Từ ngày mùng 2 đến 03 tháng 7 năm 2015, tại thủ đô Jarkata, Indonesia đã diễn ra Hội thảo về bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực viễn thông và thương mại điện tử. Tham dự chương trình Hội thảo, bên cạnh đại diện của các nước thành viên của Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng Asean (Asean Committee on Consumer Protection – ACCP) còn có chuyên gia của Ủy ban thương mại Liên bang Mỹ (USFTC) và Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC).
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ những quy định pháp luật và kinh nghiệm từ những vụ việc thực tế trong lĩnh vực viễn thông và thương mại điện tử , cùng với đó, các nước thành viên Asean cũng chia sẻ tình hình thực tế của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các lĩnh vực liên quan. Từ những thông tin chia sẻ, có thể nhận thấy, vấn đề vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong hai lĩnh vực nêu trên không chỉ diễn ra tại khu vực Đông Nam Á mà còn là vấn đề nổi bật đối với các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tại Úc và Mỹ. Thậm chí, trong lĩnh vực viễn thông, hành vi tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, cuộc gọi mạo danh (quấy rối) có hình thức và nội dung diễn ra tương tự tại hầu hết các nước có đại diện tham dự Hội thảo.
Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng Asean |
1. Thông tin gian dối, gây nhầm lẫn
Một trong những nội dung chính được thảo luận chi tiết tại Hội thảo là quy định về thông tin gian dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Trong hầu hết các giao dịch mua bán, thông tin là thành phần quan trọng. Đặc biệt đối với các phương thức giao dịch từ xa như qua phương tiện viễn thông hoặc qua phương tiện điện tử thì thông tin càng đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, việc xác định thông tin cung cấp cho người tiêu dùng có gian dối hay có gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng hay không là một trong những căn cứ để xác định vụ việc có vi phạm quy định pháp luật hay không. Theo pháp luật của Úc và Mỹ, cũng như tại Philippine, Malaysia và Việt Nam thì thông tin gian dối, gây nhầm lẫn là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo quy định pháp luật của Mỹ, một hành vi được coi là lừa dối khi có đủ những điều kiện sau. Trước hết, hành vi phải có dấu hiệu hoặc được cho là có ý lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Các hành vi này có thể bao gồm cả các tuyên bố bằng lời nói hoặc bằng văn bản về các nội dung gây nhầm lẫn về giá sản phẩm; về việc bán các sản phẩm nguy hiểm hoặc có thiếu sót về mặt kỹ thuật mà không cảnh báo đầy đủ; về việc bán hàng đa cấp bất chính; về việc sử dụng các tiểu xảo kinh doanh trái pháp luật; về việc không thực hiện dịch vụ đã cam kết và việc không thực hiện trách nhiệm bảo hành.
Thứ hai, người tiêu dùng có liên quan trong vụ việc phải là người có trình độ tư duy và khả năng nhận thức ở mức hợp lý trong hoàn cảnh của vụ việc. Nếu vụ việc xảy ra với một nhóm người tiêu dùng cụ thể thì Ủy ban sẽ xem xét vụ việc theo quan điểm và nhận thức của nhóm cụ thể đó.
Thứ ba và cuối cùng là các hành vi có dấu hiệu lừa dối, gây nhầm lẫn phải có mối liên hệ tới hành vi hoặc tác động tới quyết định mua bán của người tiêu dùng.
Như vậy, hành vi lừa dối người tiêu dùng, theo quy định của Mỹ là hành vi có dấu hiệu lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng có nhận thức ở mức hợp lý trong những hoàn cảnh cụ thể và gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng. Với quan điểm tương tự như vậy, pháp luật của Úc cũng đưa ra những định nghĩa và những quy định nhằm xác định một thông tin có yếu tố gian dối hay gây nhầm lẫn hay không.
Trong lĩnh vực viễn thông, các hành vi gian dối hoặc có yếu tố gây nhầm lẫn chủ yếu tập trung vào các hình thức tin nhắn lừa đảo; giá của dịch vụ viễn thông, cách thức cung cấp dịch vụ viễn thông. Liên quan đến thông tin này, Uỷ ban thương mại liên bang Mỹ cung cấp dữ liệu cho thấy số vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng trong các lĩnh vực nêu trên đang có xu hướng tăng, cụ thể:
Theo đó, nhóm hàng hóa, dịch vụ liên quan đến Viễn thông tăng từ 602 vụ việc năm 2011 lên 941 vụ việc năm 2012 và 922 vụ việc năm 2013; đặc biệt, nhóm dịch vụ thông tin trên Internet từ 143 vụ việc năm 2011 tăng đột biến lên 385 vụ việc năm 2012 và 369 vụ việc năm 2013.
2. Điều khoản không lành mạnh trong hợp đồng
Một nội dung quan trọng tại Hội thảo là khái niệm về điều khoản không lành mạnh trong hợp đồng. Theo định nghĩa của Úc, điều khoản không lành mạnh trong hợp đồng được xác định dựa trên ba yếu tố:
Thứ nhất, điều khoản đó tạo ra sự không cần bằng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.
Thứ hai, điều khoản đó là không cần thiết trong việc bảo vệ quyền của bên bán.
Cuối cùng, điều khoản đó gây ra sự tổn hại về tài chính hoặc không tài chính đối với người tiêu dùng.
Căn cứ trên ba tiêu chí này, cơ quan pháp luật Úc đã xác định và đưa ra nhiều phán quyết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch viễn thông và thương mại điện tử.
3. Bảo vệ thông tin người tiêu dùng
Ngày càng có nhiều người tiêu dùng sử dụng các phương thức giao dịch hoặc đơn giản chỉ là truyền tải hoặc lưu giữ thông tin trên các thiết bị viễn thông có kết nối Internet. Tại Úc, có tới 61% người dân mua bán hàng hóa, dịch vụ online, trong đó, 68% là giao dịch nội địa và hơn 20% là giao dịch với các gian hàng nước ngoài.
Đối với các giao dịch online, bên cạnh các thông tin có giá trị kinh tế như thông tin về thẻ tín dụng, tài khoản của người sử dụng thì các thông tin như số điện thoại, email, địa chỉ của người tiêu dùng cũng đang dần trở thành những thứ có giá trị đối với các doanh nghiệp.
Tại Ủy ban thương mại Liên bang Mỹ, từ năm 2001 tới nay có hơn 100 vụ liên quan đến chính sách thông tin của người tiêu dùng, trong đó, hơn 50 vụ liên quan đến an toàn thông tin của người tiêu dùng và có nhiều vụ liên quan tới các thương hiệu quốc tế lớn như Google, Twitter và Facebook (mỗi vụ việc như vậy liên quan tới hàng trăm nghìn tài khoản của người tiêu dùng). Các hành vi có dấu hiệu không đảm bảo an toàn thông tin của người tiêu dùng bao gồm: lưu chuyển thông tin người tiêu dùng không có mã hóa; không có biện pháp hạn chế truy cập mạng wifi của công ty; không cảnh báo người tiêu dùng sử dụng mật khẩu có độ bảo mật cao; không sử dụng các công cụ ngăn chặn một cách hợp lý như tường lửa, phần mềm diệt virus. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, vấn đề an toàn thông tin của người tiêu dùng ngày càng trở lên phức tạp do yếu tố các giao dịch xuyên biên giới diễn ra ngày càng nhiều. Điều nay gây khó khăn cho các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng trong việc phối hợp với các cơ quan tại các nước khác nhau nhằm truy vết và điều tra các thông tin liên quan phục vụ cho quá trình giải quyết vụ việc.
Tại Hội thảo, phía Việt Nam đã chia sẻ thông tin về việc Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, Bộ Công Thương đã và đang sử dụng hệ thống tiêu chí đánh giá website Safeweb nhằm đảm bảo các website thực hiện các biện pháp, chính sách bảo vệ an toàn thông tin của người tiêu dùng.
Giới thiệu về chứng nhận Safeweb tại Việt Nam |
Hiện tại, chính phủ Úc cũng đang dành sự quan tâm đặc biệt nhằm xác định rõ và đề xuất cách giải quyết đối với các vấn đề an toàn thông tin của người tiêu dùng (vấn đề này đã được đặt ra từ năm 2011 và đang được cố gắng hoàn thiện trong tháng 11 năm 2015).
Như vậy, với thời lượng của Hội thảo trong 1.5 ngày, đại diện các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Asean và các nước Mỹ và Úc đã chia sẻ và thống nhất quan điểm: các vấn đề xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong các lĩnh vực thương mại điện tử, viễn thông và an toàn thông tin của người tiêu dùng trong các lĩnh vực này đang là vấn đề mang tính quốc tế, diễn ra đồng thời tại tất cả các quốc gia. Do vậy, các hoạt động phối hợp giữa các nước cần phải tiếp tục đẩy mạnh và thắt chặt trong thời gian tới nhằm đạt được hiệu quả trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt, trong bối cảnh phát triển mở rộng và toàn cầu hóa của dịch vụ viễn thông và thương mại điện tử.