Rào cản thương mại
Doanh nghiệp sẽ gặp sức ép lớn
30/09/2015
Tại hội thảo “ Bức tranh kinh tế Việt Nam dành cho DN trong và sau 2015” do Viện Nghiên cứu phát triển, Trung tâm WTO TP.HCM tổ chức ngày 29-3 tại TP.HCM, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng trong năm 2015 và các năm sắp tới, điều kiện cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt và môi trường kinh doanh ngày càng trở nên bất định. Sự bất định không chỉ đến từ các xung đột chính trị bất ngờ, khó lường trước mà còn đến biến động các hàng hóa thiết yếu như năng lượng, nguyên liệu… Trong khi năng lực nội tại không thể nâng cao trong một sớm một chiều và việc xây dựng, thực hiện chiến lược tái cấu trúc DN không hề dễ dàng. Do vậy, việc tìm kiếm mô hình phát triển hợp lý trong giai đoạn đầy biến động này sẽ là vấn đề nan giải với nhiều DN.
 
Theo ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO TP. HCM, DN nội hiện chỉ khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều đáng lo ngại là DN Việt đang thu hẹp và co cụm dần. Thời khắc hội nhập đã tới rất gần nếu thiếu sự chuẩn bị thì nguy cơ DN Việt bị hất tung ra khỏi sân chơi là không tránh khỏi.
 
Chia sẻ kinh nghiệm vươn lên ngoạn mục của Singapore, GS. John Vong, cố vấn cao cấp cho Ngân hàng Thế giới cho rằng, chỉ có đi trước, đón đầu trong hội nhập mới gặt hái được thành công. Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự phát triển khi gia nhập kinh tế quốc tế và khu vực vì hội nhập sẽ mang đến cơ hội tăng trưởng và phát triển về kinh tế. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội, Việt Nam phải khắc phục được các điểm yếu từ trong nội tại. Hiện nay, có 90 triệu dân nhưng GDP trung bình của Việt Nam cũng mới chỉ khiêm tốn ở mức 124 tỷ USD, trong khi đó Thái Lan gấp 3 lần Việt Nam. Đặc biệt, chỉ có 5 triệu dân nhưng GDP bình quân của Singapore cũng gấp đôi Việt Nam.
 
Nhìn nhận từ thực tế của Việt Nam, GS. John Behzad, thành viên Hội đồng tư vấn Học thuật - Đại học Quản trị Paris tại Việt Nam cho rằng, DN Việt Nam sẽ gặp sức ép lớn trong quá trình hội nhập vì phải tuân thủ theo quy luật của cuộc chơi và phải thay đổi chính mình. Trong những năm sắp tới cạnh tranh sẽ rất khốc liệt, các DN sẽ gặp áp lực lớn đối với các DN có thị phần lớn trên thị trường và tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” là không thể tránh khỏi. Quá trình thực thi và hội nhập quốc tế đang diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên các DN vẫn chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng đây là sức ép rất lớn cho DN trong quá trình hội nhập. Việc gia nhập AEC sẽ là làn gió mới đối với các DN đã có sẵn sức mạnh về tài chính, quản trị, nguồn nhân lực nhưng sẽ là “cuồng phong bão tố” đối với DN chưa sẵn sàng. Vì vậy, chỉ các DN có bộ máy quản trị mạnh, sẵn sàng ứng phó mới  có nhiều cơ hội phát triển.
 
Theo phân tích của GS. John Behzad, Việt Nam đang có 4 hạn chế cản trở quá trình hội nhập đó là thiếu cơ sở hạ tầng tiên tiến làm hạn chế chuỗi cung ứng của các DN, sự kiểm soát quá mức cần thiết, không hiệu quả của ngành giáo dục ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Sự thiếu hụt khuôn khổ pháp lí tiên tiến giúp DN hoạt động tích cực và việc giải quyết xung đột cũng gặp nhiều khó khăn và hạn chế từ bên trong DN. Trong đó, những hạn chế từ bên trong DN như sự yếu kém văn hóa DN, phương thức quản trị, chất lượng hàng hóa, và phong cách làm việc đang là rào cản lớn nhất của các DN trong hội nhập.
 
Thực tế ở Việt Nam hầu hết các DN phải tự thân vận động. Do vậy phải hết sức theo sát mọi diễn biến của thị trường để có bước đi thích hợp. “Viễn cảnh kinh tế sẽ có nhiều khó khăn do sự bất ổn từ bên ngoài và sự nhạy cảm về chính trị của mỗi quốc gia, do vậy, các DN phải rất thận trọng trong cuộc chơi hội nhập. Hội nhập thành công là không dễ dàng, phải rất vất vả, khó khăn mới có thể phát triển bền vững. Vì vậy thay vì dành nhiều thời gian xử lí các vấn đề vụn vặt từ bên trong, các DN nên dành nhiều thời gian nắm bắt các cơ hội và thay đổi từ bên ngoài và có sự chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống khó khăn có thể xảy ra”- GS. John Behzad nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc