Rào cản thương mại
Tạo rào cản, không chút e dè
30/09/2015
Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Điều kiện kinh doanh - kinh nghiệm quốc tế và thách thức đối với Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 6-4 tại Hà Nội.
 
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, trước khi đi sâu vào phân tích, đã phải giải thích sự cần thiết của hội thảo này. Thứ thất, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện; song việc đơn giản hóa điều kiện kinh doanh lại đang là nhiệm vụ chủ chốt và thách thức lớn với việc thực hiện hai luật này. Thứ hai, Chính phủ khẳng định đơn giản hóa điều kiện kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 19.
 
“Việc thực hiện nhiệm vụ này là thách thức rất lớn, và nhà đầu tư, kinh doanh đang chịu rủi ro rất lớn bởi hệ thống văn bản”, ông nói.
 
Những dẫn chứng
 
Ông Cung dẫn chứng, các cơ quan nhà nước đang ban hành vô số điều kiện kinh doanh.
Điều kiện về địa điểm kinh doanh, có nghĩa phải phù hợp với quy hoạch, nếu không có trong quy hoạch thì phải xin. Thực tế có rất nhiều quy hoạch, có những quy hoạch “rất lạ” như quy hoạch xây dựng nhà máy dệt, nhà máy may. Ông nói: “Có hàng ngàn quy hoạch chi tiết đến từng sản phẩm, không thể đếm hết, có những quy hoạch tôi không thể hiểu sao lại cần”.
 
Bên cạnh đó, là điều kiện kinh doanh về số lượng, chất lượng tài sản, máy móc thiết bị, phương tiện. Theo ông, đây là hình thức biến tướng của vốn pháp định. Thực tế là Việt Nam đã bỏ vốn pháp định và được quốc tế đánh giá cao.
 
Có quy định một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải bằng đường bộ phải có tối thiểu 20 ô tô, vùng xa thì năm cái. Ông thốt lên: “Tại sao là 20, tại sao là năm cái? Đó là những rào cản gia nhập thị trường, gây bất lợi cho các doanh nghiệp cực nhỏ, nhỏ và vừa, tạo bất bình đẳng về các vùng nông thôn - thành thị… Nếu doanh nghiệp không tuân thủ số lượng ô tô, thì bị coi là vi phạm pháp luật. Nhà nước không cho làm hoặc xử phạt hành chính, thậm chí có thể phạt tù họ vì kinh doanh trái phép!”.
 
Có những giấy phép con đã bỏ từ năm 2000, nay lại được các bộ khôi phục lại như giấy phép hoạt động in. “Ngành giao thông vận tải thậm chí khôi phục gần hết số giấy phép con trước đây đã bị bãi bỏ”, ông nói.
 
Theo ông Cung, mặc dù Luật Đầu tư xác định có 267 ngành nghề là kinh doanh có điều kiện. Song, số lượng các điều kiện kinh doanh thực tế phải “đến hàng ngàn”.
 
Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn góp thêm những ví dụ. Ông Tuấn kể, 100 doanh nghiệp ngành in đã ngỡ ngàng thế nào khi Chính phủ ban hành Nghị định 60, đặt ra nhiều thủ tục cản trở họ. Có những loại giấy phép rất oái oăm, ví dụ, nhập khẩu máy cắt giấy phải xin phép bộ ở Hà Nội, quy trình mất tới 40 ngày.
 
Thông tư đang là hình thức văn bản đưa ra nhiều rào cản kinh doanh nhất, theo ông Đậu Anh Tuấn,
Trưởng ban Pháp chế VCCI.
 
Một ví dụ khác, có những quy định nộp chứng từ vận đơn mất hai ngày/vận đơn. Một hãng tàu có 100 vận đơn/năm, thì họ mất hơn 200 ngày làm việc trong năm chỉ lo chuyện vận đơn.
 
“Doanh nghiệp mua bản tin kinh tế của Reuters phải xin phép, doanh nghiệp thành lập bộ phận bảo vệ riêng, cũng phải xin phép. Những quy định kỳ lạ như vậy là vô số”, ông Tuấn liệt kê
 
Thủ phạm và hệ quả
 
Sau khi kể ra hàng loạt câu chuyện trên, ông Cung nói: “Với cách tiếp cận như trên, tôi nhìn thấy nhiều hệ quả: rào cản thị trường cao, chi phí cao và thời gian kéo dài”.
 
Theo ông Cung, những điều kiện kinh doanh như vậy là trái với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; cũng như trái với khoản 2, điều 14, Hiến pháp 2013 (quy định phải quy định điều kiện kinh doanh trong luật và xác định quyền tự do kinh doanh là quyền cơ bản của công dân), đương nhiên phải bị bãi bỏ.
 
Theo luật hiện hành, thẩm quyền ban hành các điều kiện kinh doanh phải quy định tại các luật, nghị định, điều ước quốc tế; có nghĩa là các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân tỉnh không được ban hành điều kiện kinh doanh.
 
Như vậy, các điều kiện kinh doanh ở thông tư đương nhiên hết hiệu lực vì trái thẩm quyền. Song, trên thực tế, các điều kiện kinh doanh trong thông tư, thậm chí đã tồn tại hàng chục năm nay, kể cả từ khi có Luật Doanh nghiệp.
 
Ông Cung nói, “Giai đoạn trước 2000-2003, khi mới có Luật Doanh nghiệp 2000, các bộ, ngành tế nhị hơn. Các bộ trưởng nói với Tổ công tác là các anh nói đúng, nhưng cho chúng tôi 1-2 năm để chuẩn bị năng lực quản lý”. Các điều kiện kinh doanh sau đó được đưa lên nghị định.
“Đến giờ thì các bộ ban hành thẳng điều kiện kinh doanh vào thông tư, chả ngại ngần gì nữa… Trước đây, lời phê bình, nhắc nhở có giá trị hơn. Các bộ, ngành giờ trơ hơn trước”, ông Cung nói.
 
Cũng như ông Cung, ông Tuấn cho rằng thông tư đang là hình thức văn bản đưa ra nhiều rào cản kinh doanh nhất.
 
Ông Tuấn trích dẫn báo cáo của Bộ Tài chính khi thực hiện Nghị quyết 19. Bộ này sửa năm luật giảm được 80 giờ nộp thuế, sửa ba nghị định giảm 88 giờ, sửa các thông tư giảm được được 200 giờ. “Thông tư là vấn đề lớn, gánh nặng nhất nằm ở đây”, ông nói.
 
Cần các hiệp hội lên tiếng
 
Ông Cung đặt câu hỏi: “Ai chịu trách nhiệm về tình trạng ban hành điều kiện kinh doanh tràn lan? Bộ trưởng, hay là chuyên viên soạn thảo? Những cá nhân hay cơ quan ban hành quy định trái thẩm quyền sẽ bị xử lý thế nào?”. Tất nhiên, câu trả lời không có.
 
Viện trưởng CIEM tỏ ra bất bình: “Tại sao các văn bản trái thẩm quyền đó vẫn có hiệu lực thi hành, người dân, doanh nghiệp vẫn phải oằn mình tuân thủ. Tại sao họ vẫn âm thầm thực hiện mà không khiếu nại? Hoặc nếu có mà không được giải quyết?”.
 
Ông Cung kể, đầu tháng 1-2015, Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp và công bố danh mục điều kiện kinh doanh có điều kiện trên cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia, song, chỉ có ba bộ có đóng góp ý kiến. Đặc biệt, chỉ có vỏn vẹn 18/500.000 doanh nghiệp trên toàn quốc góp ý. Không có bất kỳ hiệp hội doanh nghiệp nào đóng góp ý kiến.
 
Ông thắc mắc “Vì sao vậy? Chẳng lẽ chỉ tôi bức xúc. Hay có lẽ tôi bức xúc sai, và thực tế không có vấn đề gì cả”.
 
Hướng về ông Tuấn, ông Cung nói: “Ở đây trách niệm của VCCI là rất lớn”. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, VCCI gửi tới 300 văn bản góp ý hàng năm mà vẫn không ăn thua. “Ban hành thông tư thì không bắt buộc tham vấn doanh nghiệp. Vì thế, nhiều khi cơ quan nhà nước đánh úp doanh nghiệp. VCCI đã từng khuyến nghị bỏ thông tư đi, nhưng không được lắng nghe”, ông than.
 
Từ thực trạng trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhìn nhận, điều quan trọng nhất là phải chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” khi ban hành luật. “Nhược điểm lớn của thể chế nước ta là vừa ban hành luật, vừa thực thi luật. Nhiều người đã trục lợi trong quá trình thực thi đó”.
 
Ông nói, đây là nền tảng để cái gọi là lợi ích nhóm phát triển nhiều năm qua.
 
“Vấn đề là cơ quan nào phải chịu trách nhiệm, và doanh nghiệp, người dân phải làm gì để giải quyết vấn đề này?”, ông Cung đặt vấn đề.
 
Và ông tự trả lời: “Đây là phép thử của Luật Đầu tư, thậm chí của đổi mới, và hoàn thiện nâng cao hiệu lực nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang hướng đến”
Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/ 
Ý kiến bạn đọc