Kênh đầu tư triển vọng

Bán hàng online hay còn gọi là thương mại điện tử có mức doanh thu hằng năm đáng kinh ngạc. Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến doanh thu, đó chính là xóa nhòa hạn chế về khoảng cách địa lý giữa các địa phương. Mặt khác, không tốn tiền thuê mặt bằng, khả năng xoay hồi vốn nhanh chính là những điểm cộng khiến nhiều người muốn thử sức với loại hình kinh doanh này.

Với mức phí khoảng từ 2 - 3 triệu đồng/năm, người bán có thể thuê các Cty chuyên thiết kế website tạo lập trang web có chức năng đăng bán sản phẩm, thu ngân, ghi nhận đơn hàng… Tuy nhiên hiện nay, nhiều người có xu hướng tận dụng các trang mạng xã hội, các diễn đàn mang tính chuyên biệt như facebook.com, 
vatgia.com, lamchame.com, muare.vn, 
enbac.vn… để mở mục, quảng bá và rao bán các sản phẩm của mình hoàn toàn miễn phí.

Thời điểm cách đây 2 năm, Facebook được coi là mảnh đất màu mỡ của các thương gia online bởi nhiều ưu điểm vượt trội, như: Tính tương tác cao, khả năng lan truyền thông tin rộng lớn và dễ dàng tiếp cận được với khách hàng. Chính vì những lý do này, vô số các shop bán quần áo, mỹ phẩm, giày dép… mọc lên như “nấm mọc sau mưa” và dễ dàng thu lợi nhuận từ Facebook. Hệ lụy là rác quảng cáo “ngập tràn” trên trang chủ của người dùng.

Để hạn chế tình trạng này, Facebook đã thay đổi thuật toán và “thẳng tay” giảm số lượng người tiếp cận fanpage từ 20% xuống còn 6% số người theo dõi page. Đồng nghĩa với việc nếu fanpage có 100 người theo dõi thì sẽ chỉ có 6 người nhìn thấy nội dung được đăng tải.

Chính vì điều này, người kinh doanh online buộc phải bỏ thêm tiền duy trì lượt hiển thị bài viết hay tăng chi phí quảng cáo. Có thời điểm, các chủ cửa hàng trên Facebook phải trả tới 3.000 đồng chỉ cho một cú nhấp chuột xem bài viết.

Thay vì “đổ tiền” vào quảng cáo Facebook, nhiều người bán hàng đã tìm ra một hướng đi khôn ngoan hơn khi mạnh dạn “tấn công” vào thị trường ngách, chuyển hướng sang những kênh bán hàng online miễn phí và ít cạnh tranh hơn. Dưới góc độ kinh doanh, trong thời gian gần đây, Instagram nổi lên như một phương thức bán hàng hiệu quả.

Nhiều ưu thế

Instagram là một ứng dụng xử lý ảnh trên smartphone, cho phép người dùng chụp ảnh, xử lý ảnh và sau đó chia sẻ trên các mạng xã hội một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Vậy tại sao, ứng dụng nhỏ này lại có thể “tạo bão” trong làng kinh doanh online? Ưu điểm nổi bật của Instagram chính là giao diện đơn giản, thân thiện và dễ sử dụng. Chỉ qua vài thao tác đơn giản, người dùng có thể dễ dàng tạo lập một tài khoản đại diện miễn phí để giới thiệu sản phẩm.

Quan trọng hơn, khác với Facebook, người dùng không phải rút hầu bao cho việc duy trì hiển thị bài viết hay trả phí quảng cáo. Chính vì vậy, Instagram đã giúp người bán hàng “tiết kiệm” được một khoản tiền không nhỏ.

Tuy nhiên, điều khiến Instagram ghi điểm với các chủ cửa hàng online đó là hình ảnh đẹp. Đối với kinh doanh, việc tiếp thị và quảng bá sản phẩm là một khâu mang tính “sống còn”. Với việc cung cấp hơn 20 bộ lọc cho người dùng, Instagram hoàn toàn có đủ khả năng biến hóa hình ảnh sản phẩm gây ấn tượng với khách hàng.

Mặt khác, Instagram là một mạng chia sẻ hình ảnh nên văn bản và câu chữ được giản lược một cách tối đa. Đối với nhiều cửa hàng, việc đăng tải hình ảnh lên Instagram giống như giới thiệu một bộ catalogue hay lookbook trực tuyến tới hàng triệu khách hàng tiềm năng cũng đang sử dụng ứng dụng này.

Tuy nhiên, phải nói rằng, việc kinh doanh dựa vào bên truyền thông thứ ba tuy mang lại hiệu ứng nhanh chóng nhưng không lâu bền. Theo ghi nhận, phần lớn các tài khoản kinh doanh trên mạng xã hội này mới chỉ là đầu tư cá nhân và hướng vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: Quần áo, mỹ phẩm, đồ ăn thức uống… Chủ cửa hàng đa phần là dân văn phòng và thậm chí cả học sinh, sinh viên nhằm kiếm thêm thu nhập trong khoảng thời gian ngắn hạn.

Mặt khác, ưu điểm của Instagram cũng chính là nhược điểm chí cốt của mạng xã hội này. Giao diện quá đơn giản khiến việc giao dịch trực tuyến giữa người bán và người mua còn gặp nhiều trở ngại.

Dự báo trong tương lai, các chuyên gia social marketing (hình thức marketing trên các mạng xã hội, diễn đàn, blog…) của các DN sẽ quan tâm hơn tới việc truyền thông trên Instagram, bởi ngày càng nhiều người dùng chuyển từ Facebook sang mạng xã hội này.

Việc người người, nhà nhà đổ xô mở cửa hàng trên Instagram đang khiến mạng xã hội này trở thành một môi trường kinh doanh đầy tính cạnh tranh. Một khi đã đến giai đoạn cạnh tranh, tất yếu sẽ có lúc thoái trào. Tuy nhiên, khoan bàn đến thời điểm này, trước mắt, người tiêu dùng sẽ tiếp tục được trải nghiệm một môi trường kinh doanh online nhanh chóng, thân thiện và tiện lợi.