Rào cản thương mại
Xuất khẩu nông, lâm thủy sản tăng trở lại: Chưa hết lo
04/05/2016
Những tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đang có dấu hiệu phục hồi tích cực khi giá và lượng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, xu hướng này được dự báo kéo dài không lâu khi nguyên liệu sản xuất đang bị thiếu hụt đáng kể.

Giá tăng do nguồn cung giảm

Theo thống kê của Bộ Công Thương, quý I/2016, kim ngạch xuất khẩu  nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đạt 6,73 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, lượng gạo xuất khẩu đạt 1,59 triệu tấn với giá trị đạt 692 triệu USD, tăng 41,6% về khối lượng và 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015, xuất khẩu thủy sản đạt gần 1,36 tỷ USD, tăng 1,7%. Một số mặt hàng khác như cà phê sau thời gian dài sụt giảm cũng đã xuất khẩu đạt 479.000 tấn và 808 triệu USD, tăng 30,2% về khối lượng và 5,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu cao su đạt 233.000 tấn với 263 triệu USD, tăng 19,2% về khối lượng; xuất khẩu  hạt điều đạt 55.000 tấn với 416 triệu USD, tăng 3,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015…

Xu hướng tăng trưởng xuất khẩu  nhóm hàng nông sản đã được dự báo từ cuối năm trước khi hạn hán tác động đáng kể đến nguồn cung, trong khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới vẫn không giảm, một số nước có tâm lý mua vào để tích trữ cũng tạo hiệu ứng cho việc tăng giá. Đơn cử, từ cuối năm 2015 đến nay, nhiều thị trường như Indonesia, Philippines,… đẩy mạnh mua gạo Việt Nam, khiến kim ngạch xuất khẩu  gạo sang các thị trường này tăng 30 - 40%. Bên cạnh đó, sau một năm giá thấp, xu hướng của nhiều người nông dân là giảm dần diện tích nuôi trồng nông sản, dẫn đến nguồn cung sụt giảm.

Cần liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân

Kim ngạch xuất khẩu  nhóm hàng nông sản tăng trưởng là tin vui. Tuy nhiên, hạn hán và xâm nhập mặn đã và đang ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu  nông sản nói chung. Cụ thể, sản lượng gạo năm nay được dự báo sẽ sụt giảm khoảng 1 triệu tấn. Cây cà phê ở Tây Nguyên cũng đang đứng trước nguy cơ sụt giảm sản lượng khi người dân chưa áp dụng nhiều công nghệ để nâng cao năng suất cây trồng. Tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã khiến hơn 2.000 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến bị thiệt hại. Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - chỉ rõ, xuất khẩu  thủy sản các quý tới sẽ khó khăn vì một số mặt hàng thiếu hụt nguyên liệu do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, giảm nuôi trong năm 2015 do tác động về giá cả.

Trước tình trạng khó khăn trong xuất khẩu  nông sản, “bài toán” liên kết chặt hơn giữa nông dân và doanh nghiệp lại được nhắc đến. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong hoàn cảnh nhiều doanh nghiệp  gặp khó khăn thu mua lúa gạo do nguồn cung giảm, giá tăng cao, những doanh nghiệp  đã liên kết với bà con để thu mua lúa trước vụ thu hoạch rất thuận lợi do đã chủ động được nguồn cung và không bị đội giá. Do đó, doanh nghiệp  cần liên kết chặt chẽ hơn với nông dân để chủ động nguồn cung và sản xuất những sản phẩm được thị trường ưa chuộng.

Đối với thủy sản, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn - khuyến cáo, hiện nay, có một số thị trường lớn truyền thống đang xây dựng và áp dụng các chương trình kiểm soát đối với các mặt hàng thủy sản Việt Nam. doanh nghiệp  phải phối hợp với các hộ nông dân chủ động cập nhật thông tin để kịp thời chuyển đổi vùng nuôi đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn từ các nước nhập khẩu.

Nguồn: Báo điện tử Công thương

Ý kiến bạn đọc