Công nghiệp chế biến
Doanh nghiệp dệt may trong nước khó tìm đơn hàng mới
16/06/2016

Một báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 5 tháng đầu năm nay tăng trưởng khá, nhưng chủ yếu do sự đóng góp của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi doanh nghiệp dệt may trong nước đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới.

Theo báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 5?2016, được Bộ Công Thương công bố vào tuần trước, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt và may mặc 5 tháng đầu năm 2016 ước đạt 8,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Bộ Công Thương cho biết sự tăng trưởng này chủ yếu là do sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI trong khi các doanh nghiệp ngành dệt may nội địa đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng mới, đặc biệt là các đơn hàng sơ mi, quần, áo jacket.

Khi được hỏi về việc này, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, cho biết có tình trạng doanh nghiệp may mặc trong nước đang thiếu đơn hàng, nhưng trước mắt tình trạng này không quá nghiêm trọng.

Vào năm ngoái, doanh nghiệp trong ngành cho rằng sự kỳ vọng vào Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ khiến ngày càng nhiều khách hàng tìm đến Việt Nam đặt hàng. Tuy nhiên, bắt đầu sang năm 2016, sự sôi động của năm 2015 nhờ TPP cũng giảm xuống, tình hình đơn hàng cũng có vẻ trầm lắng lại.

Theo ông Hồng, sự trầm lắng này chủ yếu do mức tiêu thụ của các thị trường trên thế giới bị chững lại khi người tiêu dùng các nước cắt giảm chi tiêu do khó khăn kinh tế. Ngoài ra, một số đơn hàng số lượng lớn, đòi hỏi gia công đơn giản, không yêu cầu chất lượng cao, lại được khách hàng chuyển sang một số nước như Bangladesh, Campuchia, khiến lượng đơn hàng tại Việt Nam bị hụt.

Do đó, theo ông Hồng, doanh nghiệp xuất khẩu may mặc đang gặp khó do phải chịu một số áp lực như tình trạng thiếu đơn hàng, giá cả không tăng trong khi chi phí tăng. Trước tình hình khó khăn này, mục tiêu xuất khẩu 31 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016 của ngành dệt may Việt Nam cũng đã được điều chỉnh xuống mức trên 29 tỉ đô la Mỹ.

“Tình trạng này có thể kéo dài, doanh nghiệp đang chờ xem tình hình thị trường thế giới sắp tới có cải thiện hơn không”, ông Hồng cho biết.

Xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ: Trung Quốc giảm, Việt Nam tăng

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Dệt May Mỹ (Otexa) thuộc Bộ Thương mại Mỹ (DOC), trong 4 tháng đầu năm nay, Mỹ nhập khẩu hàng dệt may với tổng trị giá trên 32,9 tỉ đô la Mỹ, giảm 3,29% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 10 nước xuất khẩu nhiều nhất hàng dệt may qua Mỹ, có đến 7 nước có kim ngạch hàng dệt may vào thị trường Mỹ bị sụt giảm trong thời gian này.

Chẳng hạn, Trung Quốc - nước xuất khẩu hàng dệt may nhiều nhất vào Mỹ - đã xuất khẩu vào thị trường này hàng dệt may trị giá trên 11 tỉ đô la Mỹ trong 4 tháng đầu năm nay, giảm 5,88% (tương đương 695 triệu đô la Mỹ). Trong khi đó, Việt Nam - nước xuất khẩu hàng dệt may nhiều thứ hai sang Mỹ - có mức tăng cao nhất, đạt trên 3,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 2,82%, tăng tương đương 98 triệu đô la Mỹ.

Nguồn thesaigontimes.vn

Ý kiến bạn đọc