Tin tức
Vì sao châu Âu lại bị tụt hậu trong lĩnh vực được xem là “sáng tạo”?
27/06/2015

Trong hội nghị thượng đỉnh thường niên về kinh doanh của châu Âu ở Brussels hồi tháng trước, đã có nhiều lời than phiền về sự thất bại của liên minh châu Âu (EU) trong việc phát triển một nền kinh tế kĩ thuật số so với Mỹ và châu Á. Vậy đâu là nguyên nhân?

Trước hết, đó là do những quy định phức tạp giữa các quốc gia. Thật lạ lùng là với người châu Âu, mua và bán hàng trực tuyến với những quốc gia không phải là thành viên EU, đặc biệt là với Mỹ, vốn chiếm đến hơn phân nửa nền kinh tế kĩ thuật số của EU, lại dễ dàng hơn với các quốc gia trong khối.

Theo chủ tịch EU Jean-Claude Juncker, chỉ có 4% thương mại điện tử của châu Âu ngày nay là có dính dáng đến các công ty ở những quốc gia EU khác.

Ngoài những luật lao động mang tính hạn chế và một mô hình “đánh thuế mạnh tay những ai thành công”, các nhà khởi nghiệp lại phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến hệ thống khi thành lập công ty mới, hợp tác với những cơ quan học thuật, hay tiếp cận dễ dàng với những nguồn với từ giai đoạn đầu.

Hậu quả là đến nay EU vẫn chưa sản sinh ra được những tỉ phú công nghệ đình đám, hay những người và công ty có thể làm thay đổi cuộc chơi.

Theo báo cáo thường niên trong cuộc họp trên, trong 15 công ty Internet có giá trị nhất (gần 2,5 nghìn tỉ USD) không hề có công ty nào của châu Âu. 11 trong số đó là từ Mỹ và 4 công ty còn lại là từ Trung Quốc.

 

Cũng cần nhắc lại là, ngoại trừ Apple, thì những công ty trên được thành lập sau năm 1995, rất lâu sau khi các chính phủ châu Âu bắt đầu có những đầu tư mạnh mẽ vào môi trường kĩ thuật và kinh doanh, là điều mà đã tạo nên cuộc cách mạng công nghệ thông tin ở Mỹ và châu Á.

Một trở ngại khác cho những người sáng tạo ở châu Âu là họ đang có một nền văn hóa chống lại “những mô hình kinh doanh giúp thay đổi cuộc chơi”.

Chẳng hạn như trong khi các startup trong nền kinh tế chia sẻ đang gặp phải những phản ứng tiêu cực từ Mỹ thì vấn đề này dường như nghiêm trọng hơn ở 28 quốc gia khối EU, ví dụ như Uber và Lyft hiện đang có nguy cơ bị “xóa sổ” ở châu Âu, với Pháp và Ý là hai quốc gia gần đây đã thông qua luật cấm dịch vụ chia sẻ này nhằm bảo vệ taxi truyền thống.

Châu Âu cần phải làm gì?

 

Mặc dù nhiều quốc gia châu Âu hiện vẫn có thứ hạng cao về năng lực kĩ thuật số, nhưng “đà” phát triển của họ đã chậm lại, hoặc tệ hơn. Hầu hết các quốc gia thuộc EU hiện bị xem là “đang suy giảm nhanh” hoặc “đang suy giảm từ từ”. Và dù Ireland và Estonia được xem là “đang tăng trưởng từ từ” nhưng không quốc gia thành viên nào của EU được xếp hạng “tăng trưởng nhanh”.

Dĩ nhiên là EU có thể cải thiện tình trạng trên của các quốc gia bằng cách hạ bớt những rào cản thương mại nội bộ và nới lỏng những quy định đối với các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng nhưng xem ra họ cần phải làm rất nhiều điều.

Đặc biệt là, họ phải thay đổi những chính sách kềm hãm năng suất đã làm yếu đi khu vực đầu tư tư nhân trong hệ thống mạng băng thông rộng tốc độ cao. (EU là nền kinh tế lớn duy nhất có sự sụt giảm đầu tư trong mảng này.)

Ngoài ra họ phải tránh những chiến lược có thể tiếp tục mang lại thất bại như làm “thui chột” những nỗ lực khởi nghiệp của dân châu Âu trong việc xây dựng một nền kinh tế kĩ thuật số.

Họ cũng không nên tạo ra những “chuẩn” mới hay đưa ra những quy định mới về chuyện bảo vệ người tiêu dùng, hay tiếp tục “nhiệm vụ bất khả thi” là quản lý ở cấp độ vi mô chuyện các doanh nghiệp Internet hoạt động thế nào trên toàn châu Âu. Điều đó sẽ chỉ khiến cho mọi chuyện càng rối rắm hơn và họ lại rơi vào vòng điều hành lẩn quẩn như từ trước đến giờ.

Tóm lại, nếu châu Âu thật sự muốn đạt được tiềm năng thật sự của mình trong nền kinh tế kĩ thuật số thì những nhà điều hành phải học cách để tin rằng người dùng càng ngày có nhiều công cụ để đưa ra những quyết định cho riêng mình và làm tăng giá trị của họ đối với những doanh nghiệp kĩ thuật số. Họ cần phải có “sự nhún nhường trong việc điều hành”, như lời của chủ tịch Ủy ban thương mại liên bang Maureen Ohlhausen.

Ý kiến bạn đọc