Rào cản thương mại
Việt Nam không bán phá giá ống thép vào Hoa Kỳ
09/11/2013

Mặt hàng thép xuất khẩu Việt Nam đã 4 lần bị Hoa Kỳ kiện chống bán phá giá. Tuy nhiên, qua các cuộc điều tra, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã phải công nhận: Các doanh nghiệp (DN)xuất khẩu ống thép lớn của Việt Nam không bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ.

4 lần bị kiện chống bán phá giá

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), ngày 1/7/2013, 9 DN sản xuất nội địa của Hoa Kỳ đã nộp đơn tới Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) và Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng ống thép dẫn dầu nhập khẩu từ Việt Nam.

Đây là vụ kiện chống bán phá giá thứ tư của Hoa Kỳ nhằm vào mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua kể từ năm 2011, các sản phẩm thép bị điều tra chống bán phá giá trước đây của Việt Nam là ống thép hàn carbon, ống thép không gỉ chịu lực và mắc áo bằng thép.

Theo số liệu trong đơn kiện về nhập khẩu mặt hàng này của Hoa Kỳ thì trong năm 2012, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt khoảng 184 triệu USD, với tổng khối lượng 196,415 tấn, chiếm 12 % thị phần nhập khẩu vào Hoa Kỳ.

Ống thép hàn carbon là loại thép dùng trong ngành sản xuất, trang trí nội thất dân dụng, có thuế suất nhập khẩu sang Mỹ đang ở mức 0%. Theo số liệu của cơ quan hải quan, lượng thép xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ gần đây tăng cao, cộng thêm với giá bán ở mức khá thấp, khiến các nước đối tác xem xét đến phương án kiện để bảo vệ sản xuất nội địa.

Trước đó, năm 2012, các công ty Allied Tube and Conduit (IL), JMC Steel Group (IL), Wheatland Tube (PA) và Công ty thép Hoa Kỳ (PA) đã khởi kiện lên DOC 14 mã sản phẩm ống và ống dẫn thép hàn bằng carbon của các công ty Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ.

DOC đã tiến hành điều tra và ngày 16/10/2012 công bố quyết định cuối trong vụ điều tra chống trợ cấp (CVD) đối với mặt hàng ống thép nhập khẩu từ Việt Nam, kết thúc vụ điều tra chống trợ cấp thép ống nhập khẩu từ Việt Nam..

Tại quyết định này, DOC khẳng định không có DN nào trong 2 bị đơn bắt buộc là SeAH Steel VINA và Công ty Chế tạo máy Hồng Nguyên (Hải Phòng) nhận được các khoản trợ cấp từ chính phủ theo các chương trình do nguyên đơn cáo buộc. Do đó, không tồn tại trợ cấp đối kháng dành cho các nhà sản xuất, xuất khẩu ống thép hàn carbon Việt Nam.

Doanh nghiệp cần chủ động tham gia kháng kiện

Trước việc Mỹ áp đặt mức thuế chống phá giá và chống trợ cấp đối với ống thép hàn carbon của Việt Nam, các DN cần chủ động hợp tác với nhau để tham gia kháng kiện, nhằm tránh tạo tiền lệ bất lợi. Cần có sự đoàn kết, thống nhất hành động giữa các DN, đặc biệt là các DN lớn được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc là rất cần thiết để đạt được kết quả cuối cùng tốt nhất cho toàn ngành.

Theo quy định của Hoa Kỳ thì chỉ có một số DN được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc và được tính mức thuế suất riêng, mức thuế của các DN còn lại sẽ được tính dựa trên mức thuế của những DN được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc. Vì vậy, các DN cần có sự phối hợp với nhau cả về phương hướng lẫn nguồn lực vật chất để đảm bảo lợi ích cho tất cả các DN.

Các DN cũng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mặc dù kết quả cuối cùng của một vụ kiện chống trợ cấp có tác động trực tiếp đến DN nhưng vai trò của nhà nước trong quá trình kháng kiện là rất quan trọng bởi nhà nước là đối tượng cung cấp các hình thức trợ cấp bị điều tra. Vì vậy, DN cần phối hợp với nhà nước để cung cấp thông tin một cách thống nhất và có lợi.

Ngoài những DN có lượng xuất khẩu mặt hàng bị điều tra sang Hoa Kỳ lớn nhất dễ bị lựa chọn làm bị đơn bắt buộc, các DN còn lại nên tham gia vào vụ kiện với tư cách là bị đơn tự nguyện bằng cách gửi thông tin tự giới thiệu mình với cơ quan điều tra và trả lời bảng câu hỏi điều tra.

Bên cạnh đó, phải có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương với luật sư tư vấn trong suốt quá trình soạn thảo và hoàn chỉnh các bản trả lời, cung cấp đầy đủ các tài liệu chứng minh cần thiết của phía Chính phủ Việt Nam để gửi DOC theo đúng yêu cầu pháp luật chống trợ cấp của nước sở tại.

Ý kiến bạn đọc