Công nghiệp chế biến
Xuất khẩu các ngành hàng mũi nhọn khó đạt mục tiêu
24/10/2016
Đầu năm nay, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt khoảng 181,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2015, nhưng đến thời điểm này bức tranh xuất khẩu các ngành hàng mũi nhọn như: Dệt may, da giày, thủy sản, nông sản... đều không được như kỳ vọng.

Nếu như những năm trước, xuất khẩu dệt may thời điểm này đã gần hoàn thành chỉ tiêu đề ra, nhưng năm nay thì khác hẳn. Từ đầu năm, ngành này đã gặp không ít khó khăn: Thiếu đơn hàng, thị trường thu hẹp, sự cạnh tranh với các nước xuất khẩu dệt may khác như: Campuchia, Myanmar, Bangladesh...

Hơn thế, các cơ chế cũng không tạo điều kiện cho ngành này phát triển, như chuyện tăng lương hay Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hoá từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may... đã khiến cho ngành dệt may được cho là gặp khó khăn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Đến thời điểm này, ngành dệt may mới xuất khẩu được trên 16 tỷ USD, và điều này khiến cho mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD mà ngành này đặt ra cho năm 2016 gần như chắc chắn không đạt được.

Sang tới mặt hàng nông thủy sản, tình hình cũng không mấy sáng sủa, các lĩnh vực gạo, thủy sản, hoa quả xuất khẩu... đều tăng dưới mức đề ra. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 23,3 tỷ USD, tiếng là tăng 6% so với cùng kỳ, nhưng lại giảm về giá trị. Riêng mặt hàng gạo từ đầu năm đến này chỉ đạt 3,76 triệu tấn và 1,69 tỷ USD, giảm tới 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị. Dự báo trong các tháng cuối năm hoạt động xuất khẩu gạo tiếp tục ảm đạm do nhu cầu tiêu thụ chưa rõ nét tại các thị trường xuất khẩu tập trung.

Ở lĩnh vực thủy sản, tuy từ đầu năm đến nay giá trị xuất khẩu đạt 4,93 tỷ USD - có tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng thị trường 2 mặt hàng chủ lực là cá tra và tôm đang gặp rất nhiều bất lợi. Năm nay vấn đề thời tiết bất lợi dẫn đến thiếu hụt nguồn cung tôm nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, giá tôm nguyên liệu tăng. Trong khi đó, thị trường cá tra thiếu ổn định, giá cá tra bấp bênh khiến diện tích nuôi bị thu hẹp.

Đó là chưa kể việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra phán quyết cuối cùng áp thuế chống bán phá giá với tôm đông lạnh của Việt Nam và chương trình thanh tra cá da trơn đã khiến cho đường xuất khẩu của con tôm, con cá Việt Nam sang Mỹ chưa bao giờ khó khăn như hiện nay. Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% và con số 181,5 tỷ USD mà Bộ Công thương đề ra từ đầu năm đang dần trở lên xa vời.
Khó cán đích
Trước bức tranh xuất khẩu khá ảm đạm như vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, dù nhiều rào cản nhưng trước mắt, vẫn phải tiếp tục hỗ trợ cho các mặt hàng mũi nhọn như: Nông sản, thủy sản... xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu để đảm bảo kim ngạch. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến việc việc nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chấm dứt tình trạng xuất khẩu tôm có hàm lượng thuốc kháng sinh cao, gạo có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của nông, thủy sản Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện các mặt hàng đang có xu hướng chững lại như dệt may, da giày, túi xách cần đẩy mạnh hợp tác, kết nối và giảm tối đa các chi phí không cần thiết như chi phí vận tải, phí BOT... Các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nhập khẩu ở các nước khác. Từ đó tạo ra chuỗi giá trị và các doanh nghiệp cần tranh thủ ký hợp đồng ổn định, dài hạn.

Bởi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2016, nhưng chưa năm nào các doanh nghiệp xuất khẩu cảm thấy giai đoạn cán đích lại mất nhiều sức thậm chí là “hụt hơi” như năm nay. Và, có vẻ như mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% và con số 181,5 tỷ USD mà Bộ Công thương đề ra hồi đầu năm đang dần trở lên qua xa vời đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Do đó, nếu không sớm có sự chuyển đổi bứt phá về chất thì xuất khẩu của nước ta sẽ còn gặp nhiều khó khăn và khó đạt được mục tiêu tăng trưởng như mong muốn trong tương lai.

Do đó, doanh nghiệp cần nhanh chóng có sự “lột xác” thực sự thông qua việc đầu tư công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất... Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt, trong đó có doanh nghiệp ngành dệt may cần tiếp tục nỗ lực bứt phá về công nghệ, quản trị để tạo ra năng suất lao động tốt hơn và tăng khả năng thích ứng với những biến động về sức mua của thị trường đang có nhiều biến động như hiện nay.

Từ đầu năm đến nay, chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng của một số ngành ngành hàng như thép, rau quả... Tuy nhiên, tuy nhiên sự bứt phá này vẫn không thể bù lại cho sự sụt giảm của các ngành hàng khác. Để đạt mức tăng trưởng trên 10% thì tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước phải đạt 180 tỷ USD, nghĩa là trong gần 3 tháng cuối năm, tất cả các ngành phải cõng thêm 52 tỷ USD, bình quân mỗi tháng phải gánh thêm 17,3 tỷ USD - điều mà những tháng qua chưa tháng nào đạt được.

 Nguồn: Báo thương mại
Ý kiến bạn đọc