Nông, lâm thủy sản
Tình hình sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản của một số tỉnh/thành phố
08/12/2014

 

Cần Thơ

Theo Sở Công Thương Cần Thơ, địa phương này vừa xuất khẩu trên 11.000 tấn thủy sản cao cấp, chủ yếu là tôm sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Australia, Singapore, Hoa Kỳ.

Như vậy, tổng lượng thủy sản cao cấp Cần Thơ đã xuất khẩu sang các thị trường nói trên từ đầu năm đến nay được 55.000 tấn, chiếm 35% tổng sản lượng đã xuất, nhiều gần gấp đôi so với năm ngoái, góp phần nâng tổng kim ngạch thủy sản đạt gần 500 triệu USD, chiếm 51% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Cần Thơ.

Để đạt được kết quả trên là nhờ thành phố tăng cường quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu đối với nhiều sản phẩm, hạn chế quan hệ với đối tác trung gian mà giao dịch trực tiếp với khách hàng, với người tiêu dùng nước ngoài và tăng quy mô sản xuất để giảm thêm chi phí và đáp ứng đơn đặt hàng của khách hàng nước ngoài.

Cần Thơ cũng hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thủy sản, đào tạo nhân lực, nâng cao khả năng giao tiếp trong quan hệ ngoại thương; làm cầu nối giới thiệu các tổ chức, các nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp địa phương và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng với việc giúp các doanh nghiệp nghiên cứu, định hướng chiến lược sản xuất kinh doanh, mở rộng quan hệ ngoại thương tại nhiều nước, lãnh thổ như Đan Mạch, Thụy Điển, Mỹ, Anh, Australia, Bỉ, Hong Kong, Singapore, Indonesia, thành phố Cần Thơ cho các doanh nghiệp vay thêm trên 8.000 tỷ đồng mua nguyên liệu chế biến mặt hàng mới, tiêu thụ sản phẩm nhanh tại thị trường nội địa đồng thời mở rộng thị trường tại các nước có rào cản kỹ thuật khắt khe như Nhật, EU, Mỹ, Singapore, Australia.

Trong hai tháng cuối năm 2014, thành phố tập trung giảm chế biến thủy sản thô để đa dạng hóa và tăng tỷ trọng sản phẩm cao cấp; quản lý chất lượng và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt hơn; tập trung chế biến tôm, đặc biệt là tôm sú, các loại cá ướp đông philê và nguyên con, sản phẩm nhuyễn thể đóng gói nhỏ ăn liền, nấu liền… là những mặt hàng tiêu thụ mạnh trên thị trường quốc tế.

Để có đủ nguyên liệu, thành phố liên kết với các tỉnh mua thêm tôm sú, cá tra phục vụ chế biến; tạo điều kiện cho các đơn vị liên doanh, liên kết với nhau trong sản xuất và xuất khẩu, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ trong sản xuất, nhất là công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm theo kỹ thuật cao nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng thủy sản, đáp ứng đơn đặt hàng của khách hàng tại châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu, châu Đại Dương, góp phần đưa giá trị xuất khẩu thủy sản cả năm đạt trên 600 triệu USD.

 

Đồng Tháp

Theo số liệu báo cáo của Cục Thống kê, tháng 10/2014 lượng cá tra xuất khẩu của tỉnh ước đạt 21.983 tấn, tăng 2,48% so tháng trước và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2013; kim ngạch xuất khẩu đạt 56,13 triệu USD, tăng 1,9% so tháng trước và tăng 14,6% so với cùng kỳ.

Đầu năm đến nay, các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong Tỉnh đã xuất khẩu ước đạt 176.136 tấn, kim ngạch ước đạt 451 triệu USD, về lượng tăng 14,8%, về giá trị tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Lượng tiêu thụ trong tháng tăng nhẹ so với tháng trước, do các thị trường truyền thống vẫn tiêu thụ ổn định, vì vậy doanh nghiệp có nhiều hợp đồng xuất khẩu.

Do nguồn cung thấp, trong khi nhu cầu nhập khẩu tăng từ nay đến cuối năm để chuẩn bị trữ hàng phục vụ dịp Noel và đón năm mới 2015 nên giá cá tra nguyên liệu có tăng nhẹ so với tháng trước. Hiện tại dao động từ 24.000-24.500 đồng/kg đối với cá tra đủ chuẩn xuất khẩu (tăng từ 500-1.000 đồng/kg so với tháng trước).

Về thị trường xuất khẩu, 10 tháng năm 2014 phát sinh thêm 4 thị trường mới, nâng tổng số thị trường xuất khẩu thủy sản đến nay trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cơ cấu thị trường xuất khẩu thủy sản gồm: Châu Á chiếm 25,57%, Châu Âu chiếm 23,65%, Châu Mỹ chiếm 42,54%, các châu lục khác chiếm 8,24%.

 

Cà Mau

2014 là năm thứ hai tỉnh Cà Mau đạt kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng 1 tỷ USD; trong đó, có vai trò chủ chốt của mặt hàng tôm.

Thống kê của Tổng Cục Hải quan cho thấy, 10 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Cà Mau đạt 1,18 tỷ USD vượt kế hoạch 0,19%, tăng 34% so cùng kỳ năm trước, dự kiến cả năm đạt khoảng 1,3 tỷ USD, đứng thứ 16/63 cả nước về xuất khẩu; nhập khẩu đạt gần 127 triệu USD, đứng thứ 41. Với kết quả này, tỉnh Cà Mau thặng dư thương mại 10 tháng đầu năm 2014 đạt hơn 1,05 tỷ USD, xếp thứ 4 cả nước (sau Bình Dương, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh). Đây là vị thếtỉnh Cà Mau liên tục đạt trong nhiều tháng qua, kể từ nửa cuối năm 2013.

Xuất khẩu thủy sản chiếm 97% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Cà Mau. Trong khi, địa phương nhập khẩu chủ yếu nguyên liệu thủy sản để chế biến xuất khẩu và nhập máy móc, thiết bị, phụ liệu dùng trong chế biến.

Để đạt được thành tích trên trước hết thuộc về các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thủy sản, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu tôm.Toàn tỉnh hiện có 32 công ty và gần 38 xí nghiệp trực thuộc, với tổng công suất thiết kế hơn 190.000 tấn/năm. Năm 2014, tất cả các doanh nghiệp đã triển khai đồng bộ giải pháp tái cơ cấu sản xuất kinh doanh theo hướng sắp xếp lại hoạt động; xử lý hàng tồn kho; tăng cường khả năng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Nếu năm 2013, trong 33 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu chỉ 5 doanh nghiệp có lãi thì năm 2014 đã 18 doanh nghiệp có lãi; điển hình như Công ty Minh Phú dự kiến năm 2014 đạt giá trị xuất khẩu 500 triệu USD.

Thành tích về kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản còn do nông ngư dân đã cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hàng xuất khẩu với số lượng hơn 100.000 tấn sản phẩm. Mặc dù còn gần 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang gặp khó khăn nhưng những gì đạt được cho thấy thời kỳ khó khăn nhất của doanh nghiệp đang dần qua.

Rào cản xuất khẩu thuỷ sản ngày càng nghiệt ngã. 10 tháng 2014 cả tỉnh có đến 1.146 tấn hàng bị trả về do dư lượng kháng sinh vượt mức quy định. Bộ Thương mại Mỹ công bố giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam. Tỉnh Cà Mau có 8 doanh nghiệp tôm bị áp thuế 4,98% đến 6,37%, tác động bất lợi đến xuất khẩu tôm vào Hoa Kỳ, dẫn đến giá tôm sú nguyên liệu trong tỉnh giảm 3 - 5%, tôm thẻ chân trắng giảm 12 - 14% so thời điểm trước khi phía Hoa Kỳ áp thuế. Ngoài ra, với sự kiện trên, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Cà Mau phải truy nộp thuế chống bán phá giá từ 1/2/2012 đến 31/1/2013 với tổng số tiền 12,3 triệu USD.

Bên cạnh đó, sản phẩm giá trị gia tăng trong các mặt hàng tôm chưa cao. Với khoảng khoảng 61.000 tấn sản phẩm thủy sản mỗi năm xuất khẩu qua dây chuyền công nghệ hiện đại, mang về giá trị kinh tế cao, còn lại hơn 92.000 tấn xuất thô. Phần lớn các xí nghiệp sau khi mua nguyên liệu, tiến hành sơ chế thủ công rồi cung cấp cho các công ty lớn khác ở trong và ngoài tỉnh. Lượng sản phẩm thô xuất đi hằng năm còn quá lớn, đang thể hiện sự hoang phí so với ưu thế vốn có. 

UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ban ngành phối hợp thực hiện các biện pháp hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá tôm. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại tỉnh Cà Mau, làm việc với các ngân hàng thương mại, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh theo quy định.

Ý kiến bạn đọc