Rào cản thương mại
Xuất hàng vào EU, "ngán" nhất rào cản phi thuế quan
30/09/2015
 Ngày 25-6, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức hội thảo "Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: Hàm ý đối với cải cách chính sách và thể chế".
 
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết: FTA Việt Nam - EU sẽ đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam thêm 7-8% và xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng 10% vào năm 2025.
 
Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội lớn, ông Cung cũng chỉ ra những thách thức khi FTA Việt Nam - EU được ký kết, nhất là đối với các quốc gia đang phát triển. Đặc biệt là sức ép đối với Chính phủ trong tái cơ cấu kinh tế, mở cửa thị trường, cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo tuân thủ các quy định liên quan đến lao động, môi trường... Với các doanh nghiệp, đây sẽ là thách thức buộc phải đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.
 
"Những cơ hội và thách thức kể trên sẽ ngày càng lớn hơn trong bối cảnh Việt Nam không chỉ tham gia Hiệp định Việt Nam - EU mà đã và đang thực hiện, đàm phán với rất nhiều Hiệp định khác như Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc, TPP và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP" - TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
 
Trong phần trình bày, tham luận của GS Ari Kokko gây được nhiều sự chú ý khi đề cập đến các rào cản thương mại vào thị trường EU.
 
Theo ông Ari Kokko: "Rào cản phi thuế quan đối với thương mại, trong đó những trở ngại về pháp lý và hành chính tạo mối quan ngại lớn hơn và để giải quyết những rào cản này cũng khó khăn hơn". Và những rào cản chính đó là các điều kiện liên quan đến xuất khẩu, kiểm soát chất lượng...
 
"Từ năm 2002-2010 có hàng nghìn lô hàng của Việt Nam bị các thị trường lớn từ chối" - ông Ari Kokko cho biết.
 
Có những rào cản được các tập đoàn chi phối chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu đặt ra. Họ yêu cầu phải đáp ứng về tính minh bạch trong kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, kể cả hàng loạt tiêu chuẩn về môi trường, đạo đức... Một doanh nghiệp Việt Nam muốn gia nhập chuỗi sản xuất đó phải đáp ứng những tiêu chuẩn của tập đoàn ấy. Đó là điều lâu nay chúng ta ít để ý. Nhưng những chuẩn mực ấy không công khai ở đâu mà doanh nghiệp phải tự tìm hiểu để đáp ứng được tiêu chuẩn đó.
 
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM Thống kê của Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên (Mutrap 2014) về những lô hàng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam bị các thị trường lớn từ chối cũng cho thấy thách thức từ các rào cản phi thuế quan. Riêng thị trường Mỹ, từ 2002-2010 có tới 3.443 lô hàng bị "khước từ" vào Mỹ; còn thị trường EU là 613 lô hàng, Nhật Bản là 563 lô hàng...
Đứng đầu trong các lý do hàng Việt Nam bị EU từ chối giai đoạn này là do các độc tố nấm, chất phụ gia, nhiễm khuẩn, dư lượng thuốc thú y, dư lượng thuốc trừ sâu, các chất ô nhiễm khác...
 
Ông Ari Kokko nhấn mạnh: "Ngược lại với giảm thuế, việc loại bỏ các rào cản phi thuế không phải đơn giản. Thực tế, không phải tất cả các lĩnh vực pháp lý đều có thể được giải quyết. Các rào cản phi thuế từ nhiều nguồn khác nhau, do vậy, việc dỡ bỏ chúng đòi hỏi phải có những thay đổi về thể chế, thay đổi pháp lý hoặc kỹ thuật phi thực tế..."
 
Theo TS Nguyễn Đình Cung: Các rào cản về phi thuế quan mà mỗi Chính phủ, ngành, doanh nghiệp nước ngoài đặt ra là vấn đề doanh nghiệp Việt phải xem xét để vượt qua. Rõ ràng vai trò của Nhà nước, hiệp hội rất quan trọng. DN Việt rất nhỏ, họ không đủ năng lực khả năng để hiểu các rào cản như vậy. Cho nên việc hỗ trợ họ hiểu được những điều này là quan trọng, là yếu tố quyết định ban đầu để vượt qua các rào cản phi thuế quan.
Ý kiến bạn đọc