Trung Quốc, Ấn Độ, Ecuador, Malaysia và Việt Nam đang tỏ ra bất bình trước quyết định cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) về việc áp thuế chống trợ cấp (CVD) đối với tôm nhập khẩu vào Mỹ mới được công bố ngày 12-8.
Theo quyết định của DOC, Indonesia và Thái Lan được miễn không phải nộp thuế. Mức thuế suất CVD đánh vào các bị đơn còn lại trong vụ kiện này rất cao. Cụ thể, mức thuế suất áp cho toàn bộ các công ty của Trung Quốc là 18,16%; Ecuador 11,68%; Ấn Độ 5,85%; Malaysia 54,5% và Việt Nam 4,52%.
Trung Quốc: Tiếp tục đấu tranh
Chinadaily đưa tin, mức thuế 18,16% trong quyết định cuối cùng mà DOC áp cho Trung Quốc cao hơn nhiều so với quyết định sơ bộ ngày 29-5-2013 là 5,76%. Đây là lần đầu tiên Mỹ áp thuế trừng phạt đối với xuất khẩu nông sản của Trung Quốc. Theo đó “Trung Quốc sẽ tiếp tục đấu tranh cho vụ kiện này”, Chủ tịch Tập đoàn xuất khẩu tôm nước ấm lớn nhất Trung Quốc, Zhanjiang Guolian Aquatic Products cho biết.
Malaysia: Thành lập ủy ban hỗ trợ các doanh nghiệp
Theo Bộ Nông nghiệp Malaysia, việc DOC đánh thuế cao đối với tôm đông lạnh nhập từ Malaysia là do một số công ty của nước này đã từ chối hợp tác với DOC và Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) trong quá trình điều tra. Riêng Công ty Asia Aquaculture (M) Sdn Bhd có mức thuế 10,8% (trong khi các công ty khác phải chịu mức thuế 54,5%) là do Công ty này đã tự nguyện hợp tác với phía Mỹ.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp Malaysia kêu gọi tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu cần tuân thủ các thủ tục thương mại quốc tế, các quy định và hợp tác trong mọi khía cạnh của cuộc điều tra do các cơ quan chức năng nước ngoài thực hiện.
Để giải quyết vấn đề này, một ủy ban hành động đã được thành lập dưới sự đồng chủ trì của Bộ Nông nghiệp và Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia kể từ khi cuộc điều tra được bắt đầu, nhằm giúp các công ty liên quan. Hiện, ủy ban này đang nghiên cứu các tài liệu chính thức của DOC nhằm tìm ra các biện pháp khắc phục.
Ecuador: “Còn nước còn tát”
Đó là khẳng định của Warren Connelly thuộc Công ty luật Akin Gump tại Washington D.C., luật sư đại diện cho lợi ích của các nhà sản xuất tôm Ecuador trong vụ kiện CVD trên Intrafish. Warren Connelly cho biết, Ecuador đang nghiên cứu các phương án, trong đó có việc kháng cáo sau quyết định bất ngờ của DOC về mức thuế CVD áp cho nước này.
Trong quyết định sơ bộ hồi tháng 5-2013, DOC đã tuyên bố Ecuador được miễn áp thuế CVD. Tuy nhiên, ngày 12-8, DOC đã đảo ngược quyết định trên và đưa ra phán quyết cuối cùng, áp đặt mức thuế suất CVD đối với hai bị đơn bắt buộc Promarisco S.A. và Sociedad Nacional de Galapagos C.A. (Songa) lần lượt là 13,51% và 10,13% và mức thuế suất toàn quốc cho tất cả các công ty khác là 11,68%.
“Chúng tôi có giải pháp tốt hơn và kịp thời hơn, đó là phải thắng kiện tại ITC. Chúng tôi đã cung cấp cho ITC đầy đủ những thông tin cần thiết. Chúng ta sẽ biết kết quả vào ngày 19-9 tới đây”, Connelly cho biết thêm.
Ấn Độ: Chuẩn bị các bước pháp lý để tranh luận
Mức thuế suất CVD mà DOC áp dụng đối với hai bị đơn bắt buộc của Ấn Độ là Devi Fisheries và Devi Seafood lần lượt là 6,16% và 5,54%. Mức thuế suất CVD toàn quốc cho tất cả các công ty khác của nước này là 5,85% (thấp hơn so với mức 5,91% trong quyết định sơ bộ). Trên Business Line, Ravi Reddy, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ (SEAI) cho rằng, đây chưa phải là quyết định chính thức của DOC bởi vẫn còn phải phụ thuộc vào phán quyết cuối cùng của ITC.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Ấn Độ, D Purandeswari chia sẻ trên Thehindu.com, hiện nay Chính phủ Ấn Độ đang chuẩn bị những bước pháp lý cần thiết bằng cách tham khảo các ý kiến từ các công ty tư vấn luật của Ấn Độ và Mỹ để đấu tranh về việc áp đặt thuế CVD này.
“Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao (Đại sứ quán Ấn Độ tại Mỹ) đang làm việc cùng nhau để giải quyết các vấn đề một cách thuận lợi nhất”, Bộ trưởng D Purandeswari cho biết thêm.
Năm 2012, giá trị xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ đạt khoảng 551 triệu đô la.
Việt Nam: Đồng loạt phản đối
Sau khi DOC đưa ra quyết định cuối cùng về thuế CVD đối với tôm Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có thông cáo báo chí phản đối quyết định áp thuế lần này của Mỹ. VASEP cũng đã chuẩn bị tài liệu gửi sang Mỹ đề nghị xem xét lại và giải quyết vụ việc hợp lý hơn.
Ngay sau đó, Hội Nghề Cá Việt Nam (VINAFIS) cũng đã lên tiếng phản đối quyết định áp mức thuế chống trợ cấp lên sản phẩm tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ. VINAFIS cho rằng, sản phẩm tôm đánh bắt từ biển của Mỹ có đối tượng tiêu dùng hoàn toàn khác so với tôm nuôi của Việt Nam và tôm nuôi của các quốc gia châu Á khác.
Việc Hiệp hội đánh bắt tôm biển Mỹ kiện đòi áp thuế chống trợ cấp của chính phủ đối với sản phẩm tôm nuôi là hoàn toàn phi lý và không phù hợp với quy định của Hiệp định TBT của WTO. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của 600.000 lao động (chủ yếu là dân nghèo) trong ngành sản xuất tôm Việt Nam, ảnh hưởng đến đời sống của người tiêu dùng Mỹ và đi ngược lại xu thế hợp tác toàn diện Việt Nam - Mỹ đang được Chính phủ, các doanh nghiệp và nhân dân hai nước Việt Nam - Mỹ nỗ lực thực hiện.
VINAFIS kêu gọi DOC, ICT và Quốc hội Mỹ sớm công bố hủy bỏ quyết định trên.