Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chỉ cần 2 lô hàng rau quả Việt Nam vào EU bị phát hiện vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật nữa thôi thì sẽ bị EU cấm nhập khẩu rau quả Việt Nam. Thông tin này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm rau quả xuất khẩu.
Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đăng tải thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tại cuộc họp báo của Bộ này vào ngày 9-4 rằng EU sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu rau quả Việt Nam nếu trong khoảng thời gian từ 15-1-2012 đến 15-1-2013, có thêm 5 trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực phẩm. Thế nhưng, kể từ ngày 15-1-2012 đến nay, mới chưa đầy 3 tháng, đã có thêm 3 lô hàng rau quả của Việt Nam bị EU phát hiện vi phạm. Đây là điều đáng báo động với thị trường "khó tính" hàng đầu này.
Để ứng phó với tình hình này, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết chưa dừng việc cấp giấy kiểm dịch cho các mặt hàng rau quả xuất đi EU nhưng đã nhiều lần cảnh báo tới các doanh nghiệp. Theo Cục Bảo vệ thực vật, trước mắt buộc phải dựng hàng rào kiểm dịch, làm thật kĩ. Tất cả các lô hàng rau quả sau khi kiểm tra xong, trước khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho xuất sang EU đều phải xin ý kiến lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật.
Rõ ràng đây là việc làm cần thiết nhưng chỉ là giải pháp mang tính tình thế, và chỉ giải quyết được phần ngọn. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về chất lượng rau quả Việt Nam, TS Đỗ Đình Ca, Trưởng Bộ môn Kiểm soát chất lượng rau quả (Viện Nghiên cứu Rau quả) cho rằng: rõ ràng chất lượng rau quả Việt Nam có hai vấn đề.
Một là giá trị dinh dưỡng của rau quả Việt Nam chưa cao.Hai là dư lượng thuốc trừ sâu quá mức cho phép gấp nhiều lần.
“Vừa rồi tại một hội nghị về chất lượng rau quả tổ chức ở Băng Cốc (Thái Lan), có ý kiến cho rằng Việt Nam lạm dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng. Nếu như ở các nước châu Âu, dư lượng thuốc trừ sâu chỉ tính bằng mg/kg thì rau quả của Việt Nam có loại dư lượng lại tính bằng %. Một số mẫu phân tích do Viện Nghiên cứu rau quả tiến hành có dư lượng thuốc trừ sâu vượt từ 4-5%, cá biệt có mẫu rau quả vượt mức đến 10%” – TS Đỗ Đình Ca cho biết.
Để rau quả Việt Nam có được chỗ đứng tại một thị trường tiềm năng nhưng “khó tính” như châu Âu, vấn đề kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu. Trong đó, kiểm soát từ khâu trồng trọt mới có thể giải quyết tận gốc vấn đề.
Trên thực tế, thời gian qua, Việt Nam đã chú trọng đến việc hướng người nông dân phát triển sản xuất rau quả “sạch” theo tiêu chuẩn GlobalGap hoặc VietGap (tiêu chuẩn toàn cầu và tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc). Thế nhưng kết quả đạt được vẫn chưa đáng là bao.Gần đây lại rộ lên thông tin người nông dân xin ra khỏi GAP để trở lại với phương thức sản xuất bình thường.
Lí giải cho điều này, TS Đỗ Đình Ca cho rằng, nguyên nhân là rau quả Việt Nam theo tiêu chuẩn GAP vẫn chưa xác định được đối tượng khách hàng. Đầu ra cho các loại rau quả “sạch” chưa được chú trọng.Chi phí sản xuất lớn trong khi giá bán sản phẩm không tương xứng khiến người nông dân nản lòng. Bên cạnh đó, rau quả “sạch” vẫn chủ yếu tiêu thụ trong nội địa với giá bán không hơn sản phẩm rau quả sản xuất theo lối truyền thống là bao nhiêu. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu vẫn chưa đến được với người dân.
“Hiện nay Thanh Long Bình Thuận đã xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên vẫn chỉ dừng lại ở mức mô hình riêng lẻ chứ chưa được nhân rộng” – TS Đỗ Đình Ca nói
Mặt khác, theo vị TS này, sản xuất rau quả “sạch” của Việt Nam đang theo quy trình ngược với các nước châu Âu. Lẽ ra, Việt Nam nên nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của thị trường, của người tiêu dùng trước.Phải nắm chắc thị trường có nhu cầu tiêu thụ loại sản phẩm nào, tiêu chuẩn chất lượng ra sao?Từ đó mới đem tiêu chuẩn ấy quay lại đặt hàng với người sản xuất.Đó mới là cách làm xuôi chiều.
Người nông dân nước ngoài làm các sản phẩm theo yêu cầu của người mua. Chẳng hạn, Hiệp hội Bán lẻ châu Âu muốn mua loại sản phẩm nào, họ sẽ đặt hàng người nông dân với những quy định của họ.Nếu sản phẩm làm ra đạt yêu cầu của họ thì họ mới mua. Trong khi đó, ở Việt Nam, Nhà nước đặt ra tiêu chuẩn rồi hướng cho nông dân làm theo trên cơ sở tự nguyện. Cho nên sản phẩm rau quả của Việt Nam khó có thể thỏa mãn những đòi hỏi khắt khe của thị trường châu Âu được.
Thời gian tới, Nhà nước cần quan tâm đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn thiện cho người nông dân sản xuất rau quả “sạch”.Hiện nay cơ sở hạ tầng còn chưa hoàn thiện. “Nông dân sản xuất manh mún, nhà này làm một mảnh, nhà kia làm một mảnh nên điều kiện sản xuất không an toàn. Ngoài ra, cần đầu tư vào khai thác, tập huấn cho nông dân và xây dựng hệ thống quản lí chất lượng hiệu quả. Các hợp tác xã, hiệp hội sản xuất cần có những chính sách chất lượng và kiểm soát viên nội bộ theo VietGap” – TS Đỗ Đình Ca đề xuất.