Rào cản thương mại
Năm 2015: Những dòng thuế nào cắt giảm sẽ tác động tới doanh nghiệp ?
30/09/2015
Thưa bà, nhiều ý kiến cho rằng, năm 2015 rất nhiều dòng thuế được cắt giảm, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp, khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập vào thế giới?
 
Năm 2015 đã bắt đầu với nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế và thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp. Trước tiên, đó là  lộ trình giảm thuế trong khuôn khổ những Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết hầu hết về cơ bản đang trong quá trình giảm sâu và sẽ được xóa bỏ thuế quan vào khoảng cuối năm 2020.
Riêng đối với Hiệp định ATIGA, đây là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết đã được thống nhất trong CEPT/AFTA cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan. Nguyên tắc xây dựng cam kết trong ATIGA là các nước ASEAN phải dành cho nhau mức ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác trong các Thỏa thuận thương mại tự do (FTA).
 
Thực hiện cam kết ATIGA, Việt Nam đã cắt giảm 6.859 dòng thuế (chiếm 72% tổng Biểu thuế xuất nhập khẩu) xuống thuế suất 0% tính đến thời điểm 2014. Dự kiến từ ngày 1/1/2015, sẽ có thêm 1.720 dòng thuế được cắt giảm xuống thuế suất 0%. Số còn lại gồm 687 dòng thuế (chiếm 7% Biểu thuế), chủ yếu là những mặt hàng nhạy cảm trong thương mại giữa Việt Nam và khu vực ASEAN sẽ xuống 0% vào năm 2018.
 
Theo tôi với chính sách mở cửa và quá trính chủ động hội nhập về thương mại hàng hóa cũng gây ra không ít những thách thức cho khu vực  doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế Việt Nam nói chung.
 
Một điều dễ nhận thấy, khi Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015, nền kinh tế Việt Nam sẽ chứng kiến rất nhiều thay đổi. Đầu tiên là việc hình thành các trụ cột kinh tế. Nhưng quan trọng nhất vẫn là thị trường và các cơ sở sản xuất thống nhất. Điều này có nghĩa là 10 nền kinh tế trong ASEAN phải mở cửa ở mức độ rất cao cho các nhà sản xuất, những người bán và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tất cả sẽ tạo nên nền kinh tế tự do hóa về hàng hóa vật chất và hàng hóa cơ bản. Lúc này, thuế doanh nghiệp sẽ rút dần từ 5-0% trong dài hạn…
 
Thưa bà, đối với Hiệp định TPP, nếu kết thúc vòng đàm phán cuối cùng TPP sẽ trở thành một trong những khu vực thương mại lớn nhất thế giới và điều này sẽ mở ra những cơ hội gì cho các doanh nghiệp Việt Nam?
 
Tôi cho rằng, TPP sẽ trở thành một trong những khu vực thương mại lớn nhất thế giới với hơn 800 triệu người, đóng góp hơn 40% GDP của thế giới và khoảng 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. Song đến năm 2025, TPP có thể đem lại gia tăng thu nhập cho nền kinh tế toàn cầu lên đến 104 tỷ USD.
 
Tham gia TPP, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thâm nhập các thị trường xuất khẩu lớn mạnh hơn, do thuế thấp hơn. Theo đó, Việt Nam sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài mạnh hơn các nước trong khu vực. Đây là lợi ích lớn nhất mà Việt Nam thu được từ TPP. 
 
Những cơ hội đã thấy rõ, tuy nhiên là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đàm phán liên quan các chính sách của doanh nghiệp, vậy theo bà điều gì khó khăn nhất với doanh nghiệp khi tham gia sân chơi hội nhập?
 
Sức ép từ hội nhập sẽ thể hiện rõ nhất, đó chính là nguồn lực con người là vấn đề mà các doanh nghiệp hiện lo lắng nhất. Bởi  thực tế Việt Nam đang thiếu đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm, nắm bắt được kỹ thuật công nghệ.
 
Thực tế gần 30 năm đổi mới, mở cửa vừa qua cho thấy, việc mở cửa nền kinh tế thành công luôn tạo động lực thúc đẩy cải cách kinh tế và nâng cao trình độ phát triển của Việt Nam. Đồng thời, những cải cách và chính sách mở cửa tích cực lại tạo cơ hội để Việt Nam hội nhập quốc tế.  Tuy nhiên, cái khó của doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế về quy mô, vốn, công nghệ, trình độ quản lý dẫn đến hạn chế về năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Chính những hạn chế này đã cản trở sự phát triển của DN khi cánh cửa hội nhập mở rộng…
 
Vậy ngành nào sẽ bị tác động lớn nhất khi hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ, thưa bà?
 
Giai đoạn 2015-2018 sẽ có nhiều tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan càng đến gần, tính chất tự do hóa kinh doanh thị trường sẽ đậm nét hơn, hàng rào kỹ thuật càng trở nên đa dạng, phức tạp và cao hơn đối với các  doanh nghiệp và hàng xuất khẩu Việt Nam. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần có sự chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm.
Rất nhiều dòng thuế được cắt giảm năm 2015 sẽ tác động trực tiếp đến doanh nghiệp
 
Từ năm 2015, các Hiệp định thương mại mà Việt Nam cam kết nói chung và Hiệp định ATIGA nói riêng sẽ bước sang giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu. Tới thời điểm năm 2018, khi 7% số dòng thuế trong Hiệp định ATIGA cắt giảm xuống 0% (trừ mặt hàng xăng dầu có lộ trình riêng), những ngành chịu tác động lớn nhất từ việc xóa bỏ thuế quan cao và sâu rộng bao gồm: ô tô, động cơ phụ tùng ô tô, xe máy, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, bánh kẹo, thức ăn gia súc, sản phẩm nhựa, phôi thép, lốp ô tô, máy điều hòa, máy làm lạnh, vô tuyến, tàu thuyền.
 
Vậy ngành ô tô có phải chịu sức ép đầu tiên khi Hiệp đinh ATIGA có hiệu lực, thưa bà?
 
Đối với ngành ô tô, Chính phủ đã duy trì mức bảo hộ cao trong nhiều năm qua với chiến lược xây dựng một ngành công nghiệp ô tô trong nước có đủ sức cạnh tranh với khu vực. Thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đã được duy trì ở mức rất cao từ 100 - 150% trong vòng 2 thập kỷ qua để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô trong nước.
 
Thực hiện cam kết ATIGA thuế nhập khẩu ôtô đã bắt đầu cắt giảm từ năm 2012, cắt giảm xuống 70% vào năm 2012, 50% vào năm 2014 và sẽ cắt giảm hoàn toàn xuống 0% vào năm 2018. Điều đó có nghĩa là ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn rất ít thời gian để nâng cao năng lực cạnh tranh trước sức ép hiện hữu của các dòng xe nhập khẩu từ ASEAN khi thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc xuống 0%. Đây là một mối lo thực sự đối với dòng xe lắp ráp trong nước.
 
Ngành công nghiệp Việt Nam đã hình thành được hơn 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa thu được thành tựu gì đáng kể, chính vì vậy nếu ngành ô tô không chuẩn bị kỹ các biện pháp cho giai đoạn 2014-2018 thì việc xóa bỏ thuế suất theo cam kết ATIGA sẽ khiến ngành công nghiệp ô tô trong nước khó cạnh tranh về giá cả và chất lượng sản phẩm với các quốc gia trong khu vực khác.
 
Bên cạnh đó, ngành lắp ráp điện tử trong nước cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi thuế suất ATIGA đối với nhóm hàng này được cắt giảm xuống 0% từ 2012.
 
Theo đó, một nhóm hàng nữa đó là máy tính nguyên chiếc với mẫu mã đẹp, giá thành thấp từ các nước ASEAN được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam đã tạo ra ảnh hưởng không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước. Phải nhập khẩu linh kiện, giá thành sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp khó có thể ngang bằng so với sản phẩm nhập khẩu chiếc. Từ đó, các doanh nghiệp phải chuyển hướng sản xuất kinh doanh, thu hẹp quy mô sản xuất. Thậm chí một số doanh nghiệp còn đứng trước nguy cơ phải ngưng sản xuất…
Nguồn: http://hoclamgiau.vn 
Ý kiến bạn đọc