Công nghiệp chế biến
Xuất khẩu gỗ sang Anh sẽ không thay đổi sau Brexit
04/07/2016
Gỗ và các sản phẩm gỗ là một trong những mặt hàng có giao dịch lớn nhất trong nông nghiệp được xuất khẩu sang Anh. Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, xuất khẩu gỗ sang Anh sẽ chưa chịu tác động nhiều vì Brexit trong 2 năm tới.



Thực tế, thời gian nước Anh rút khỏi EU là trong vòng 2 năm. Trong vòng 2 năm này, tất cả các luật của EU vẫn được áp dụng tại Anh, và nước Anh vẫn tham gia vào EU như bình thường. Để Anh rời EU cần phải có Quốc hội nước Anh phê chuẩn, và điều này vẫn chưa diễn ra. Chỉ khi nào Quốc hội Anh phê chuẩn thì quá trình đàm phán 2 năm với EU mới chính thức được bắt đầu.

Khi Anh rút ra khỏi EU thì có hai kịch bản diễn ra. Kịch bản thứ nhất: Nước Anh sẽ độc lập hoàn toàn khỏi EU, có thể là sẽ theo mô hình của Thụy Sĩ, hoặc Canada trong mối quan hệ với EU. Với mô hình này, để được hưởng các ưu đãi bao gồm cả về mặt thuế quan về xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ với các nước trong EU, Anh sẽ phải tuân thủ các yêu cầu/quy định của EU.

Với kịch bản 2, nước Anh trở thành thành viên trong khối Kinh tế Châu Âu (Membership of European Economic Area). Với kịch bản này, mối quan hệ giữa Anh và EU giống hệt như mối quan hệ giữa Na Uy và EU hiện nay. Có nghĩa rằng Anh sẽ được hưởng toàn bộ những ưu đãi về mặt thị trường với toàn khối EU (trong thương mại và dịch vụ). Đổi lại, Anh phải tuân thủ (nội địa hóa) các chính sách của khối EU, và phải đóng góp ngân sách cho EU.

Tác động của từng kịch bản đối ngành gỗ Việt Nam sẽ khác nhau. Tuy nhiên, kết quả của đàm phán là kịch bản nào thì cho đến giờ này không ai biết.

Hiện nay, theo số liệu của Forest Trends, trong EU, Anh là thị trường lớn thứ nhất cho các sản phẩm gỗ của Việt Nam, chiếm khoảng 35-40% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU hàng năm. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang EU đạt 270 triệu đô la Mỹ, tăng nhanh từ mức 180 triệu đô la Mỹ năm 2012.

Hiển nhiên, Brexit gây mất giá đồng bảng Anh và suy thoái kinh tế, và điều này chắc chắn tác động đến ngành gỗ Việt Nam. Suy thoái kinh tế tại Anh làm giảm cầu tiêu thụ hàng hóa tại UK, bao gồm cả các sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.

Các doanh nghiệp đang xuất khẩu vào Anh hoàn toàn yên tâm là trong thời gian 2 năm tới sẽ không có bất cứ thay đổi gì có liên quan đến chính sách nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ vào Anh so với hiện nay, bao gồm cả sản phẩm gỗ của Việt Nam. Sau 2 năm đó, liệu có gì thay đổi đối với sản phẩm gỗ nhập khẩu của Việt Nam vào thị trường này hoàn toàn phụ thuộc vào các kịch bản (1 hoặc 2) của quá trình đàm phán giữa Anh và EU.

Tuy nhiên, từ giờ tới lúc đó, các doanh nghiệp cần cập nhật thông tin, và có những giải pháp ứng phó với các kịch bản thị trường khác nhau, bởi trong tương lai có thể sẽ có những thay đổi về thuế, những biến động về tỉ giá, thay đổi về thủ tục và phí hải quan, cũng như các thay đổi quy định về các tiêu chuẩn hiện được được EU áp dụng.

Cũng về vấn đề trên, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho hay, Brexit sẽ gây bất lợi cho các danh nghiệp xuất khẩu gỗ liên quan tới vấn đề tỷ giá bởi đồng bảng Anh và đồng Euro đều giảm. Do đó, giá xuất khẩu gỗ sang EU cũng sẽ bị giảm. “Giá đồ gỗ xuất sang EU sẽ mất khoảng từ 5-7% so với hiện tại”, ông Quyền dự đoán.

Hiện nay, tùy từng mặt hàng, giá gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU dao động từ 1.200 – 1.800 đô la Mỹ/container (tương đương 28-30 m3/container).

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 3,17 tỉ đô la Mỹ, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn là ba thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 68% tổng giá trị xuất khẩu. EU là thị trường lớn thứ tư của Việt Nam trong tiêu thụ các mặt hàng gỗ.

Các thị trường cho thấy mức tăng trưởng xuất khẩu là Hoa Kỳ (7,66%), Nhật Bản (1,33%) Hàn Quốc (17,7%) và Anh là gần 10%.

Nguồn thesaigontimes.vn
Ý kiến bạn đọc