Công nghiệp chế biến
Brexit gây khó khăn cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam
21/07/2016

Không cần phải đợi một thời gian dài, ngay trong tháng này 7/2016, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) (Brexit) đã ảnh hưởng trực tiếp và gây khó khăn cho những doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam đang xuất khẩu sang thị trường này, thậm chí có doanh nghiệp Anh đầu tư sản xuất dệt may tại Việt Nam cũng đang phải rao bán nhà máy, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) hôm 18-7.

Trong buổi gặp gỡ báo chí hôm 18-7 tại TPHCM, ông Vũ Đức Giang cho biết Brexit đang gây khó khăn, đặc biệt cho những doanh nghiệp dệt may có tỷ trọng cao (trên 50%) xuất khẩu hàng sang thị trường Anh.

Brexit không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam, có cả những doanh nghiệp Anh đầu tư tại Việt Nam hiện cũng hạn chế sản xuất và đang rao bán nhà máy, vì Brexit sẽ khiến đồng bảng Anh mất giá, và sức mua, tâm lý của người tiêu dùng tại đây cũng ảnh hưởng.

Ông Giang cho biết thêm, trước đây, hàng hoá xuất khẩu vào thị trường các nước thành viên EU đều có quy định chung về mã số thuế HS nhưng với Brexit việc này sẽ thay đổi, nên cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu vào Anh.

Ngoài ra, VITAS cũng như doanh nghiệp trong ngành cũng lường đến khả năng một số nước khác cũng có thể sẽ quyết định rời EU cũng như khả năng phải đàm phán bổ sung Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) sau Brexit. Do đó, doanh nghiệp trong ngành phải dịch chuyển thị trường, cơ cấu lại đầu tư để chuyển sang mặt hàng khác ổn định hơn.

Số liệu được VITAS cung cấp cho thấy, tại EU, Anh là thị trường nhập khẩu nhiều nhất hàng dệt may của Việt Nam, cao hơn cả thị trường Đức. Trong 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang Anh đạt trên 257 triệu đô la Mỹ, chiếm trên 21% tổng xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 400 triệu đô la Mỹ hàng dệt may vào thị trường Anh.

Ngoài gặp khó tại thị trường EU, ông Giang cho biết thêm, với thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp cũng kỳ vọng nhiều, nhưng năm nay sức mua của thị trường này không lớn. Sức mua của thị trường Hàn Quốc 6 tháng đầu năm nay cũng không bằng cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào Trung Quốc đang tăng trưởng cao, trong đó chủ yếu là sản phẩm sợi, tiếp đến là một số mặt hàng may mặc như một số sản phẩm jacket, vải và một số phụ liệu.

Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 12,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 4,72% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 41% kế hoạch xuất khẩu của cả năm.

Theo VITAS, tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may trong 6 tháng đầu năm nay chủ yếu là do sự đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi các doanh nghiệp ngành dệt may nội địa đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới, đặc biệt là các đơn hàng sơ mi, quần, áo jacket.

Việc thiếu đơn hàng trước mắt các doanh nghiệp vẫn có thể khắc phục được, nhưng từ tháng 8/2016 trở đi đơn hàng có vẻ “đuối”, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh và điều kiện sản xuất hết sức khó khăn. Tình trạng này nếu kéo dài, nhiều khả năng xuất khẩu toàn ngành năm nay chỉ đạt 29 tỉ đô la Mỹ.

Nguồn thesaigontimes.vn

Ý kiến bạn đọc