chiếm tỷ lệ trên 50%. Tuy nhiên, đến năm 2012, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 20%. Đây là tín hiệu không tốt cho các sản phẩm xuất khẩu truyền thống của ta nhưng xét trên góc độ khác thì đã có sự tiến bộ trong cơ cấu hàng xuất khẩu (điện thoại di động và kinh kiện máy tính).

Sau 4 năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đã tăng gần 4 lần, trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy và hải sản chỉ tăng 23%, thậm chí còn có mặt hàng giảm mạnh như rau quả và gạo.

Khảo sát thị trường hàng thực phẩm và đồ uống của Nga, có thể thấy còn rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường này. Một ví dụ điển hình là thị trường cà phê. Có thể nói đây là đồ uống không thể thiếu trong sinh hoạt thường ngày của người dân Nga. Năm 2012, bình quân mỗi người Nga uống 2,02 tách cà phê/ngày. Theo đánh giá của các chuyên gia Nga thì đến năm 2014 sẽ có tới 2/3 số dân Nga dùng cà phê.

Năm 2012, Nga đã phải nhập khẩu 123 ngàn tấn cà phê các loại với trị giá 500 triệu USD, chiếm 94,75% thị phần cà phê của cả nước. Điều đáng chú ý là có tới 88,68% là cà phê rang, dưới dạng nguyên liệu. Cà phê nguyên liệu được chế biến trong nước với các thương hiệu nổi tiếng, sau đó tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu. Việc làm này đã tránh được áp lực thuế nhập khẩu.

Nga nhập khẩu cà phê chủ yếu từ 3 nước là Việt Nam, Brazil và Indonesia. Chỉ lượng cà phê nhập khẩu từ 3 nước này đã chiếm tới 75% thị phần cà phê nhập khẩu của Nga.

Bên cạnh đó, chè cũng là một mặt hàng xuất khẩu đầy tiềm năng của các doanh nghiệp Việt vào thị trường này. Theo điều tra, có tới 98% dân số Nga uống nước chè. Tuy nhiên, do điều kiện thổ nhưỡng không cho phép nên Nga phải nhập khẩu hầu như 100% chè cho tiêu dùng trong nước.

Năm 2012, Nga nhập khẩu khoảng 180 ngàn tấn chè, trị giá 622 triệu USD.

Về thực phẩm, mỗi năm, Nga phải nhập khẩu khối lượng lớn rau củ quả tươi, đông lạnh và đồ hộp chế biến, trong đó nhiều loại phải nhập khẩu đến 100%. Tuy nhiên, Việt Nam mới xuất sang Nga chủ yếu là đồ hộp chế biến, chủ yếu thuộc 3 dạng là đồ hộp, nước trái cây và trái cây sấy khô. Do đó, còn rất nhiều mảng khác mà doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác.
Do văn hóa tiêu dùng ngày càng được chú trọng, nhất là xuất phát từ yếu tố sức khỏe, người dân Nga đang chuyển dịch sang dùng cá và các sản phẩm cá trong thực đơn gia đình.

Theo đó, mỗi năm, Nga tiêu thụ khoảng 4 triệu tấn thủy hải sản, tương đương 310 tỷ USD, trong đó, nước này phải nhập khẩu khoảng trên 2 triệu tấn.

Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội

Thị trường tiềm năng nhưng đến tận đầu những năm 2000, các doanh nghiệp Việt Nam mới chính thức xuất khẩu thủy hải sản vào thị trường này với các nhóm hàng cá file đông lạnh và cá sấy khô.

Có thể thấy, Liên bang Nga là thị trường tiêm năng, đa dạng và ngày càng được cấu trúc lại theo hướng tích cực.

Bên cạnh đó, Nga đã là thành viên cùa WTO nên hàng rào thuế quan sẽ dễ chịu hơn, nhất là đối với những nhóm hàng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, để có thể khai thác được thị trường này, các doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. Trong đó, một trong những thách thức lớn là hàng rào phi quan thuế sẽ nghiêm ngặt hơn bởi vì văn hóa thưởng thức của người Nga ngày càng nâng cao.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải chi rất nhiều cho việc tiếp cận mạng lưới tiêu thụ, nhất là vào các chuỗi siêu thị lớn. Cạnh tranh manh mẽ từ các nước khác có cùng mặt hàng kinh doanh trên thị trường Nga cũng là một cản trở lớn.

Theo lời khuyên của ông Lã Văn Châu, nguyên Tùy viên Thương mại Việt Nam tại LB Nga, để có thể tiếp cận sâu và rộng vào thị trường, các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh hoạt động quảng cáo, quảng bá thương hiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng của Nga, phổ biến nhất là trên tivi, báo, tạp chí. Tuy nhiên, chi phí cho công việc này cũng không nhỏ.

Ngoài ra, việc trực tiếp tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành tại Matxcova cũng là một giải pháp hiệu quả đang được nhiều doanh nghiệp khai thác.

"Các doanh nghiệp cũng nên tìm kiếm đối tác tin cậy (các nhà nhập khẩu), tiếp cận các Trung tâm phân phối lớn và mạng lưới tiêu thụ để tăng doanh thu bán hàng của mình", ông Châu cho biết.

Ý kiến bạn đọc