Nông, lâm thủy sản
Việt Nam tham vọng thành cường quốc về tôm
17/08/2016

Chúng ta có đủ khát vọng để nâng tầm lên trở thành cường quốc sản xuất về tôm, chứ không cam chịu phận… nhược tiểu mãi được.

Đó là chia sẻ của ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Việt-Úc, một trong những cơ sở sản xuất tôm giống hàng đầu trong nước hiện nay tại hội nghị quản lý tôm giống nước lợ do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 15/8.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, để nâng tầm được tôm Việt thì thứ nhất nâng cao giá trị gia tăng, làm sao đảm bảo giá trị tăng liên tục, mà muốn làm như vậy chúng ta phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực cho ngành tôm. “Trên thực tế, ngành tôm nước ta hiện không thua kém nhiều so với 2 cường quốc về tôm là Indonesia và Ấn Độ, nên tôi tin Việt Nam đủ khả năng vươn lên bằng, thậm chí vượt hai nước này về sản xuất tôm, trở thành công xưởng sản xuất tôm cho cả thế giới”.

Đánh giá về khả năng phát triển của con tôm Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, trong định hướng tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay, thủy sản được xác định là ưu tiên hàng đầu, bởi còn rất nhiều dư địa để phát triển, trong đó con tôm sẽ là ưu tiên số 1.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Con tôm là con đầu tiên có một thị trường tới cả 7 tỷ người trên thế giới, bởi khác với các con khác, rất ít người kiêng ăn tôm. Đó là một thị trường dự báo rất mở rộng. Đặc biệt, trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, chúng ta còn có cơ hội biến thách thức thành lợi thế, bởi thủy sản của Việt Nam, nhất là đồng bằng sông Cửu Long khi nước biển dâng, khi hạn mặn thì chúng ta sẽ chuyển một bộ phận từ lúa sang thủy sản và trong thủy sản có “con 7 tỷ người ăn”, đó là con tôm”.

Dự kiến, năm 2016 tiếp tục là năm thắng lợi của ngành tôm Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu vượt 3 tỷ USD, lớn hơn gạo.

Việc phát triển ngành tôm Việt Nam phù hợp với xu hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó quan trọng nhất là giảm diện tích trồng lúa, giảm sản lượng gạo như nhiều chuyên gia nông nghiệp đã chỉ ra trước đây. Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, người phụ trách ngành nông nghiệp Việt Nam trong suốt những năm Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành cường quốc thế giới về xuất khẩu gạo, từng kiến nghị giảm 2 triệu ha đất lúa.

Bộ NN& PTNT đã phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2014-2020 trong đó mục tiêu năm 2014-2015 chuyển đổi khoảng 260.000 héc ta diện tích gieo trồng lúa sang cây trồng khác và kết hợp với nuôi trồng thủy sản.

Vào tháng 4/2016, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia, trong đó quyết định điều chỉnh giảm diện tích đất trồng lúa từ 3,81 triệu ha xuống còn 3,76 triệu ha (giảm 52.040 ha), trong đó đất chuyên trồng lúa nước giảm 92.950 ha. Trong số 3,76 triệu ha đất trồng lúa được giữ lại, có khoảng 400.000ha được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa.

Trở lại với tham vọng trở thành cường quốc về tôm, dù lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan luôn khẳng định có nhiều thị trường tiềm năng sắp mở ra khi các hiệp định thương mại song phương và đa phương có hiệu lực nhưng các chuyên gia trong ngành thủy sản cho rằng, vấn đề bất cập nhất hiện nay ảnh hưởng đến thị trường hoạt động xuất khẩu tôm chính là chất lượng không đáp ứng thị trường.

Tình trạng tôm bẩn đang trở thành “con sâu làm rầu nồi canh”. Giới kinh doanh cho rằng, nhiễm khuẩn là do nước đá, dụng cụ phục vụ cho hoạt động sản xuất không đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, “tôm bẩn” tồn tại vì cá nhân, doanh nghiệp tham lợi nhuận tự ý bơm tạp chất.

“Muốn giải quyết vấn nạn này rất cần sự phối kết hợp của lực lượng quản lý thị trường cùng các bộ phận, đơn vị quản lý khác kiểm tra tận gốc và dẹp bỏ sớm”, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) kiến nghị.

Song song với giải pháp ngăn chặn tình trạng “tôm bẩn”, Vasep yêu cầu sớm xây dựng chương trình tôm sạch. Bởi vì đây là chương trình thiết thực, cấp bách nếu Việt Nam chứng minh được tôm sạch chắc chắn nhu cầu thị trường khó tính cũng như thị trường truyền thống sẽ tăng trưởng nhanh.

Nguồn Báo đất việt

Ý kiến bạn đọc