Rào cản thương mại
Nhận diện các loại rào cản phi thuế quan
31/10/2014
Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 6,7 tỷ USD năm 2013 và giải quyết việc làm cho hơn 2,5 triệu nông dân, ngư dân. Tuy vậy, thủy sản xuất khẩu Việt Nam đối mặt nhiều thách thức, nhất là những rào cản phi thuế quan mới xuất hiện trong năm 2014. Dù các loại rào cản hạn ngạch và thuế quan được dở bỏ, nhưng các thị trường xuất khẩu lại dựng lên rào cản về kiểm dịch, kiểm tra dư lượng kháng sinh… với hàng thủy sản.Vấn đề TBT (hàng rào kỹ thuật thương mại), SPS (biện pháp vệ sinh dịch tễ) và nhóm các loại “rào cản khác” rất quan trọng với khả năng tiếp cận thị trường các nước của thủy sản Việt Nam.

Phân tích của các chuyên gia cho thấy các loại rào cản phi thuế quan thậm chí còn nhiều rủi ro hơn so với thuế quan. Một số mặt hàng thủy sản như cá tra sẽ khó vào thị trường Mỹ, một khi những quy định về chương trình thanh tra cá da trơn (nhắm trực tiếp vào cá tra Việt Nam) chính thức được áp dụng.

Thủy sản đối mặt các loại rào cản phi thuế quan

Theo Hiệp hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS), đến nay mới có 49/145 quốc gia và vùng lãnh thổ thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam đã dựng lên rào cản TBT, SPS. Nhưng 49 thị trường này chiếm 97- 98% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Các quốc gia trên thế giới đặt ra các quy định và rào cản có nội dung tương tự nhau: cùng hướng tới an toàn thực phẩm; an toàn môi trường, an toàn bệnh dịch động thực vật, chống gian lận thương mại… Khác biệt là trình tự thủ tục và biện pháp kiểm soát giữa các quốc gia.Để tiếp tục phát triển mặt hàng thủy sản, Việt Nam cần: phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi sản xuất, gắn liền kiểm soát an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, an toàn môi trường và an sinh xã hội; thường xuyên truy cập và hiểu đầy đủ, chính xác yêu cầu của từng quốc gia nhập khẩu để có chính sách phù hợp; khẩn trương xây dựng các rào cản TBT, SPS và các loại rào cản khác áp đặt cho thủy sản nước ngoài muốn nhập khẩu vào Việt nam.

Theo thống kê chưa đầy đủ, các quốc gia trên thế giới có thể áp dụng khoảng 15 loại “rào cản khác” để chống lại việc tạo ra lợi thế dẫn tới sự cạnh tranh không bình đẳng giữa sản phẩm cùng loại. Điển hình là các rào cản: chống bán phá giá, chống trợ cấp của chính phủ, chống xâm phạm sở hữu trí tuệ, chống xâm phạm bản quyền, và rào cản chống việc đặt ra các thủ tục nhằm làm tăng chi phí, kéo dài thời gian nhập khẩu lô hàng…

Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan) đưa ra rào cản SPS với nội dung: Luật Việt Nam về An toàn thực phẩm chưa tương thích với Luật An toàn thực phẩm của Liên minh Hải quan; cơ sở nuôi chưa kiểm soát được việc sử dụng kháng sinh; phòng kiểm nghiệm chưa đáp ứng yêu cầu. Mỹ áp dụng các loại rào cản SPS và TBT thông qua các bộ luật như: Luật Hiện đại hóa thực phẩm, Luật Trang trại và Điều tra chống bán phá giá cá tra, tôm (có nguy cơ lặp lại).

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) đã tổng hợp rào cản về chất lượng, an toàn thực phẩm trong xuất khẩu thủy sản tại một số thị trường và đề xuất các biện pháp giải quyết. 

Thách thức lớn với cá tra 

Phân tích của NAFIQAD cho thấy, ngày 7/2/2014, Luật Nông nghiệp 2014 (Farm Bill) của Mỹ được ban hành, theo đó sẽ kiểm soát và quy định đối với toàn bộ chuỗi sản xuất từ nuôi, vận chuyển đến chế biến. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ đánh giá quốc gia xuất khẩu vào Mỹ theo quy định đánh giá tương đương. Trình tự thủ tục thường kéo dài 5- 7 năm và trong thời gian này có thể cấm nhập khẩu. Đến nay, chưa có nước nào thuộc ASEAN được công nhận tương đương để xuất khẩu sang Mỹ các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm theo Luật Thanh tra thịt. Trong khi đó, quy định về chương trình kiểm tra, giám sát cá da trơn của Mỹ vẫn trong giai đoạn dự thảo, dự kiến áp dụng chậm nhất vào tháng 4/2015.

Theo đó, USDA các doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam sang thị trường Mỹ phải đáp ứng tiêu chuẩn tương đồng với hàng của doanh nghiệp Mỹ, từ quy trình sản xuất đến hoạt động đóng gói, xuất khẩu…  Luật sư Ngô Quang Thụy- Công ty NTTrade Law, cho rằng chương trình thanh tra cá da trơn của USDA là nhắm trực tiếp vào cá tra Việt Nam. Nếu chương trình được thực hiện, cá tra Việt Nam sẽ không còn được phép nhập vào Mỹ cho đến khi được quyết định “Equivalency” (tính tương đồng) của USDA. Equivalency có thể mất từ 3- 4 năm, nhưng thực tế có thể kéo dài 7- 10 năm.
Theo ông Trương Đình Hòe- Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từng quan ngại trong thời gian chờ được công nhận Equivalency, thì không thể xuất khẩu được dù chỉ 1kg cá da trơn vào Mỹ. Bên cạnh những thách thức mới, vấn đề sản xuất, tiêu thụ và chế biến cá tra vẫn còn thể hiện những hạn chế khó khắc phục.

Theo Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối, hiện sản phẩm cá tra đã có mặt ở 142 quốc gia và vùng lãnh thổ, cá tra Việt Nam đang thống lĩnh thị trường thế giới với 90% thị phần.

Tuy vậy, sự cạnh tranh gay gắt thiếu lành mạnh giữa các nhà chế biến cá tra trong nước bằng cách hạ giá bán trung bình từ 3,5 USD/kg trước năm 2006 đến nay chỉ còn khoảng 2,5 USD/kg. Đi kèm giảm giá buộc các doanh nghiệp giảm chất lượng sản phẩm.

Việc lạm dụng hóa chất tăng trọng, tỷ lệ mạ băng quá cao để gian lận thương mại… dẫn đến uy tín chất lượng cá tra ngày càng giảm sút.

Chúng ta quá chú trọng cung cấp khối lượng lớn cá tra trong thời gian ngắn vào 2 thị trường Mỹ và EU, gây ra sự phản kháng của các nhà kinh doanh sản phẩm tương tự như cá nheo ở thị trường Mỹ, cá thịt trắng ở EU; dẫn đến việc các thị trường dựng lên các rào cản đối với cá tra Việt Nam. Chưa quan tâm đúng mức thị trường mới nổi như: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi…
Ý kiến bạn đọc