Tin tức
Bán hàng bằng điện thoại di động
09/09/2015

Mua sắm bằng điện thoại di động đang ngày càng trở nên gần gũi hơn với người tiêu dùng thông qua các ứng dụng mua sắm trực tuyến và những trang web thân thiện với thiết bị di động.

Doanh nghiệp Thương mại điện tử quyến rũ tiểu thương

Với một cú chạm màn hình của chiếc điện thoại thông minh, các chủ cửa hàng trên sàn thương mại điện tử Sendo.vn đã có thể nhận đơn hàng và xử lý đơn hàng ngay lập tức. Nhờ ứng dụng bán hàng Sendo Shop, giờ đây, các chủ cửa hàng có thể nhận đơn hàng mà không cần phải ôm khư khư chiếc máy tính xách tay bên mình như trước.

Hiện tại, ứng dụng bán hàng của Sendo.vn đã có mặt trên các kho ứng dụng Google Play (thiết bị di động Android) và iTunes Store (iPhone/iPad).

Tại buổi hội thảo “Ứng dụng thương mại điện tử trên di động: Future Now” diễn ra tại TP HCM, bằng ứng dụng bán hàng của Sendo, một chủ cửa hàng đã thực hiện toàn bộ quá trình nhận đơn hàng, liên hệ với khách hàng, chuyển đơn hàng đó cho nhân viên phụ trách giao nhận... trên chiếc điện thoại thông minh.

Trong tương lai, sàn thương mại điện tử này còn muốn cung cấp ứng dụng bán hàng di động cho các cửa hàng kinh doanh thực phẩm tươi sống (rau quả, trái cây, thịt, cá...). Các chủ cửa hàng có thể dùng điện thoại thông minh để chụp ảnh, soạn thảo nội dung giới thiệu sản phẩm và đăng tin bán sản phẩm trên sàn.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Mua Bán Nhanh lại đang tiếp cận các tiểu thương ở chợ Bà Chiểu để giới thiệu ứng dụng MuaBanNhanh.com. Các tiểu thương tại đây được nhân viên chăm sóc khách hàng của công ty hướng dẫn cách sử dụng ứng dụng, cách đăng tin bán sản phẩm trên điện thoại di động. Thông qua ứng dụng di động này, công ty muốn giúp các nhà bán lẻ “đặt cửa hàng của họ vào túi của khách hàng”.

Ông Lâm Quang Vinh, Tổng giám đốc Công ty Mua Bán Nhanh, cho biết ứng dụng di động này thích hợp với nhiều loại hình bán lẻ khác nhau. Người bán có thể bán hàng ở nhà, ở chợ, ở cửa hàng..., không phân biệt quy mô bán hàng. Chủ cửa hàng trên MuaBanNhanh.com có thể là tiểu thương ở chợ hoặc chỉ là một người thích bán hàng qua mạng. Để bán hàng, người bán chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh chụp ảnh, chỉnh sửa ảnh bằng ứng dụng và giới thiệu sản phẩm dễ dàng như đăng bài trên Facebook...

Công ty Mua Bán Nhanh cũng tích hợp sẵn phương tiện liên lạc như gọi điện thoại, nhắn tin (giống như ứng dụng gọi điện/nhắn tin trên Internet) giữa người bán và người mua. Điều này giúp chủ cửa hàng tiết kiệm chi phí liên lạc và tạo sự thuận tiện cho người dùng ứng dụng.

Xu hướng mua sắm di động

Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, thương mại điện tử trên nền tảng di động ở Việt Nam đang tăng trưởng nhanh cùng với sự phát triển của điện thoại thông minh, máy tính bảng. Có đến 34% dân số thường xuyên truy cập Internet bằng thiết bị di động và họ dành tới một phần ba thời gian trong ngày để lên mạng. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển thương mại điện tử di động.

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng cục này, cho rằng bên cạnh sự thuận tiện, linh hoạt, kết nối dễ dàng, việc mua sắm qua di động do được định danh qua số điện thoại nên giúp làm tăng độ tin cậy, khả năng xác thực.

Không chỉ là chuyện mua sắm thuận tiện, các thiết bị di động còn đóng vai trò tương tác giữa người bán và người mua, như một số ứng dụng bán hàng trên di động có tính năng chat giữa người bán với khách hàng, điều này giúp chủ cửa hàng có điều kiện giải đáp thắc mắc của khách hàng tức thời, giúp họ giữ chân khách hàng lâu hơn...

Hoặc các cửa hàng có thể dựa vào tính năng định vị trên thiết bị di động (location) để tiếp thị sản phẩm vào thời điểm thích hợp. Ví dụ như một chuỗi bán lẻ có thể giới thiệu sản phẩm mới khi khách hàng (đang sử dụng ứng dụng) di chuyển đến gần cửa hàng. Ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc sàn thương mại điện tử Sendo.vn, cho biết: “Ứng dụng di động Sendo.vn giúp chúng tôi giới thiệu sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng của khách hàng. Ví dụ, nếu khách hàng đang sử dụng điện thoại iPhone 6, ứng dụng Sendo.vn (nhận diện nhãn hiệu điện thoại) có thể đưa ra gợi ý một số loại phụ kiện dành cho chiếc điện thoại thông minh này”.

Bà Vũ Hoàng Yến, Giám đốc tiếp thị của sàn Thương mại điện tử thời trang Zalora, cũng cho biết: “Ngay từ lúc ra mắt thương hiệu Zalora ở Việt Nam, chúng tôi đã xác định việc tiếp cận khách hàng thông qua nền tảng di động. Những khách hàng đang sử dụng ứng dụng di động Zalora là những khách hàng thường xuyên mua sắm hàng hóa của Zalora. Chúng tôi có những cách thức tiếp thị sản phẩm khác nhau tùy theo khách hàng sử dụng thiết bị mua hàng bằng điện thoại thông minh, máy tính bảng hay máy tính (laptop, desktop)”.

Hầu hết các doanh nghiệp thương mại điện tử đều cho rằng việc phát triển thương mại điện tử trên nền tảng di động là tất yếu. Tùy theo quy mô phát triển kinh doanh, các doanh nghiệp có thể chọn thời điểm thích hợp để ra mắt ứng dụng mua sắm trên di động. Hiện tại, các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn như Lazada, Sendo, Zalora, Hotdeal... đã sớm triển khai các ứng dụng mua sắm qua di động.

Trong tương lai, các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng sẽ trở thành thiết bị mua sắm, thanh toán di động quen thuộc của người tiêu dùng. Các chuyên gia thương mại điện tử cũng dự báo Việt Nam đang bắt đầu chuyển dịch từ thương mại điện tử

Mua sắm di động ở Việt Nam tăng trưởng mạnh

Theo khảo sát mua sắm qua di động của MasterCard công bố trong tháng 7-2015, Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh về tỷ lệ mua sắm qua thiết bị di động. Việt Nam đứng thứ 5 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về số người mua sắm qua thiết bị di động, tăng từ 34,9% (trong tổng số người mua sắm qua mạng) năm 2013 lên 45,2% vào cuối năm 2014, gần đạt mức trung bình 45,6% của khu vực.

MasterCard cũng cho biết thêm, các yếu tố thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm trên điện thoại thông minh, máy tính bảng bao gồm: mua sắm tiện lợi, có thể mua sắm mọi lúc mọi nơi, sự xuất hiện của nhiều ứng dụng di động mua sắm trực tuyến...

Ý kiến bạn đọc