Công nghiệp chế biến
Xuất khẩu xi măng đối mặt thách thức
20/08/2016

 Sản lượng vượt xa sức tiêu thụ trong nước đặt ra yêu cầu đẩy mạnh xuất khẩu đối với các doanh nghiệp xi măng, nhưng điều này thực sự không hề dễ dàng.

Dù lượng tiêu thụ xi măng cả năm 2016 có thể tăng 4% so với năm trước, nhưng sản lượng vẫn vượt trội và khả năng xi măng dư thừa phải xuất khẩu lên đến 25 triệu tấn, theo dự báo của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng).

Với khoảng 60 nhà máy, tổng công suất trên 80 triệu tấn/năm, các tính toán cho thấy ngay cả sau khi xuất khẩu tăng khoảng 1 triệu tấn so với năm 2015, thì khả năng lượng xi măng không tiêu thụ hết vẫn còn 3-5 triệu tấn trong năm nay. Và thách thức vẫn còn ở phía trước.

Trong vòng 5 năm tiếp theo, công suất thiết kế ngành của xi măng Việt Nam sẽ chạm mốc gần 99 triệu tấn/năm. Dù tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng tăng, nhưng sản lượng dư thừa không vì thế mà giảm đi. Trong khi đó, các đối thủ xuất khẩu xi măng ngày càng gia tăng cạnh tranh. Đây là bài toán khó giải nhất mà chắc chắn ngành xi măng sẽ phải đối mặt trong tương lai không xa.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2016, sản lượng xi măng và clinker xuất khẩu của Việt Nam đạt 8,97 triệu tấn, đạt kim ngạch 335,13 triệu USD. Tuy nhiên do áp lực cạnh tranh nên xuất khẩu xi măng giảm cả về sản lượng, giá bán và kim ngạch (giảm 6,2% về lượng và 18,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước).


Thực tế cũng cho thấy, các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng vẫn chỉ tập trung vào một số thị trường truyền thống chứ chưa có sự đột phá mở rộng thị trường xuất khẩu. Do đó, chúng ta thường bị ép giá và chịu nhiều thua thiệt do các thương lái trung gian gây ra, dẫn tới hiệu quả xuất khẩu chưa cao. Và cũng vì thị trường quá tập trung, mà cạnh tranh đang trở nên gay gắt hơn.

Trong thời gian qua, sản lượng xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam có sự sụt giảm mạnh do phải cạnh tranh trực tiếp về giá từ các quốc gia có sản lượng lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... Theo Hiệp hội xi măng Việt Nam, hiện nay đối thủ cạnh tranh của clinker Việt Nam không chỉ có Thái Lan, mà đã thêm cả Trung Quốc.

Nếu như trước đây, clinker Thái Lan có ưu thế cạnh tranh về chất lượng và vận chuyển nhanh, thì bây giờ Trung Quốc đánh ngay vào giá. Hiện giá bán của clinker Trung Quốc vào khoảng 31-34 USD/tấn, thấp hơn giá bán của các doanh nghiệp Việt Nam từ 2-6 USD/tấn.

Giá đàm phán xuất khẩu clinker của Việt Nam trung bình ở mức 38 - 39 USD/tấn trong năm 2014, nhưng từ đầu năm 2015 đến nay, không ít đối tác của Việt Nam đã chuyển sang Trung Quốc đặt hàng, do giá clinker của Trung Quốc chỉ khoảng 31 USD/tấn. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã hạ giá, nhưng vẫn không giữ nổi khách hàng do mức chênh lệch giá quá lớn.

Chính vì vậy theo các chuyên gia, để nâng cao sự cạnh tranh với các đối thủ, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những chiến lược lâu dài. Cùng với nỗ lực tìm kiếm thị trường, các doanh nghiệp sản xuất xi măng cần có các giải pháp để tiết giảm chi phí, hạ giá thành.

Đại diện Tổng công ty xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, sẽ tập trung hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2016 ngay từ quý III/2016. Phát huy lợi thế, tổng công ty đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp, trong đó giảm chi phí nhiên liệu là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Ngoài ra, tiếp tục rà soát các chỉ tiêu, định mức tiêu hao năng lượng, xây dựng định mức mới nhằm vừa đảm bảo ổn định sản xuất, chất lượng sản phẩm, vừa tối ưu hóa hoạt động thiết bị, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Hiệp hội xi măng Việt Nam cũng khuyến nghị, để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, các doanh nghiệp cần hợp lý hóa quá trình vận chuyển để tiết kiệm thời gian, chi phí; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời, cần liên kết giữa nhà sản xuất và xuất khẩu, giữa các nhà sản xuất với nhau để có thể cung cấp hàng hóa kịp thời theo yêu cầu của khách hàng về số lượng cũng như thời gian.

Cũng theo hiệp hội, bên cạnh những nỗ lực của các doanh nghiệp thì cũng rất cần hỗ trợ từ các cơ quan quản lý trong việc tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất trực tiếp xi măng ở nước ngoài. Bên cạnh đó, là tổ chức công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ký kết các thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng với một số thị trường  tiềm năng để tăng cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp.

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

Ý kiến bạn đọc