Những chiến lược gọi vốn, những khoản đầu tư khủng liên tục được đổ vào nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử càng khiến đường đua thương mại điện tử Việt Nam trở nên gây cấn.
Lazada mạnh vì vốn?
Theo báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2014 được Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) công bố gần đây, tổng doanh thu của các sàn giao dịch thương mại điện tử trong năm 214 hơn 1.660 tỷ đồng. Trong đó, trang lazada.vn vượt qua 216 sàn giao dịch thương mại điện tử khác trong nước, đứng đầu về doanh thu, chiếm 36,1% thị phần trong năm 2014.
Trang sendo.vn với doanh thu cao thứ nhì chiếm 14,4%, thứ ba là zalora.vn với 7,2% thị phần, tiki.vn nắm giữ 5,4%, ebay.vn là 3,6%... Như vậy, doanh thu của lazada.vn vào khoảng 600 tỷ đồng và sàn này đang tạm giữ ngôi vương trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
Nói về doanh thu cũng như vị trí lazada.vn đang nắm giữ, ông Trần Đức Thắng, người sáng lập kay.vn, cho rằng điều này cũng hoàn toàn bình thường bởi sàn giao dịch này đã có mặt ở Việt Nam được 3 năm và liên tục nhận được những khoản đầu tư lớn để đẩy mạnh công tác quảng bá, tiếp thị trên nhiều kênh truyền thông cũng như mở rộng số lượng sản phẩm. “Song doanh thu khủng là một chuyện, vấn đề là lời hay lỗ và nếu có lời thì lời bao nhiêu? Đó mới là mấu chốt đáng quan tâm hơn cả” - ông Thắng nhìn nhận.
Theo thông tin từ phía sàn thương mại lazada.vn, cuối năm 2014, Lazada Group - trung tâm điều hành kênh mua sắm trực tuyến số một Đông Nam Á - công bố đã nhận được khoản vốn đầu tư mới lên đến 200 triệu EUR (gần 250 triệu USD) từ các tập đoàn lớn Temasek (Singapore), Rocket Internet (Đức), Kinnevik và Verlinvest để phát triển 6 thị trường ở khu vực Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Riêng Lazada Việt Nam nhận khoảng 1/6 trong số này. Năm 2014, số sản phẩm bán ra của lazada tăng 300.000 món hàng, thuộc 13 nhóm sản phẩm khác nhau. Có thể thấy, Lazada hiện đang giữ một khoảng cách khá xa so với đối thủ đứng thứ 2 là sendo.vn. Một câu hỏi được quan tâm là liệu lazada có thể giữ vị trí này trong bao lâu? Có ai thắng nổi lazada hay không?
Một trong những sáng lập viên của một sàn thương mại điện tử trong nước cho rằng không ai mãi có thể là số một, ông này lấy một thí dụ trang mạng xã hội facebook khi mới ra chỉ đứng thứ 3, nhưng sau một thời gian đã vươn lên dẫn đầu. Tuy nhiên, cũng không ai có thể biết chắc có mạng xã hội nào mới thay thế facebook hay không. “Và câu chuyện thương mại điện tử Việt Nam hay lazada cũng không có vẻ gì khác biệt” - vị này khẳng định.
Nô nức gọi vốn ngoại
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, cho hay mặc dù các website do nhà đầu nước nước ngoài làm chủ chiếm số lượng nhỏ, nhưng lại nắm đến 59% doanh thu, tăng 15% so với mức 44% của năm 2013. Và để có thêm vốn cũng như kinh nghiệm, nhiều cuộc hợp tác giữa các nhà đầu tư nội và ngoại đã diễn ra trong khoảng 2 năm trở lại đây.
Tiêu biểu như thương vụ 3 nhà đầu tư thuộc lĩnh vực internet của Nhật Bản đã chen chân vào thương mại điện tử Việt Nam khi nắm giữ 33% cổ phần tại CTCP Sen Đỏ - Sendo, đơn vị trực thuộc Tập đoàn FPT. Hay trước đó là cái bắt tay giữa tiki.vn và Sumitomo của Nhật Bản….
Trở lại câu chuyện với ông Trần Đức Thắng, ông Thắng cho hay kay.vn đang trên con đường gọi vốn các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, để đẩy mạnh hoạt động của mình. Có thể thấy khi các nhà đầu tư ngoại vào thị trường đã mang lại diện mạo mới hơn cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam, nhưng nó cũng đẩy các DN Việt vào một cuộc đua khốc liệt hơn và thậm chí đây đôi khi cũng được xem là cuộc đua chưa cân sức giữa nội và ngoại. Nhưng vấn đề là dư địa thị trường ra sao.
Hầu hết mọi ý kiến đều cho rằng dư địa thị trường còn rất lớn vì thương mại điện tử của Việt Nam đang trong giai đoạn mới bắt đầu. “Tuy nhiên, nó không dễ cho bất cứ ai, không phải cứ làm ra một website sau đó tung hàng lên bán là xong” - anh Nguyễn Duy, một người từng thất bại khi tham gia mảng kinh doanh này, chia sẻ với ĐTTC.
Đó là có lẽ cũng là lý do mà những người đến cuộc chơi sau thường phải là những đối thủ mạnh về tài chính. Trong năm 2014, sự tham gia của Vingroup với việc thành lập VinEcom, có vốn điều lệ lên đến hơn 1.000 tỷ đồng, được đánh giá là sẽ làm cuộc chơi nội - ngoại thêm hấp dẫn. Như đã nói, thương mại điện tử Việt Nam so với nhiều quốc gia khác vẫn còn rất mới, nên cần thời gian để ổn định, người vào kẻ ra trong cuộc đua này là hết sức bình thường. Ai làm tốt nhất sẽ giữ được thị trường lâu dài. Và đương nhiên “đường dài mới hay sức ngựa”.