Nông, lâm thủy sản
Tìm cách giữ thị trường cho gạo Việt
13/11/2016
Theo Bộ NN & PTNT, lượng gạo xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2016 ước đạt 4,2 triệu tấn với kim ngạch 1,9 tỷ USD, giảm 21,2% khối lượng và giảm 16,9% giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Điều này cho thấy ngành hàng gạo Việt Nam không phải chỉ lo xây dựng thương hiệu mà cần phải nhanh chóng vừa giữ thị trường đã có vừa phải tìm thị trường mới.



Từ câu chuyện xuất khẩu sang Mỹ…

Dẫn thông tin cảnh báo từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết chỉ tính trong 4 tháng đầu năm nay, đã có 95 container (tương đương hơn 1.700 tấn) gạo xuất khẩu bị trả về, chủ yếu là gạo thơm jasmine, gạo tấm jasmine, gạo lứt và gạo trắng chất lượng cao.

Qua kiểm tra của FDA, trong gạo Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, có 8 hoạt chất vượt giới hạn cho phép. Tuy nhiên cả 8 hoạt chất đều có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.

Theo chuyên gia về lúa gạo GS. Võ Tòng Xuân, nguyên nhân sâu xa là do việc sản xuất lúa gạo của Việt Nam không bảo đảm an toàn thực phẩm. Thông thường, nông dân trồng lúa với nhiều chủng loại khác nhau theo lối tự phát. Trong quá trình gieo trồng, nông dân thường lạm dụng phân bón khiến cho sâu bệnh nhiều. Sâu bệnh nhiều thì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lại tràn lan làm cho chất lượng lúa gạo càng khó kiểm soát.

“Khi thu hoạch xong, lúa được thương lái thu mua. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại thu gom từ thương lái. Điều này dẫn tới tình trạng gạo xuất khẩu không chỉ bị lẫn lộn chủng loại mà còn đặt ra nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm”, GS. Võ Tòng Xuân lý giải.

Trên thực tế, theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), thống kê của hệ thống kiểm dịch thực vật trên toàn quốc cho thấy, vừa qua có 29 lô gạo xuất khẩu bị Hoa Kỳ trả về. Hầu hết số gạo bị trả về vi phạm quy cách đóng gói hoặc doanh nghiệp vi phạm hợp đồng đã ký kết. Chỉ có 6/29 lô hàng bị trả về do chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là gạo xuất khẩu sang Hoa Kỳ không bảo đảm an toàn thực phẩm. Bởi ở Hoa Kỳ, có một số hoạt chất bảo vệ thực vật chưa được xây dựng quy định về mức tồn dư tối đa cho phép là bao nhiêu nên chỉ cần phát hiện hàng nhập khẩu có tồn dư dù ít hay nhiều là họ trả lại.

Để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam và đoàn công tác đã sang Hoa Kỳ làm việc và thu được những kết quả tích cực.

Cụ thể, phía Hoa Kỳ đồng ý giúp Việt Nam xây dựng quy định về lượng tồn dư tối đa của một số hoạt chất bảo vệ thực vật chính trên gạo (hiện Cục Bảo vệ thực vật đang phối hợp với một số cơ quan của Hoa Kỳ triển khai). Với một số hoạt chất được phép sử dụng tại Việt Nam mà không có trong quy định của Hoa Kỳ, Cục Bảo vệ thực vật sẽ hướng dẫn để người dân hạn chế tối đa, thậm chí không sử dụng nữa, tránh tái diễn tình trạng hàng xuất khẩu bị trả về.

Ông Trung cũng khuyến cáo, với thị trường Hoa Kỳ nói riêng và với thị trường xuất khẩu gạo nói chung, trước khi xuất khẩu, các doanh nghiệp nên đem mẫu tới các phòng kiểm nghiệm, kiểm định đủ năng lực để kiểm tra xem còn hoạt chất bảo vệ thực vật nào tồn dư trong gạo với mức độ bao nhiêu, có được thị trường xuất khẩu chấp nhận không.

Về việc nâng cao chất lượng

Hiện nay, nhiều thông tin cho rằng Việt Nam xuất khẩu gạo thường lọt TOP đầu về số lượng, song chủ yếu là xuất khẩu sang các thị trường gạo cấp thấp với giá trị không cao và không cạnh tranh được với gạo Thái Lan, Campuchia...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), gạo Thái Lan và Campuchia cũng xuất khẩu theo từng phân khúc, gồm cả cao cấp và bình dân. Điển hình nhất là việc mới đây hai thị trường này cùng tham gia đấu thầu gạo xuất khẩu sang Philippines. Trong khi đó, Việt Nam cũng có phân khúc thị trường riêng, không “chung sân” với các nước láng giềng nên không thể nói là “gạo Việt không cạnh tranh được”.

Thực tế, việc nâng tầm cho hạt gạo Việt, tìm cách tiến sâu hơn vào các thị trường gạo cao cấp đã được Chính phủ phê duyệt bằng chương trình xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam.

Hiện tại, các kế hoạch, nội dung xây dựng thương hiệu đang được thúc đẩy triển khai. Về vấn đề nghiên cứu, Bộ KH&CN cùng Cục Trồng trọt cũng đã xây dựng chương trình sản phẩm quốc gia, trong đó tập trung chọn tạo phát triển giống lúa có chất lượng cao (như lúa thơm, lúa jasmine) phục vụ thị trường cao cấp. Trong chương trình, đặc biệt phải kể tới việc thực hiện gói kỹ thuật canh tác nhằm tạo ra lúa gạo đạt chất lượng cao, đồng thời giảm chi phí, cạnh tranh được với gạo của nhiều nước xuất khẩu khác. Trong tương lai, mục tiêu đặt ra là Việt Nam có thể xuất khẩu gạo với mức giá 600-700 USD/tấn. Ngoài ra, Đề án phát triển ngành hàng lúa gạo do Cục Trồng trọt xây dựng đã được Chính phủ phê duyệt.

Với các động thái tổng thể nêu trên, hoàn toàn có thể hy vọng trong tương lai, ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững hơn, nhất là xuất khẩu gạo tiến sâu hơn vào thị trường cao cấp.

Về việc giữ thị trường, trước mắt, theo GS. Võ Tòng Xuân, biện pháp hữu hiệu là khi phát hiện bất kỳ lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp nào bị trả về thì phải có chế tài xử lý nặng. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình chứ không thể đổ lỗi cho nông dân.

Cùng với đó, về lâu dài, Nhà nước cũng cần có những chính sách phù hợp và kịp thời khuyến cáo để doanh nghiệp nâng cao ý thức, đầu tư đúng mức cho việc sản xuất lúa gạo bảo đảm chất lượng ở tất cả các khâu như giống, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… nhằm tạo ra sản phẩm tốt nhất.

 
Theo: cafef.vn 
Ý kiến bạn đọc