Nông, lâm thủy sản
Thị trường xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam
23/09/2014

Việt Nam hiện chiếm 30% sản lượng hồ tiêu sản xuất của thế giới và chiếm 50% lượng hồ tiêu xuất khẩu trên thị trường, do đó, Việt Nam ảnh hưởng được giá bán mặt hàng này, mặt hàng hồ tiêu hiện đang ở mức giá cao, có lợi cho người trồng hồ tiêu.

Theo Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 8/2014, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 132,7 nghìn tấn hạt tiêu, đạt giá trị 989,8 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, hạt tiêu xuất khẩu 8 tháng qua đã vượt tới 31% về lượng và 47,8% về giá trị. So với cả năm 2013, lượng và giá trị hạt tiêu xuất khẩu trong năm nay cũng đã cao hơn (năm 2013 xuất khẩu được 132,6 nghìn tấn hạt tiêu, trị giá 889 triệu USD).

Như vậy, để lần đầu tiên chạm mốc xuất khẩu 1 tỷ USD, chỉ còn hơn 10 triệu USD nữa là ngành hồ tiêu hoàn thành mục tiêu. Con số này hoàn toàn có thể đạt được ngay trong tháng 9 này.

Nhìn lại tháng 7 và tháng 8 vừa qua cho thấy tháng nào cũng đạt kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu ở mức trên 80 triệu USD, thì dù cho đến thời điểm này, lượng hạt tiêu chưa xuất khẩu chỉ còn rất ít, nhưng giá trị xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 9/2014 vẫn có thể đạt ở mức vài chục triệu USD.

Hoa Kỳ, Đức, UAE, Hà Lan, Ấn Độ là những nhà nhập khẩu chính của Việt Nam. Tháng 8/2014 lượng hồ tiêu xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 2,2 nghìn tấn với kim ngạch 21,6 triệu USD. Tính chung 8 tháng 2014 lượng hồ tiêu xuất khẩu sang thị trường này đạt 26,86 nghìn tấn với trị giá 207,4 triệu USD, tăng 28% về lượng và 41% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2014 sang Hoa Kỳ đạt 7.723 USD/tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2013. Tại thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ hai vào thị trường này sau Indonesia.

 


Tại thị trường EU, hồ tiêu chủ yếu được nhập vào Hà Lan và Đức sau đó được phân phối tiếp sang các thị trường khác. Việt Nam đã vượt xa Brazil, Indonesia, Ấn Độ để là nhà cung cấp số 1 tại thị trường này. 


Như vậy, lần đầu tiên hạt tiêu được đứng vào CLB những mặt hàng có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Đấy chỉ tính ở xuất khẩu chính ngạch. Còn xuất khẩu tiểu ngạch? qua biên giới phía Bắc không thể biết được con số cụ thể là bao nhiêu, mà chỉ biết thời điểm đi nhiều, đi ít.

Trước khi có căng thẳng trên Biển Đông, hạt tiêu Việt Nam đi đường tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc khá nhiều. Nhưng sau đó, lượng hạt tiêu xuất qua bên kia biên giới giảm hẳn. Theo ước tính trong năm nay, có khoảng 15-20 nghìn tấn hạt tiêu được xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Nhờ giá hạt tiêu xuất khẩu tiếp tục tăng cao, nên giá hạt tiêu trong nước trong tháng 9 này cũng đã tăng và đứng ở mức kỷ lục trên dưới 200.000 đ/kg, cao hơn khá nhiều so với mức giá kỷ lục trong năm ngoái là 160.000 đ/kg (giá hồi tháng 9/2013). Đó là giá tiêu bán xô. Còn với những loại tiêu đạt chất lượng tốt, giá tới trên 200.000 đ/kg.

Với giá này, những hộ nông dân nào có khả năng trữ tiêu cho tới thời điểm này, đang lời to. Ngay cả những hộ không có điều kiện trữ tiêu để chờ khi giá thật cao mới bán, mà đã phải bán đi từ trước đó, thậm chí bán ngay sau khi thu hoạch, thì cũng kiếm được khoản lợi nhuận không nhỏ vì giá tiêu năm nay liên tục ở mức cao.

Việc ngành hàng hồ tiêu Việt Nam hiện nay không bị thao túng, ép giá bởi các nhà đầu cơ như ở một số ngành hàng khác, cũng đã và đang giúp cho giá hạt tiêu do nông dân bán ra luôn ở mức rất có lợi. Dẫu vậy, người trồng tiêu cũng đang phải đối mặt với một nỗi lo lắng lớn, đó là căn bệnh chết nhanh, chết chậm đang hoành hành ở nhiều vùng trồng tiêu trọng điểm, nhất là trên khu vực Tây Nguyên – là nơi mà nông dân vẫn đang lạm dụng khá nhiều phân bón hóa học trong các vườn tiêu.

Ý kiến bạn đọc