Rào cản thương mại
Tự chứng nhận xuất xứ: “Tự làm” nên cần đi kèm với chế tài nghiêm
30/09/2015
Bà có thể cho biết sự khác nhau giữa quy trình chứng nhận xuất xứ (CNXX) thông thường và tự CNXX hàng hóa?
 
Với cơ chế CNXX thông thường, nhà XK nộp hồ sơ xin cấp phép lên cơ quan có thẩm quyền, sau đó cơ quan cấp thẩm quyền kiểm tra hồ sơ nộp, thẩm tra tại chỗ nếu thấy cần thiết và quyết định cấp phép hoặc không cấp phép.
 
Với cơ chế tự CNXX, cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên XK lựa chọn người XK đáp ứng điều kiện để được phép tự CNXX sang các nước khác (người XK điền vào mẫu khai theo quy định). Danh sách thông tin về người XK đủ điều kiện  của các nước thành viên tham gia sẽ được thông báo tới các nước thành viên. Cơ quan Hải quan nước thành viên NK sẽ cho hưởng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa XK từ các nước thành viên tham gia.
 
Có thể thấy, với cơ chế thông thường, mức độ tin cậy về thông tin xuất xứ cao hơn, tuy nhiên với sự phức tạp hơn về chi phí nhân lực, thời gian nên với cơ chế thông thường DN dễ bị phạt chậm hợp đồng, ngoài ra còn kèm theo chi phí lưu kho bãi và mất cơ hội kinh doanh. Còn đối với tự CNXX, bên cạnh hạn chế là tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro về thông tin xuất xứ, ưu điểm của cơ chế này là DN khá chủ động về thời gian, chi phí, nhân lực cũng như cơ hội kinh doanh.
 
Vậy những tác động thuận lợi và khó khăn cụ thể đối với cộng đồng DN khi áp dụng cơ chế này là như thế nào, thưa bà?
 
Về mặt thuận lợi, với tự CNXX, nhà sản xuất, XK hoặc nhà NK sẽ tự khai báo xuất xứ của hàng hóa với cơ quan có thẩm quyền của nước NK mà không cần phải nộp giấy CNXX hàng hóa do nước XK cấp như thông thường.
 
Tự CNXX là một hệ thống chứng nhận mà DN có thể tự tổ chức, đánh giá, xác định xuất xứ hàng hóa, giúp giảm chi phí giao dịch thương mại, đẩy nhanh thủ tục XK và các thủ tục khác. Khi sử dụng cơ chế này, nhà sản xuất, XK đã nắm rõ về sản phẩm mà họ sản xuất, do đó làm tăng đáng kể tỷ lệ sử dụng C/O theo các FTA để được hưởng ưu đãi về thuế và khi NK DN cũng sẽ tránh được các lỗi nhỏ thường gặp như lỗi chính tả, hình thức trên C/O không phù hợp với mẫu quy định.
 
Tuy nhiên cũng có thể thấy những khó khăn mà cộng đồng DN gặp phải. Đó là hiện nay nhiều DN không có kiến thức đầy đủ về các quy tắc xuất xứ, lúng túng trong việc thực hiện cũng như tận dụng triệt để các quy định về quy tắc xuất xứ của các nước. Trong các FTA mà Hoa Kỳ tham gia đều áp dụng cơ chế tự CNXX cho phép nhà XK tự chứng nhận và tăng trách nhiệm cho nhà NK khi muốn hưởng ưu đãi phải ràng buộc, yêu cầu nhà sản xuất, nhà XK phải cung cấp đầy đủ thông tin liên quan.
 
Hiện nay sự quan tâm của DN về cơ chế mới này như thế nào, thưa bà?
 
DN hiện chưa biết nhiều về cơ chế này. Đối với DN có nghe về tự CNXX thì cũng chưa biết cần phải làm gì, chưa chủ động tham gia vào việc đưa ra tiêu chí, điều kiện để DN đủ điều kiện tự CNXX. Tâm lý của DN còn e dè và lo ngại do DN chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về quy tắc xuất xứ cũng như có những lo lắng liên quan đến hậu kiểm.
 
Cơ chế tự CNXX được cảnh báo đi kèm với các gian lận liên quan đến quy tắc xuất xứ. Bà có thể nói rõ hơn về vấn đề này và những hậu quả của nó?
 
Liên quan đến quy tắc xuất xứ chuyển đổi mã HS, DN có thể khai sai mã HS nguyên liệu đầu vào để khác với HS của thành phẩm XK. Hoặc khi thực hiện quy tắc xuất xứ tỷ lệ phần trăm, DN có thể giải trình trị giá nguyên liệu NK thấp hơn so với trị giá thực tế của sản phẩm NK và nâng giá thành XK để chứng minh giá nguyên liệu NK thấp hơn giá xuất xưởng của sản phẩm. Do đó, xu hướng của các nước trên thế giới để chống gian lận thương mại là trong quy tắc xuất xứ chủ yếu áp dụng quy tắc Chuyển đổi mã số HS.
 
Khi DN bị phát hiện có gian lận xuất xứ, uy tín của DN sẽ bị ảnh hưởng, mất bạn hàng, thị trường, không những thế DN còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, chữ ký, chứng từ… của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra uy tín của các DN cũng ngành hàng bị ảnh hưởng trên thương trường quốc tế. Sản phẩm sẽ bị loại ra Danh sách hưởng ưu đãi thuế quan khiến ngành hàng bị mất khả năng cạnh tranh khi XK.
 
Theo quy định của Hải quan Hoa Kỳ, khi phát hiện những trường hợp gian lận thương mại trong chuyển tải, DN Việt Nam sẽ bị đưa vào danh sách “đen” các nhà chuyển tải bất hợp pháp. Danh sách sẽ được cập nhật thường xuyên và thông báo vào tháng 3 và tháng 9 hàng năm. Thời gian bị lưu giữ trong danh sách “đen” này tối đa là 3 năm.
 
Hải quan Hoa Kỳ sẽ gửi thông điệp cảnh cáo đến nhà sản xuất, gửi về cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng sẽ ngừng vận chuyển bằng tàu thủy và từ chối cho phép tàu đi. Các nhà NK Hoa Kỳ sẽ tra cứu trong danh sách này trước khi ký kết hợp đồng với khách hàng các nước.
 
Vậy để DN nhận thức rõ ràng hơn và hạn chế những hậu quả của hành vi gian lận, theo bà những chế tài cho hành vi này cần được quy định như thế nào?
 
Hiện chế tài xử phạt hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa chưa nghiêm minh. Điều 40 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại có quy định về vấn đề này nhưng đến nay chưa có thông tư hướng dẫn nên hiện một số DN chưa hợp tác tốt trong việc cung cấp chứng từ, bằng chứng để chứng minh xuất xứ của sản phẩm nhưng vẫn chưa có hình thức chế tài đủ để răn đe DN vi phạm.
 
Do đó, để nâng cao tính tuân thủ pháp luật của DN, cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng khung pháp lý cụ thể cho việc thực thi cơ chế này, sửa đổi, bổ sung một số luật lệ có liên quan. Cụ thể, xây dựng các chế tài xử phạt nặng như một số nước đã áp dụng: thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh, phạt tiền trị giá gấp 2, 3 lần trị giá lô hàng.
 
Bên cạnh việc xây dựng chế tài đủ sức răn đe, cơ quan chức trách cần nhanh chóng đưa ra tiêu chí người sản xuất, người XK được tự CNXX, lưu ý hạn chế không cho tự CNXX đối với các mặt hàng nhạy cảm có nguy cơ gian lận thương mại như các mặt hàng đang áp dụng các rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm, thuế chống bán phá giá, trợ cấp…
 
Ngoài ra cũng cần tập trung nguồn lực, tăng cường công tác hậu kiểm các nhà XK đủ điều kiện. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho DN cũng cần được chú trọng, cụ thể là nâng cao trách nhiệm tuân thủ pháp luật và nâng cao nhận thức của DN về quy tắc xuất xứ.
Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/ 
Ý kiến bạn đọc