Thị trường ngoài nước
Xu hướng bảo hộ mậu dịch mới trong bối cảnh thực hiện các FTA thế hệ mới
21/03/2016

Các FTA nở rộ - nỗ lực tự do hóa thương mại

Báo cáo về thương mại quốc tế năm 2015 của WTO cho thấy sự gia tăng nhanh chóng của các hiệp định tự do hóa thương mại ở cấp khu vực (RTAs: regional trade agreements). Các thành viên WTO đã kí tổng cộng 11 RTA trong thời gian từ tháng 10/2014 đến tháng 10/2015, so với 9 RTA đã được kí kết trong giai đoạn từ tháng 10/2013 đến tháng 10/2014. Như vậy tính đến tháng 10/2015, đã có tổng cộng 265 RTA đã được thông báo chính thức lên WTO và có 75 RTA đã có hiệu lực nhưng chưa được thông báo chính thức lên WTO.

Ngoài các RTA hiện hành, phần lớn các thành viên của WTO đều đang đàm phán các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương mới nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại của mình. Đặc biệt những năm gần đây, những FTA thế hệ mới đã được đàm phán và kí kết, với quy mô thành viên và lĩnh vực thỏa thuận rộng hơn.

Các FTA thế hệ mới có những điểm mới so với các FTA trước đây như: Mức độ tự do hóa sâu, theo đó xóa bỏ phần lớn các dòng thuế, mở cửa mạnh các ngành dịch vụ…) và tất nhiên là rộng hơn nhiều so với WTO cũng như các FTA trước đây của Việt Nam (trừ ATIGA). Ngoài ra, phạm vi cam kết rộng của các FTA này rộng hơn, không chỉ tập trung vào lĩnh vực thương mại hàng hóa như trước đây, các FTA thế hệ mới sắp tới sẽ bao gồm những cam kết về nhiều lĩnh vực mới mà Việt Nam chưa từng cam kết/mở cửa, ví dụ: doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, lao động - công đoàn, môi trường… Khác với các FTA trước đây, chủ yếu ảnh hưởng tới chính sách thuế quan tại biên giới, các FTA thế hệ mới sắp tới có nhiều cam kết ảnh hưởng trực tiếp và lớn đến thể chế, chính sách pháp luật nội địa.

 

 

Bảo hộ mậu dịch vẫn gia tăng và ngày càng tinh vi hơn?

Nói một cách dễ hiểu nhất, bảo hộ mậu dịch là những biện pháp nhằm hạn chế nhập khẩu để bảo vệ sản xuất và thương mại trong nước. Các biện pháp này có thể bao gồm việc hàng rào thuế quan và hạn ngạch hoặc các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh, an toàn, lao động, môi trường, xuất xứ (hàng rào phi thuế).

Về lý thuyết, việc bảo hộ mậu dịch đem lại lợi ích nhất thời cho các nhà sản xuất trong nước và công ăn việc làm cho một số nhóm người lao động nào đó. Nhưng mặt trái của nó là hạn chế nguồn cung, giảm động lực cạnh tranh của các nhà sản xuất và kinh doanh trong nước và dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng khi giá bán hàng hóa tăng lên.

Theo thống kê của WTO, từ tháng 10/2014 đến tháng 10/2015, trung bình các biện pháp hạn chế thương mại mới ngày càng đa dạng ở mức khoảng 15 biện pháp mới mỗi tháng. Mặc dù các thành viên WTO đã áp dụng 222 biện pháp thuận lợi hóa thương mại, tương đương với 19 biện pháp mỗi tháng nhưng chỉ có 25% của các biện pháp hạn chế thương mại ghi nhận kể từ tháng 10/2008 đã được loại bỏ. Do đó, tổng số các biện pháp bảo hộ thương mại còn được áp dụng tới tháng 10/2015 đã lên tới 2,557, tăng 17% so với một năm trước đó. 75% số biện pháp hạn chế thương mại được duy trì từ năm 2008 đến nay chưa có giải pháp để dỡ bỏ. Trong số 2.557 biện pháp hạn chế thương mại (trong đó có các trừng phạt thương mại) được thực hiện từ cuối năm 2008 thì đến nay mới chỉ có 642 biện pháp được dỡ bỏ. Trong khi đó, bất chấp các nỗ lực thúc đẩy tự do hóa thương mại, các nước vẫn liên tiếp áp dụng thêm các biện pháp hạn chế thương mại mới, trong đó có nhiều biện pháp có khả năng sẽ được áp dụng trong dài hạn.

Một so sánh trong biểu đồ 1 cho thấy số lượng các biện pháp hạn chế thương mại được áp dụng mỗi năm thường cao hơn các biện pháp thuận lợi hóa thương mại.

 

 

                                                                                                             
Nguồn: WTO (2016)

Theo thông tin từ WTO, trong các vụ điều tra phòng vệ thương mại do các nước G20 đưa ra thì các điều tra nhằm chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với nhóm kim loại, hóa chất, chất dẻo và cao su vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất. Trung Quốc và Hàn Quốc là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất các điều tra phòng vệ thương mại. Hệ thống giám sát bảo hộ mậu dịch cho thấy mặc dù chiến dịch rà soát chống bán phá giá và phòng vệ thương mại khởi xướng từ năm 2008 và 2009 đã dịu xuống, nhưng chưa có một sự thay đổi nào đáng kể từ phía các nước cho thấy họ sẽ không gia hạn các chính sách bảo hộ, vốn được lấy cớ từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối thập kỷ trước.

Mặc dù số lượng các thông báo về các biện pháp bảo hộ thương mại lên WTO gia tăng chưa đủ để khẳng định chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy mạnh mẽ hơn, nhưng một thực tế khách quan không thể chối cãi là năm 2015, số lượng các biện pháp bảo hộ liên quan đến vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật đã đạt mức kỷ lục. Đây cũng là năm kỷ lục về số cuộc họp phải tiến hành để giải quyết về các vấn đề liên quan đến TBT và các quan ngại thương mại cụ thể STC (specific trade concern), trong đó khoảng 80% số vụ STC mới được khởi xướng bởi các nước G20.

 

 

                                                                                                            
      Nguồn: WTO (2016)

Trong lĩnh vực nông nghiệp, bảo hộ mậu dịch tiếp tục ở mức cao, đặc biệt ở các nước phát triển. Một số nước thậm chí còn thông báo sẽ xem xét đặc biệt kỹ lưỡng những STCs trong nông nghiệp.

Đối với các biện pháp hỗ trợ phát triển kinh tế nói chung, một số ngành công nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực chế biến, chế tạo (đặc biệt là sản xuất ô tô và phụ tùng), xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn thuộc nhóm được bảo hộ nhiều nhất, đồng thời cũng bị “thổi còi” nhiều nhất bởi các nước đối tác.

Trong lĩnh vực dịch vụ, rõ ràng sự ra đời của các FTA thế hệ mới đã giúp mở cửa nhiều thị trường tài chính, vận tải, viễn thông, công nghệ thông tin, y tế, du lịch… nhưng các chuyên gia quốc gia cũng cảnh báo, những năm tới sẽ là thời kỳ “âm thầm sinh sôi” của nhiều biện pháp bảo hộ mậu dịch tinh vi hơn nữa trong các lĩnh vực này, song song với những nỗ lực thuận lợi hóa thương mại mà chúng ta đang chứng kiến.

Như vậy có thể thấy, trong đà thuận lợi của việc tham gia các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, Việt Nam sẽ vẫn phải đối mặt với những thách thức to lớn từ những xu hướng mới của bảo hộ mậu dịch, ở mức độ tinh vi, dễ thay đổi và khó lường hơn trước rất nhiều. Đặc biệt, với lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và một số sản phẩm công nghiệp nhẹ, vốn là thế mạnh của Việt Nam, hàng rào bảo hộ không những không bị dỡ bỏ mà còn được đưa vào diện “xem xét” đặc biệt hơn sẽ là thách thức lớn đối với xuất khẩu. Ở chiều ngược lại, những công cụ bảo vệ thị trường nội địa Việt Nam còn khá “sơ sài” và bị áp lực “giám sát”, “dỡ bỏ” khi thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại trong các FTA. Trong thời gian tới, nếu không có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng về cả hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực và các chính sách bảo vệ nội địa phù hợp quy định và tinh vi hơn, chúng ta sẽ nhận phần thua thiệt hơn so với các đối tác khác trong các hiệp định, bởi vừa phải đối mặt với hàng rào bảo hộ của họ khi xuất khẩu, vừa phải mở cửa thị trường nội địa cho hàng nhập khẩu ồ ạt tràn vào mà không có các biện pháp…

Ý kiến bạn đọc