Công nghiệp chế biến
Nửa đầu năm 2016, nhập khẩu bông tiếp tục suy giảm
27/07/2016
Tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2016, Việt Nam đã nhập khẩu 520,4 nghìn tấn bông các loại, trị giá 796,3 triệu USD, giảm 2,8% về lượng và giảm 6,8% về trị giá so với cùng kỳ.

Tính riêng tháng 6/2016, nhập khẩu 75,9 nghìn tấn, trị giá 116,8 triệu USD, giảm 14,1% về lượng và giảm 11,9% về trị giá so với tháng 5/2016 – đâylà tháng thứ hai giảm liên tiếp.

Nhập khẩu bông từ đầu năm đến hết tháng 6/2016
Tháng Lượng (Tấn) Trị giá (USD) So với tháng trước (%)
Lượng Trị giá
Tháng 1 93.687 144.719.217 +45,2 +44,2
Tháng 2 74.073 116.022.166 -20,9 -19,8
Tháng 3 93.149 143.563.449 +25,8 +23,7
Tháng 4 94.164 140.972.062 +1,1 -1,8
Tháng 5 88.387 132.617.878 -6,1 -5,9
Tháng 6 75.913 116.821.236 -14,1 -11,9
 

Nguồn:TCHQ

Trong số thị trường cung cấp bông cho Việt Nam, Hoa Kỳ nổi lên là thị trường chủ lực, chiếm 46% tổng lượng bông nhập khẩu, với 239,8 nghìn tấn, trị giá 374,1 triệu USD, tuy nhiên nhập khẩu từ thị trường này trong nửa đầu năm 2016 lại suy giảm cả lượng và trị giá, giảm lần lượt 10,11% và 15,31%. Sau thị trường Hoa Kỳ là thị trường Ấn Độ, với 83,2 nghìn tấn, trị giá 120,6 triệu USD, giảm 17% về lượng và giảm 19,83% về trị giá so cùng kỳ 2015.

Như vậy, hai thị trường chủ lực cung cấp bông cho Việt Nam đều suy giảm cả về lượng và trị giá , đây cũng là một trong những nguyên nhân nhập khẩu bông trong nửa đầu năm nay suy giảm.

Đáng chú ý, nhập khẩu bông từ thị trường Indonesia lại tăng trưởng mạnh vượt trội, tuy lượng bông nhập từ thị trường này chỉ đứng thứ 4 sau Hoa Kỳ, Ấn Độ, Braxin chỉ đạt 30,3 nghìn tấn, trị giá 49,8 triệu USD, nhưng lại tăng 1404,91% về lượng và tăng 2597,73% về trị giá.

Nhìn chung, nửa đầu năm nay nhập khẩu bông từ các thị trường đều với tốc độ suy giảm, số thị trường này chiếm 54,5% và ngược lại số thị trường với tốc độ tăng trưởng dương chiếm 45,4%.

Thị trường cung cấp bông các loại 6 tháng 2016 cho Việt Nam
TT Thị trường 6 tháng năm 2016 So với cùng kỳ năm 2015 (%)
Lượng (Tấn) Trị giá (USD) Lượng Trị giá
  Tổng cộng 520.482 796.341.264 -2,8 -6,8
1 Hoa Kỳ 239.823 374.182.973 -10,11 -15,31
2 Ấn Độ 83.267 120.630.608 -17,00 -19,83
3 Braxin 64.690 99.198.928 52,75 45,28
4 Indonesia 30.324 49.885.714 1.404,91 2.597,73
5 Australia 23.649 40.327.083 388,51 319,67
6 Bờ biển Ngà 23.430 34.877.985 20,77 15,47
7 Trung Quốc 1.181 2.144.151 13,12 9,42
8 Đài Loan 1.108 1.466.509 -32,93 -19,73
9 Hàn Quốc 509 1.212.357 -71,69 -33,55
10 Achentina 667 854.856 -51,21 -53,31
11 Pakistan 103 116.388 -96,13 -95,97
 

Về bông nhập khẩu, mới đây Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam vừa khuyến cáo các doanh nghiệp bông sợi trong nước đặc biệt lưu ý khi ký kết hợp đồng mua bông có xuất xứ Ghana, châu Phi, đề phòng các lô bộ bị nhiễm dịch hại diểm dịch thực vật.

Theo Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, thời gian qua Hiệp hội đã nhận được thông tin từ một số doanh nghiệp kéo sợi và đại lý kinh doanh bông về bông nhập khẩu có xuất xứ Ghana, châu Phi về Việt Nam đã bị buộc phải tái xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam bằng đường biển do bị nhiễm dịch hại kiểm dịch thực vật.

Cụ thể, các lô hàng bị nhiễm dịch hai kiểm dịch thực vật “Trogoderma Granarium”, là đối tượng kiểm dịch thực vật nhóm I của Cục Kiểm dịch Thực vật Việt Nam. Hàng thực vật bị nhiễm dịch hại này không thể được xử lý phun và hun trùng ở điều kiện thông thường, do đó toàn bộ lô hàng nhập khẩu sẽ bị buộc phải tái xuất khỏi Việt Nam nhằm tránh nguy cơ tổn thất và nguy hại về môi trường.

Để tránh tổn thất cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu bông với đối tác quốc tế chuyên cung cấp bông có xuất xứ từ Ghana, Châu Phi, lãnh đạo Hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp Hội viên đặc biệt lưu ý khi ký kết hợp đồng mua bông có xuất xứ tại quốc gia này.

Do nguồn cung bông trong nước hiện chỉ đáp ứng được 2% nhu cầu, nên 98% nhu cầu bông phục vụ kéo sợi của Việt Nam được cung ứng từ nguồn nhập khẩu.

Trong đó, nhập khẩu bông từ châu Phi trong năm 2015 lên tới 350 triệu USD trong tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 1,6 tỷ USD. Các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu bông từ 13 nước châu Phi.

Nguồn: Báo Đầu tư
Ý kiến bạn đọc