Công nghiệp chế biến
Nhập khẩu sắt thép 2 tháng đầu năm tăng mạnh
14/03/2016

 Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu sắt thép các loại vào Việt Nam 2 tháng đầu năm 2016 tăng mạnh tới 687% về lượng và tăng tăng 266% về trị giá so với cùng kỳ năm trước (đạt 2,84 triệu tấn, trị giá trên 1,03 tỷ USD).

Việt Nam vẫn nhập khẩu sắt thép chủ yếu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan; trong đó lượng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 62,18% tổng lượng sắt thép nhập khẩu của cả nước, trị giá 1,77 triệu tấn; nhập từ Nhật Bản 470.157 tấn, chiếm 16,55%; nhập từ Hàn Quốc 260.171 tấn, chiếm 9,16%; từ Đài Loan 215.974 tấn, chiếm 7,6%.

Điểm đáng chú ý trong nhập khẩu sắt thép 2 tháng đầu năm nay là lượng nhập khẩu từ Nga mặc dù không lớn lắm, chỉ đạt 89.819 tấn, nhưng so với cùng kỳ thì tăng tới 162 lần; bên cạnh đó, lượng sắt thép nhập khẩu cũng tăng mạnh từ một số thị trường như: Phần Lan (tăng 506,4%), Pháp (tăng 443%), Singapore (tăng 941%), NewZealnad (tăng 532%), Ba Lan (tăng 921%).  

Ngành thép trong nước tiếp tục phải đối mặt với lượng thép nhập khẩu ồ ạt từ nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc với giá rẻ. Tuy nhiên, thị trường thép trong nước vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt, sản xuất các sản phẩm thép của các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Thép Việt Nam - VSA tháng 2/2016 đạt 1.168.760 tấn, tăng 69,2% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng giảm 6% so với tháng 1. Tiêu thụ sản phẩm thép các loại tháng 2/2016 đạt 918.995 tấn, tăng hơn 70% so với cùng kỳ 2015, nhưng giảm 12% so với tháng 1/2016.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam - VSA, hiện nay giá thép trong nước đã hạ nhiệt, giảm 100.000 – 200.000 đồng/tấn chứ không còn tăng cao hoặc khan hiếm hàng như thời điểm giữa tháng 3, khi tình trạng đầu cơ gia tăng để đón đầu biện pháp áp thuế tự vệ tạm thời đối với phôi và thép nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 22-3.

Trước đó vào ngày 7-3, Bộ Công Thương ban hành quyết định áp mức thuế tự vệ tạm thời (dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung) đối với phôi thép là 23,3% và đối với thép dài là 14,2%; quyết định có hiệu lực từ ngày 22-3-2016 và được áp dụng trong thời gian 200 ngày.

Theo VSA, nhu cầu thép của Việt Nam năm 2016 không tăng đột biến so với năm 2015 do năng lực sản xuất của ngành thép Việt Nam đủ khả năng cung cấp cho thị trường, đặc biệt là thép xây dựng đang dư thừa rất nhiều.

Năng lực sản xuất phôi cả nước đạt 11 triệu tấn/năm, năng lực sản xuất thép xây dựng cũng đạt trên 11 triệu tấn/năm, trong khi những năm gần đây các nhà máy trong nước chỉ huy động khoảng 50-60% năng lực.

Ý kiến bạn đọc