Nếu trái cây của Việt Nam không đạt chất lượng thì không thể vào được thị trường Mỹ. Song khi đã xuất khẩu thì đương nhiên phải đáp ứng tiêu chuẩn của họ. Thứ nhất là không có dịch hại, thứ hai là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đã được đặt ra.
Với việc xuất khẩu trái cây, nông sản, khi một nước đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu mặt hàng nào đó thì không phải chỉ dừng lại ở mặt hành chính. Với thị trường Mỹ thì điều đó càng đúng hơn.
Để quyết định một loại quả nào đó được phép xuất sang thị trường của họ, việc kiểm tra, nghiên cứu, đàm phán được nước này thực hiện trong nhiều năm. Quan trọng là họ khảo sát thực tế vùng trồng, khả năng cung ứng, đảm bảo tiêu chuẩn ra sao rồi mới đi đến những quyết định sau này.
Với quả chôm chôm và thanh long, vào năm 2008 những lô chôm chôm đầu tiên đã vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe để đặt chân vào thị trường này.
Ban đầu Việt Nam được phép xuất khẩu thanh long vào Mỹ chỉ ở mức 100 tấn. Mãi đến năm 2012 đạt 1.200 tấn. Đến năm 2013 con số này đã tăng lên gấp đôi. Còn quả chôm chôm, năm 2012 mới có những bước đi đầu tiên vào Mỹ.
Cùng năm đó Mỹ cũng mở cửa cho Việt Nam nhưng cũng đồng thời mở cửa cho Malaysia - đây là quê hương của chôm chôm nên họ có rất nhiều giống ngon. Trước đó 6 năm Thái Lan cũng được mở cửa đưa chôm chôm vào Mỹ. Thái Lan đã ổn định ở mức mỗi năm xuất khẩu 500 tấn chôm chôm sang thị trường Mỹ.
Thế nhưng đến năm 2012 thì Việt Nam đã bước chân vào được thị trường này với mức đều đặn mỗi năm là 300 tấn. Malaysia thì chưa xuất được tấn nào, còn Thái Lan dần dần xuất thấp hơn Việt Nam.
Sự khẳng định bằng thị phần của quả chôm chôm có thể minh chứng nếu không đảm bảo chất lượng thì sẽ không cạnh tranh được. Tức là bước chân vào thị trường đó rồi nhưng lượng xuất thắng thế hơn một nước đã từng xuất khẩu ổn định trước đó 5-6 năm thì đủ chứng minh sự cố gắng, quyết tâm là sẽ làm được.
Những quy định phải được thực hiện triệt để
Để được xem là đảm bảo chất lượng, quả ăn phải ngon là đương nhiên, song từng loại quả phải đạt tiêu chuẩn chất lượng về dịch hại và vệ sinh an toàn.
Để làm được điều đó, sẽ phải xây dựng mã số vùng trồng (PUC) theo yêu cầu của Mỹ. Theo đó từng tổ hợp sản xuất, hợp tác xã với quy mô khoảng trên 10ha trong một vùng không gian gần kề (cùng 1 ấp hoặc 1 xã) đủ để cấp 1 mã số.
Từng địa chỉ sẽ được khai báo chi tiết từ vị trí, diện tích trồng, dach sách hộ tham gia tới chọn giống, nhân giống… Tại đây từng hộ trồng cũng được cấp mã số. Tất cả các hộ sản xuất đều phải áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap cho rau quả tươi an toàn.
Quá trình trồng không được sử dụng nhóm thuốc: Iprodione, cypermethrim, dìfenoconazole, carbendazim mà phải sử dụng các nhóm khác thay thế để canh tác và tuyệt đối tuân thủ thời gian cách ly tính đến ngày thu hoạch.
Trên cơ sở này, Cục Bảo vệ thực vật mới cấp mã số PUC và khi đạt phía Mỹ mới cấp tiếp mã số IRAD cho từng mã số PUC mà Cục BVTV đã lên danh sách.
Trong giai đoạn thu hoạch, đặc biệt là vải và nhãn từ phía Bắc có thể sơ chế tại chỗ nhưng không được dùng bất kỳ 1 dạng hóa chất xử lý nào để giữ cho quả trắng, tươi lâu. Sau đó chở xe lạnh vào chờ xử lý, chiếu xạ và đóng gói tại TP HCM.
Hiện nay chỉ có 14 cơ sở đóng gói và 2 nhà máy chiếu xạ ở phía Nam đã được phía Mỹ công nhận. Miền Bắc chưa có.
Từ kinh nghiệm của quả thanh long và chôm chôm, với nhãn và vải thời gian đầu chỉ cần 10 mã số cho mỗi loại quả (khoảng 100ha) là đủ điều kiện để triển khai xuất khẩu. Ban đầu không nên vội nhân rộng mà phải chú ý đảm bảo chất lượng.
Bài học từ lúa gạo
Xuất khẩu gạo bao nhiêu năm nhưng Việt Nam không xây dựng được thương hiệu đối với khách hàng phải được nhìn nhận và thay đổi.
Với trái cây khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính cũng có những cái phải rút kinh nghiệm. Doanh nghiệp nên có sự đồng lòng, không phá giá lẫn nhau.
Hy vọng với chiều hướng phát triển sắp tới, để hướng đi cho nông sản Việt được mở rộng và bền vững thì các doanh nghiệp phải ngồi chung lại với nhau để việc kinh doanh thu được hiệu quả cao nhất.