Chiều 4/10, ông Nguyễn Gia Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Da giầy Việt Nam, một lần nữa đã phản đối việc EU thực hiện các biện pháp bảo hộ mậu dịch để bảo vệ một số ít các nước sản xuất giầy da trong khối bằng việc áp mức thuế 10% đối với giầy mũ da nhập từ Việt Nam.
Ông Thảo khẳng định Việt Nam không bán phá giá giầy da và Nhà nước Việt Nam cũng không có ưu đãi đặc biệt nào đối với ngành da giầy trong nước mà có thể vi phạm luật lệ thương mại quốc tế.
Ông Thảo cho biết chưa thể đánh giá chính xác những ảnh hưởng của biện pháp này đối với ngành giầy da Việt Nam vì còn phải chờ tình hình ký các hợp đồng mới. Tuy nhiên, ông khẳng định mức thuế trên sẽ đe dọa trực tiếp công ăn việc làm của 60.000 - 70.000 công nhân trong ngành, thậm chí một số doanh nghiệp nhỏ sẽ có nguy cơ phá sản.
Chủ tịch Hiệp hội Da giầy Việt Nam cũng nhấn mạnh các biện pháp của EU sẽ gây thêm khó khăn cho hơn nửa triệu người Việt Nam đang lao động trực tiếp trong ngành giầy da và nhiều người khác phụ thuộc vào ngành này mà phần đông trong số họ thuộc diện phải xóa đói giảm nghèo.
Theo một số hãng tin phương Tây, những công ty sản xuất giầy dép của EU như ECCO và Timberland mà lâu nay đã chuyển sản xuất sang các nước có giá nhân công thấp ở châu Á, cũng phản đối biện pháp của EU vì sản phẩm của họ nhập vào chính EU cũng bị đánh thuế chống bán phá giá. Các hãng nhập khẩu và các công ty bán lẻ EU phản đối biện pháp này vì nó sẽ làm tăng giá giầy trong EU.
Hãng tin Reuters dẫn lời Giám đốc British Retail Consortium Alisdair Gray nói: "Biện pháp mang tính chính trị và chống lại người tiêu dùng này sẽ không bảo vệ được một chỗ làm nào".
Về phần mình, các nước Bắc Âu ủng hộ tự do thương mại vẫn phản đối các biện pháp bảo hộ mậu dịch và khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh trong nội bộ EU vì một nền mậu dịch tự do và công bằng.