Tin tức
7 bí quyết để cải thiện chiến lược kinh doanh thương mại điện tử (Phần 1)
26/10/2013
 

Khi khách hàng ngày càng sử dụng Internet và smartphone cho các quyết định mua sắm, các nền kinh tế cũng nhìn thấy xu hướng chuyển dịch từ việc mua bán truyền thống phát triển thành “nhấp chuột và đặt hàng”, thương mại điện tử trở nên gắn bó với thương mại di động (m-commerce).

 

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đang mở rộng trực tuyến – từ các cửa hàng tạp phẩm đến “quán bia”, gần như bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ nào đều có sẵn thông qua việc nhấn vào nút bấm hoặc vuốt ngón tay. Hơn nữa, các nghiên cứu cũng cho thấy khách hàng trực tuyến cực kỳ trung thành – thậm chí còn hơn cả những khách hàng mua sắm tại cửa hàng.

Với các doanh nghiệp mới bước chân vào thế giới thương mại điện tử, quá trình này cũng có thể không mất quá nhiều thời gian. Thương mại điện tử đem đến vô số cơ hội cho nhà bán lẻ và thương hiệu, vì vậy các doanh nghiệp đang tìm cách tận dụng những lợi ích cũng phải xử lý một số quyết định khó khăn – thiết kế trang web, chiến lược truyền thông di động và xã hội, dịch vụ khách hàng và giá cả sản phẩm…

Các doanh nhân và nhà tiếp thị đã đưa ra một vài trong số những chìa khóa để lèo lái thương mại điện tử. Dưới đây là 7 bí quyết tốt nhất cho chiến lược kinh doanh thương mại điện tử của bạn.

1. Tạo ra trải nghiệm định hướng người dùng

Khi khách hàng không thể thực sự nhìn thấy và chạm vào sản phẩm bạn đang cung cấp trực tuyến, việc thuyết phục họ bỏ tiền ra để mua hàng có thể sẽ khó khăn hơn. Định giá sản phẩm phù hợp và cung cấp một trải nghiệm người dùng thân thiện, mang tính cá nhân là một cách để khuyến khích khách hàng điền đầy vào giỏ hàng  “online” của họ.

 

Luvocracy là một nền tảng trực tuyến dành riêng để giúp người mua hàng tìm thấy các sản phẩm mà họ yêu thích thông qua các khuyến nghị từ những “người dẫn đầu xu hướng đáng tin cậy”. CEO Nathan Stoll cho biết một trong những lý do nền tảng đó thành công là nhờ những trải nghiệm tốt trong việc cung cấp các khuyến nghị có chất lượng cho những người sử dụng có cùng thị hiếu. “Mọi người muốn cảm thấy các quyết định họ đưa ra là tốt và cảm thấy mình có ý nghĩa thông qua sự giúp đỡ mà họ cung cấp cho người khác. Tạo ra một nơi để những khoảnh khắc hữu ích được ghi lại, chia sẻ, tổ chức và được cho phép để vượt từ thế giới kỹ thuật số sang cuộc sống vật chất một cách dễ dàng là điều vô cùng bổ ích“, Stoll nói.

 

Trang web “thiết kế-với-một mục đích” Zady chú trọng vào tính thẩm mỹ và giao diện người dùng để cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến tốt nhất có thể. “Cũng quan trọng như việc chào đón khách hàng của chúng tôi với một cái bắt tay thật chặt khi gặp họ, trên Zady.com các đặc tính tương tự việc “bắt tay” được áp dụng. Chúng tôi nghiên cứu để làm cho thiết kế trở nên đẹp và dễ sử dụng, minh họa thông qua hình ảnh và đồ họa đẹp rằng Zady là một công ty đúng-mục-đích“, đồng sáng lập Maxine Bédat cho biết.

 

Một cách tiếp cận thương mại điện tử theo định hướng người dùng sẽ giúp tăng thêm lòng trung thành cho thương hiệu, điều này rất quan trọng đối với lợi nhuận ròng – hầu như không có nhà bán lẻ trực tuyến nào có thể hòa vốn bằng cách chỉ dựa vào những người mua sắm một lần. Cá nhân hoá những trải nghiệm của người sử dụng cũng giúp các doanh nghiệp phân khúc người xem của mình, từ đó có thể tiếp thị hiệu quả hơn thông qua các chiến dịch quảng cáo theo từng mục tiêu.

 

Để thực sự giành được khách hàng, bạn có để thu hút tình cảm từ người dùng của bạn“, theo Andres Teran, đồng sáng lập của Toplist – một nền tảng khuyến nghị mua sắm xã hội nói. “Ngoài độ tuổi hay thành phố mà bạn nhắm mục tiêu, điều quan trọng là tìm kiếm những người chia sẻ cảm xúc và hành vi hướng tới một cái gì đó. Một khi bạn biết điều này, sẽ dễ dàng hơn để tìm thấy những gì khách hàng mục tiêu của bạn thích, sử dụng, làm và tham gia với anh ấy/cô ấy ở đâu“.

2. Thiết kế dịch vụ mà chính bạn muốn sử dụng

Đối tượng thử nghiệm tốt nhất cho công việc kinh doanh trực tuyến, ứng dụng hoặc trang web thương mại điện tử thường là chính bạn bè, gia đình và các đồng nghiệp của bạn. “Hãy để nhóm phát triển sản phẩm của bạn kiểm tra dịch vụ như là người tiêu dùng lý tưởng của bạn: Nếu bạn không cảm thấy thoải mái, dễ dàng khi lướt trang web của mình trong một giờ liền, chắc chắn nó chưa thể ổn được. Nếu 99% hiệu suất máy chủ của bạn không đủ tốt, bạn sẽ biết liền“, Stoll của Luvocracy cho biết.

 

Chieh Huang, CEO của ứng dụng mua sắm thu phí thành viên Boxed, khuyến khích nhóm phát triển sản phẩm đặt mình vào vị trí của khách hàng. “Chúng tôi xây dựng Boxed vì nó là một dịch vụ toàn bộ công ty chúng tôi muốn sử dụng“, ông Huang nói. “Khi toàn bộ nhóm phát triển sản phẩm đang nghĩ giống như một khách hàng, việc đó sẽ thể hiện trong sản phẩm cuối cùng“.

 

Alex Gonzalez, CEO và đồng sáng lập của Chatalog, một nền tảng mua sắm trực tuyến hợp tác, chia sẻ về cách thử nghiệm mô hình kinh doanh kiểu gia đình: “Thật dễ dàng để chúng tôi xác định được người sử dụng của mình và những khó khăn của họ, sau đó xây dựng một sản phẩm để giải quyết chúng, vì người sử dụng ban đầu là vợ tôi và cũng là người đồng sáng lập – Natalie. Khách hàng cuối cùng của chúng tôi là những người mua sắm và cuối cùng đối với tôi thì phép thử tiếp tục là liệu tôi có khiến Natalie sử dụng Chatalog mỗi đêm với bạn bè và gia đình của cô ấy sau khi kết thúc một ngày làm việc hay không“.

3. Phản hồi của khách hàng là rất quan trọng

Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng biết rằng dịch vụ khách hàng là một phần của nền tảng cho sự thành công, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng cần dựa vào khách hàng của họ trong quảng cáo truyền miệng và sự trung thành với thương hiệu.

 

Teran tin vào phản hồi của khách hàng về các quyết định quan trọng trong sự phát triển của Toplist và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe ý kiến ​​khách hàng để điều chỉnh cho phù hợp. “Đôi khi, những người kinh doanh chúng ta tin rằng ý tưởng mình có và sản phẩm mình tạo ra sẽ hấp dẫn được tất cả mọi người – nhưng hóa ra bạn phải đi ra ngoài thị trường, hỏi han và cố gắng. Bạn phải lắng nghe khách hàng của mình, những gì bạn đang xây dựng là dành cho họ, vì vậy họ sẽ có ý tưởng khá tốt về những gì họ cần. Lúc đầu, sản phẩm của chúng tôi có quá nhiều đặc tính và chức năng mà chúng tôi nghĩ là thực sự tuyệt vời – người dùng của chúng tôi đã không nghĩ như thế. Chúng tôi nhận thấy họ muốn sản phẩm đơn giản, có thể đáp ứng nhu cầu của họ một cách nhanh chóng và dễ dàng, vì vậy chúng tôi quyết định làm điều đó“, Teran nói.

 

Soraya Darabi, đồng sáng lập của Zady, đồng ý rằng lắng nghe thông tin phản hồi trên nhiều kênh khác nhau là cực kỳ quan trọng khi thực hiện điều chỉnh hoặc giới thiệu sản phẩm mới: “Cộng đồng chúng tôi đang hình thành là tất cả mọi thứ đối với chúng tôi. Phản hồi của khách hàng, cho dù dưới hình thức của một email mang tính hỗ trợ hoặc một ghi chú trên Instagram, Twitter hay Facebook, đều được đọc và chia sẻ rộng rãi trong nhóm phát triển sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi lắng nghe ý kiến ​​phản hồi để phản ứng một cách nhanh chóng và phù hợp“.

 

Thông tin phản hồi của khách hàng không chỉ giúp các doanh nghiệp phát triển và hoàn thiện sản phẩm hoặc nền tảng của mình, Stoll cho biết việc lắng nghe khách hàng cũng có thể có một tác dụng “khổng lồ” đến việc xây dựng doanh nghiệp. “Hãy tận dụng tiếng nói đích thực của khách hàng. Khách hàng của bạn rất mong muốn được giúp bạn và được làm cho họ cảm thấy mình có ý nghĩa. Họ là lý do để bạn thành công“, Stoll nói. “Thay vì cảm thấy rằng bạn đang không ngừng cố gắng để khiến cho họ tham gia, hãy làm cho họ cảm thấy tốt về những gì họ làm và thực tế là họ sẽ quyết định mua thương hiệu và sản phẩm của bạn“.

Ý kiến bạn đọc