Rào cản thương mại
Hai kịch bản chi phí cho thực hiện cam kết về xuất nhập khẩu
03/08/2016
 Xét trong giai đoạn 2016 – 2020, nếu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu là 10% trong khi tốc độ tăng trưởng nhập khẩu là 15%, nghĩa là kinh tế Việt Nam ở vào trạng thái nhập siêu, chi phí dự tính triển khai các cam kết quốc tế liên quan đến xuất - nhập khẩu của Việt Nam là 2,64 tỷ USD (khoảng 1,32% GDP) và tương đương 58 nghìn tỷ đồng.

Việt Nam đã và đang tham gia vào nhiều thỏa ước thương mại quốc tế. Quá trình này thực chất là thực hiện các thỏa thuận quốc tế và tốn nhiều chi phí. Theo các chuyên gia, các kịch bản dự tính chi phí triển khai thực hiện các cam kết xoay quanh các giao dịch xuất nhập khẩu được coi là trung tâm của các quan hệ kinh tế quốc tế, trong khi ở Việt Nam vấn đề này hầu như còn bỏ ngỏ. Việc lên được các kịch bản này cho phép giảm thiểu được các chi phí, thậm chí có thể tìm được nguồn thu bù đắp và thu được lợi ích.

Theo các cam kết của Việt Nam trong WTO, trong vòng 7 - 10 năm, mức giảm thuế trung bình là khoảng 4%. Với việc tham gia các cam kết quốc tế lâu nay, số liệu của Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu trung bình sẽ tăng 10%/năm và kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng 15%/năm.

Tại hội thảo về diễn biến thị trường giá cả Việt Nam trong năm 2016 do Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) vừa tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia đã đề xuất hai kịch bản theo hướng tăng trưởng xuất khẩu hàng năm là 10% và nhập khẩu là 15% và ngược lại.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng - Đại học Kinh tế Quốc dân, xét trong giai đoạn 2016 – 2020, nếu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu là 10% trong khi tăng trưởng nhập khẩu 15%, nghĩa là kinh tế Việt Nam ở vào trạng thái nhập siêu, thì chi phí dự tính triển khai các cam kết quốc tế liên quan đến xuất - nhập khẩu của Việt Nam là 2,64 tỷ USD (khoảng 1,32% GDP) và tương đương 58 nghìn tỷ đồng.

Ở kịch bản thứ hai, nếu tăng trưởng xuất khẩu 15% và tăng trưởng nhập khẩu 10%, nghĩa là Việt Nam ở trạng thái xuất siêu nên không phải chịu chi phí mà Việt Nam thu được lợi ích từ việc tuân thủ các cam kết quốc tế ở mức 3,02 tỷ USD (khoảng 1,51% GDP).

Các số liệu trên cho thấy, kịch bản xuất siêu có tác động tích cực hơn kịch bản nhập siêu nhìn từ góc độ chi phí tuân thủ các cam kết quốc tế nên cần có nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trên cơ sở tuân thủ các quy định của các cam kết quốc tế cả từ chính phủ lẫn doanh nghiệp. Việc lựa chọn mặt hàng hoặc dịch vụ xuất khẩu chiến lược cũng như chọn thị trường xuất khẩu hiệu quả để tối đa hóa lợi ích cần được quan tâm hàng đầu.

Trong trường hợp nhập siêu, để giảm chi phí triển khai thực hiện các cam kết, cần coi trọng kiểm soát nhập khẩu theo đúng cam kết cải thiện cơ cấu nhập khẩu, tránh nhập khẩu tràn lan. Nếu không kiểm soát được, không những không làm giảm mà còn làm tăng các chí phí triển khai thực hiện. Theo đó, các chủ thể, các bộ ngành và các địa phương cần tính toán cụ thể phương án nhập khẩu để tiết kiệm chí phí nhập khẩu, tăng khả năng sử dụng hàng trong nước, phát triển các ngành thay thế và cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong trường hợp phải tăng chi phí để thực hiện các cam kết quốc tế, cần quan tâm đến việc đa dạng hóa chi phí để giảm gánh nặng cho ngân sách trong điều kiện ngân sách nhà nước đối diện với khả năng bội chi rất lớn. Bên cạnh đó cần thiết lập những bộ phận chuyên theo dõi, cập nhật việc tổ chức triển khai thực hiện các cam kết quốc tế thuộc tất cả các lĩnh vực và đối tác để có những đề xuất huy động, phân bổ và sử dụng kinh phí tối ưu.

Nguồn: Báo điện tử Công Thương
Ý kiến bạn đọc