Tin tức
Ứng dụng thương mại điện tử: Lực đẩy trong kinh doanh hợp tác xã
24/07/2015
Cho đến thời điểm này, hệ thống hợp tác xã (HTX) ở Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh phát triển sản xuất. Việc ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới, kết nối từ sản xuất đến tiêu dùng đối với các HTX là xu hướng tất yếu. 

“Lỗ hổng” về TMĐT

Hiện Việt Nam có khoảng 370.000 tổ hợp tác/20.000 HTX, thu hút khoảng 13.000 triệu người lao động. Hàng năm, khu vực HTX đã đóng góp khoảng 6% GDP của đất nước. Bên cạnh những HTX mạnh, phần lớn hệ thống HTX của Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Đơn cử HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Xuân Tiến (xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh, Ninh Bình) là một trong những HTX được xem là mạnh điển hình trong liên kết “4 nhà” về bao tiêu nông sản, nhưng thực tế việc ứng dụng TMĐT còn rất sơ khai. Ông Phạm Văn Thẫn - Phó giám đốc HTX - cho biết: “HTX hiện chưa có website, chỉ có duy nhất bộ máy vi tính không kết nối Internet. Các giao dịch email đều nhờ bên ngoài, kể cả việc nắm bắt tin tức thị trường chủ yếu qua bạn hàng, hay bằng máy tính, điện thoại cá nhân… Nhân lực HTX có 36 cán bộ đến tổ đội nhưng chưa ai am hiểu chuyên sâu TMĐT. Mong muốn nhất của HTX là xây dựng thương hiệu “Rau quả Đồng Xuân Tiến”, nhất là các loại rau quả xuất khẩu chủ lực: dưa chuột, mướp đắng, cà chua nhót nhưng chưa có cấp ngành nào hướng dẫn giúp đỡ…”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đỗ Xuân Cảnh - Trưởng Ban Kinh tế đầu tư  (Liên minh HTX Việt Nam) cũng đã đưa ra dẫn chứng về thực thực trạng "được mùa mất giá" trong nông nghiệp Việt Nam đang là một chủ đề rất nóng trên bàn nghị sự. Nông dân mong ngóng từng ngày, từng giờ những giải pháp quyết liệt để khơi thông kênh phân phối hàng hóa nông sản đang rất yếu kém, bởi chưa trả lời được câu hỏi sản xuất cái gì, bán cho ai và bán đi đâu? Chính vì vậy, TMĐT sẽ đưa ra lối thoát và góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các DN, HTX thu được nhiều lợi ích nhất.

Thúc đẩy ứng dụng TMĐT trong HTX

Theo Liên minh HTX Việt Nam, vấn đề có ý nghĩa quyết định để có một mô hình liên kết bền vững là phải có sự cam kết, ràng buộc về trách nhiệm giữa DN và nông dân. Trong xu thế sản xuất hàng hóa quy mô lớn, việc xây dựng mối liên kết HTX với DN và người nông dân - sản xuất là yếu tố quan trọng, mang tính chiến lược cho HTX phát triển bền vững. Đặc biệt, chỉ có liên kết chú trọng HTX và DN mới phát triển được thương hiệu sản phẩm, sử dụng được các phương thức TMĐT hiện đại qua mạng Internet.

Ông Đỗ Xuân Cảnh cũng khẳng định, HTX cùng DN nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, tiếp đó tư vấn hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất và quan trọng nhất là triển khai bao tiêu thu mua thông qua TMĐT, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Nhận định về vấn đề này, ông BaluIyer - Tổng giám đốc Liên minh HTX quốc tế khu vực châu Á- Thái Bình Dương  - cho rằng, HTX hiện nay cần tăng cường sức mạnh TMĐT, tập trung học hỏi chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước thành viên về thúc đẩy kinh doanh phát triển HTX, từ các nước đang mạnh về HTX (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan…) đến các nước còn lại trong khu vực.

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam:

Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, TMĐT sẽ là những giải pháp hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX. Đây chính là xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế hiện nay, là nhu cầu cấp thiết của HTX, DN trong chiến lược phát triển bền vững.



Ý kiến bạn đọc