Rào cản thương mại
Để thủy sản xuất khẩu thoát nỗi lo “cảnh báo”
24/10/2016
 Đẩy mạnh khâu tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong nuôi trồng thủy sản, xử nghiêm việc buôn bán, lạm dụng kháng sinh, hóa chất hay kiểm soát chặt chẽ hơn nữa tới từng lô hàng… là một số giải pháp được các chuyên gia đánh giá khả thi nhằm nâng cao chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu, tiến tới giảm nguy cơ sản phẩm bị thị trường nhập khẩu cảnh báo, trả hàng.

Để thủy sản xuất khẩu thoát nỗi lo “cảnh báo

Dự kiến xuất khẩu thủy sản cả năm nay sẽ đạt trên 7 tỷ USD

Đừng quá hoang mang

Thời gian qua, tình trạng thủy sản xuất khẩu bị nhiều thị trường cảnh báo còn chứa hóa chất, kháng sinh không hề xa lạ, đặc biệt là từ thị trường EU. Cuối tháng 5, Ủy ban châu Âu đã có công thư cảnh báo Việt Nam chưa thực sự khắc phục được vấn nạn sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng và chế biến thủy sản. Mới đây nhất, thủy sản xuất khẩu sang thị trường quan trọng này lại đón thêm sóng gió khi từ tháng 1 đến tháng 9, đã có 11 lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo dư lượng kim loại nặng (thủy ngân, Cadmium) vượt mức giới hạn tối đa cho phép, tăng gấp 2,2 lần so với cả năm 2015.

Nhiều quan điểm cho rằng, việc EU nói riêng và nhiều thị trường khác nói chung có cảnh báo liên quan tới chất lượng hàng xuất khẩu đang đặt thủy sản Việt đang trước mối nguy lớn, thậm chí có thể đánh mất thị trường. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) lại có cái nhìn lạc quan hơn. Ông Hòe cho rằng, việc sản phẩm thủy sản xuất khẩu bị cảnh báo, cụ thể như trường hợp mới đây từ EU không cần quá hoang mang, quan trọng là xem xét mức độ vi phạm thực tế như thế nào. Việc EU cảnh báo dư lượng kim loại nặng trong các lô hàng xuất khẩu hầu như chỉ tập trung vào một số mặt hàng đặc thù nhất định với số lượng thấp. Điều này không thể phản ánh hầu hết thủy sản Việt Nam xuất khẩu đều có nguy cơ bị cảnh báo.

Theo ông Hòe, hiện nay, các DN xuất khẩu thủy sản vào EU được kiểm soát khá kỹ. Các lô hàng cũng phải có chứng thư đạt tiêu chuẩn mới được xuất khẩu. Hàng hóa xuất khẩu được kiểm tra xác xuất. Đây là nguyên tắc chung phải tuân thủ. Do vậy, có trường hợp hàng trước khi xuất khẩu được kiểm tra hoàn toàn đạt yêu cầu của thị trường NK nhưng khi xuất đi vẫn bị thị trường kiểm tra lại, phát hiện nguy cơ và cảnh báo. Khi đó, DN đã cố gắng để áp dụng đầy đủ các biện pháp kiểm soát rủi ro mà hàng xuất khẩu đi vẫn bị cảnh báo thì cũng phải xem xét lại. Nếu riêng mặt hàng nào đó rủi ro quá lớn, có thể tính tới phương án hạn chế, thậm chí không xuất khẩu mặt hàng đó nữa.

“Đương nhiên, ở một góc độ khác phải khẳng định, không chỉ đối với riêng thị trường EU mà những thị trường khác, để giảm thiểu tình trạng bị cảnh báo, quá trình kiểm soát an toàn thực phẩm phải được làm rốt ráo, mạnh mẽ hơn. Liên quan tới chất lượng có rất nhiều yếu tố, cần đi sâu phân tích cụ thể tới từng nhóm hàng, từng thị trường xuất khẩu riêng lẻ để đưa ra các giải pháp ứng phó kịp thời, bởi khó có một chương trình nào bao phủ được hết”, ông Hòe nói.

Xử nghiêm vi phạm

Thực tế, mỗi lần hàng thủy sản xuất khẩu bị cảnh báo nhiễm hóa chất, kháng sinh hay mới đây là dư lượng kim loại nặng, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT luôn kịp thời gửi thông báo tới các DN, yêu cầu DN chế biến thủy sản xuất khẩu rà soát chương trình quản lý chất lượng, thiết lập, thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát mối nguy, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy hải sản nhập về nhà máy để chế biến…

Tuy nhiên, việc thông báo sau khi “sự đã rồi” thực ra chỉ góp phần giải quyết “phần ngọn” của vấn đề. Để tháo gỡ từ gốc, một số chuyên gia cho rằng, trước tiên Chính phủ và Bộ NN&PTNT cần có những chương trình cụ thể hướng tới nâng cao nhận thức cho mọi đối tượng trong chuỗi giá trị thủy sản như người nuôi, thương lái, cơ sở chế biến… về sản phẩm sạch không kháng sinh, hóa chất, tránh tình trạng vì lợi ích trước mắt mà lâu dài hủy hoại uy tín cả ngành thủy sản. Quá trình tuyên truyền, phổ biến cũng để người dân trực tiếp nuôi trồng nhận diện rõ được các loại hóa chất, kháng sinh phù hợp, đạt hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn, chứ không lạm dụng như hiện tại.

Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về lưu thông, phân phối, sử dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh thủy sản; đồng thời tiến hành nghiên cứu đề xuất ban hành bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ tổ chức lại sản xuất, kết nối sản xuất với chế biến, phân phối, phát triển và nhân rộng các chuỗi cung cấp thủy sản an toàn.

Nhìn từ góc độ của ngành tôm nói riêng và thủy sản nói chung, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho hay: Hiện nay, các hộ dân chủ yếu nuôi trồng tôm theo diện quảng canh nên DN muốn kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào nguyên liệu không phải điều đơn giản. Về lâu dài, muốn để ngành tôm nói riêng, ngành thủy sản nói chung phát triển một cách bài bản, bền vững, Chính phủ cũng như Bộ NN&PTNT phải quy hoạch rõ ràng vùng nuôi trồng tập trung trên cả nước. Ví dụ, đối với ngành tôm có thể đưa ra quy hoạch cả nước có khoảng 2-5 khu nuôi tôm tập trung với diện tích 1.000-1.500ha/khu. Các khu này sẽ được tạo nhiều cơ chế ưu đãi về tiếp cận nguồn vốn, mức thuế… cũng như được trang bị đầy đủ nguồn nước sạch, hệ thống đường giao thông thuận tiện, tạo điều kiện cho việc nuôi trồng, chuyên chở sản phẩm… Chỉ khi triển khai được những khu nuôi trồng với quy mô như vậy, khâu kiểm soát từ nuôi trồng, chế biến tới xuất khẩu mới đảm bảo, không chỉ giúp yên tâm về chất lượng mà còn góp phần hạ giá thành, đảm bảo tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Nguồn: Theo Báo Hải quan
Ý kiến bạn đọc